Chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa

61

baokontum.com.vn

27/04/2024 06:20

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, thiên tai phức tạp, khó lường, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành của tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa với phương châm “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục hiệu quả”.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai được các cấp, các ngành thực hiện tốt, có hiệu quả thiết thực.

Theo đó, việc xây dựng phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, theo hướng từ bị động sang chủ động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thiên tai được thực hiện tương đối chính xác, giúp các ngành, địa phương triển khai các phương án ứng phó với các tình huống hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Từ thực tiễn cho thấy, trong công tác phòng, chống thiên tai, việc dự báo tình hình diễn biến thời tiết kịp thời, chính xác, cụ thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng; bởi, trong công tác phòng chống thiên tai luôn xác định phương châm “phải lấy phòng là chính và ứng phó linh hoạt, hiệu quả”.

112854T%E1%BB%89nh%20ta%20n%C4%83m%20n%C3%A0o%20c%C5%A9ng%20b%E1%BB%8B%20%E1%BA%A3nh%20h%C6%B0%E1%BB%9Fng%20b%E1%BB%9Fi%20thi%C3%AAn%20tai,%20nh%C6%B0ng%20vi%E1%BB%87c%20ch%E1%BB%A7%20%C4%91%E1%BB%99ng%20ph%C3%B2ng%20ch%E1%BB%91ng%20s%E1%BA%BD%20gi%C3%BAp%20gi%E1%BA%A3m%20thi%E1%BB%83u%20thi%E1%BB%87t%20h%E1%BA%A1i.

Chủ động phòng, chống sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, một điều chúng ta cần phải xác định là, những năm gầy đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan với cường độ mạnh, nhất là mưa bão, lũ lụt rất phức tạp, khó đoán định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; đặc biệt, tỉnh ta lại là một tỉnh miền núi, thường xảy ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Do đó, việc chủ động phòng ngừa, hành động “sớm hơn một bước, nhanh hơn một bước” sẽ góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân, giảm thiểu những tác động tiêu cực do thiên tai gây ra.

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2024, nắng nóng vẫn diễn ra, khả năng xảy ra một số trận mưa dông chuyển mùa kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá và khả năng có mưa lớn cục bộ. Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024, khả năng có từ 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Kon Tum; trong đó, có 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp gây mưa lớn trên diện rộng và có khả năng có gió mạnh, tập trung trong các tháng 9-11.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra từ 8-10 đợt mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100-250mm/đợt diễn ra trong thời kỳ từ tháng 8 đến tháng 11; riêng ở huyện Ia H’Drai và huyện Kon Plông sẽ có các đợt mưa với lượng từ 300-500mm/đợt.

Trên phạm vi toàn tỉnh có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là trong các tháng 9,10,11; khả năng tác động đến môi trường, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế- xã hội. Lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, giao thông và có thể gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng.

112920Ng%C3%A0nh%20N%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20%C4%91%C3%B4n%20%C4%91%E1%BB%91c%20c%C3%A1c%20%C4%91%C6%A1n%20v%E1%BB%8B%20%C4%91%E1%BA%A9y%20nhanh%20ti%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BB%99%20x%C3%A2y%20d%E1%BB%B1ng%20c%C3%A1c%20c%C3%B4ng%20tr%C3%ACnh%20h%E1%BB%93,%20%C4%91%E1%BA%ADp min

Ngành Nông nghiệp đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hồ, đập. Ảnh: TH

 

Vì vậy, dù tỉnh ta vẫn đang trong cao điểm của mùa khô, nhưng với tinh thần chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống thiên tai, cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp chống hạn cho cây trồng và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân; các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng phương án phòng, chống bão lũ.

Theo đó, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 vừa diễn ra, các ngành, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân nhận diện một cách đầy đủ các loại hình thiên tai, từ đó chủ động phòng, chống một cách có hiệu quả gắn với xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời, củng cố, kiện toàn và phát huy tốt vai trò của lực lượng xung kích ở cơ sở.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 102 xã, phường, thị trấn đã thành lập được đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trên 5.200 người tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, giúp xử lý nhanh các tình huống thiên tai tại cơ sở và triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư, duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng các công trình, dự án trọng điểm phòng, chống thiên tai.

Có thể nói, việc chủ động các bước “phòng từ sớm, tránh từ xa” là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-thien-tai-tu-som-tu-xa-40572.html