Vùng khó Đăk Kôi vươn lên thoát nghèo

95

baotintuc.vn

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền để người dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, hướng đến thoát nghèo. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Do điều kiện tự nhiên khó khăn, nhiều năm qua, người dân sản xuất chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ. Cùng với đó, thói quen cũ trong lao động, sản xuất của đồng bào nơi đây cũng là “vật cản” để dân vươn lên thoát nghèo…

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, đồng thời xác định nông nghiệp vẫn là chủ lực trong phát triển kinh tế, chính quyền xã Đăk Kôi đã vận động đồng bào làm quen với lúa nước 2 vụ. Các diện tích ven sông, suối đều được người Xơ Đăng tận dụng để gieo lúa. Với diện tích trồng mỳ (sắn), chính quyền hỗ trợ, vận động bà con chuyển sang các loại cây khác như bắp, cây ăn trái, trồng rừng…

Năm 2021, khi tỉnh Kon Tum triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo”, Hội Phụ nữ xã đã tiên phong xây dựng mô hình trồng lúa sạch.

Chị Y Xách, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk Kôi cho biết: “Khi Cuộc vận động được triển khai, Đảng bộ, chính quyền và người dân đồng lòng, quyết tâm triển khai thực hiện. Hội Phụ nữ làm điểm mô hình lúa nước, sạch. Chúng tôi thành lập tổ liên kết với 8 thành viên ở làng Kon Rlong, trồng lúa sạch giống Hương Châu, diện tích trồng 8 sào. Các hội viên tham gia, Hội Phụ nữ hỗ trợ giống. Trong quá trình triển khai, chính quyền và Hội Phụ nữ xã đã vận động người dân tận dụng phân chuồng để cải tạo đất, bón cho ruộng, hạn chế dần thuốc bảo vệ thực vật. Việc tận dụng phân vừa giúp cải tạo đất vừa sạch môi trường. Từ 8 sào thí điểm, đến nay, mô hình lúa sạch đã mở rộng lên 13 ha, với 90% hộ dân trong làng Kon Rlong tham gia trồng”.

Chỉ trong 3 năm, người Xơ Đăng ở Đăk Kôi đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng bào biết chọn giống mới, chú trọng phát triển gia súc, tận dụng phân chuồng để bổ sung dưỡng chất cho ruộng lúa, cải tạo đất, bỏ dần thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho biết: Khi chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, chính quyền đã lồng ghép các chương trình mục tiêu để hỗ trợ cây, con giống cho người dân. Hiện, người Xơ Đăng ở xã Đăk Kôi đang dần chuyển diện tích gieo lúa rẫy sang trồng ngô, cây ăn quả. Với diện tích đất trống, đất trồng bạc màu, người dân đã chuyển sang trồng rừng”.

Hiện diện tích lúa nước toàn xã đã phát triển được 113 ha. Đồng bào Xơ Đăng ở Đăk Kôi đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, đây là cơ sở, niềm tin để vùng đất khó vươn lên từng ngày.

Từ một xã khó khăn, với sự hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực vượt khó của người dân, xã Đăk Kôi đang chuyển mình trở thành điểm sáng ở Kon Rẫy. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết, để giúp người dân xã Đăk Kôi vươn lên thoát nghèo, huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trong đó, công tác vận động phải gần dân, sát dân, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền để đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Cùng đó, huyện ưu tiên hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất gắn với hướng dẫn dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra huyện kêu gọi, thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực, ngành mà Đăk Kôi có thế mạnh; đầu tư khai thác cảnh quan thiên nhiên như: thác Kôi Tó, suối nước nóng Thông 1… để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho dân.

Hiện xã Đăk Kôi đã hoàn thành 16/19 tiêu chí về nông thôn mới.


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/dia-phuong/vung-kho-dak-koi-vuon-len-thoat-ngheo-20240508170428163.htm