Nước ngầm ở Tây Nguyên 'suy giảm không ngừng'

130

vnexpress.net

Nhu cầu khai thác nước ngầm ở Tây Nguyên tăng cao do hạn hán và nắng nóng, khiến mực nước không ngừng hạ thấp, có nơi giảm đột biến hơn 2,3 m, theo chuyên gia.

Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. VnExpress phỏng vấn ông Triệu Đức Huy, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia về hiện trạng và giải pháp ứng phó hạn hán thời gian tới.

– Ông đánh giá thế nào về tình trạng suy giảm nước ngầm ở Tây Nguyên?

Trong cao điểm mùa khô hiện nay, lượng dòng chảy trên các sông đã thiếu hụt 20-60% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ, suối cũng đã cạn nước, gây ra tình trạng khô hạn cục bộ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các công trình thủy lợi vừa và nhỏ.

Thời điểm mùa khô từ tháng 11/2023 đến nay có gần một nửa số công trình quan trắc mực nước ngầm có xu hướng hạ thấp so với cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm. Tình trạng này tập trung ở huyện Krông Pắk, Cư Kuin của tỉnh Đăk Lắk và huyện Lâm Hà, TP Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, mực nước giảm đột biến thấp nhất là 2,31 m quan trắc được tại xã Tân Văn, huyện Lâm Hà.

Ông Triệu Đức Huy trả lời VnExpress về khô hạn ở Tây Nguyên. Ảnh: DWRM

Ông Triệu Đức Huy. Ảnh: DWRM

Có nhiều nguyên nhân làm hạ thấp mực nước ngầm. Cụ thể, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến nguồn tài nguyên nước suy giảm rõ rệt trong thời gian ngắn. El-nino làm suy giảm lượng mưa, gia tăng lượng nước bốc hơi, đồng thời diện tích rừng và độ che phủ thực vật giảm, diện tích đất trống và đồi núi trọc ngày một gia tăng.

Cuối cùng là do thiếu nguồn nước mặt dẫn tới nhu cầu khai thác nước ngầm tăng để phục vụ tưới tiêu cà phê, hồ tiêu, hoa màu và sinh hoạt khiến mực nước dưới đất không ngừng bị hạ thấp.

– Hạn hán, nắng nóng ở Tây Nguyên có đặc điểm gì riêng so với khu vực khác?

Đầu tiên khí hậu ở vùng này là nhiệt đới mùa, nhưng địa hình với độ cao trung bình 500-600 m so với mặt nước biển thì thời tiết ở đây thường lạnh hơn so với các vùng đồng bằng. Mùa hè thường khô ráo và nắng nóng, đặc biệt vào tháng 3-5.

Đất đai ở Tây Nguyên cũng có đặc điểm riêng biệt ảnh hưởng đến nguồn nước. Đất thường có hàm lượng sét cao, làm cho tốc độ ngấm của nước mưa vào các tầng chứa nước xảy ra chậm hơn so với các khu vực đồng bằng, ven biển – nơi có mặt các lớp đất hạt thô.

Tây Nguyên là đỉnh phân thủy của khu vực, đầu nguồn của hầu hết hệ thống sông lớn, chảy xuống hạ lưu ở các vùng phụ cận về các phía. Do đó, thời gian lưu nước trong các nguồn nước mặt của khu vực ngắn hơn so với các vùng hạ lưu.

Cây trồng chịu hạn hán ở Tây Nguyên thường phải đối mặt với áp lực cao từ nắng nóng và mất nước. Các loại cây như cà phê, điều, hồ tiêu và lúa mạch có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cần nước nhiều và không chịu hạn hán tốt.

Tóm lại, trong đợt hạn hán và nắng nóng ở Tây Nguyên, các đặc thù khí hậu, đất đai, nguồn nước và cây trồng của khu vực này đều góp phần tạo ra tình hình khó khăn và đòi hỏi các biện pháp ứng phó phù hợp từ cộng đồng và các cơ quan Chính phủ.

Khô hạn ở ở Kon Tum. Ảnh: Đức Hoà

Lòng hồ Đăk Ken ở tỉnh Đăk Nông trơ đáy, người dân chật vật tìm nguồn nước tưới. Ảnh: Lập Phương

– Dự báo thời gian tới, tình hình khô hạn sẽ như thế nào?

Tình hình khô hạn, thiếu nước đang diễn ra gay gắt. Hạn hán tiếp tục kéo dài đến nửa đầu tháng 5. Dự báo tổng lượng nước trên lưu vực sông Srê Pốk, Sê San ở Tây Nguyên đều có xu thế giảm mạnh, trong đó tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Lắk, Đăk Nông và Kom Tum.

Đặc biệt ở các tiểu lưu vực nêu trên của lưu vực sông Sê San, tổng lượng nước có xu thế giảm hơn 46% so với tổng lượng trung bình nhiều năm.

Nắng nóng và hạn hán có thể gây ra thiệt hại cho cây trồng bằng cách làm giảm khả năng hấp thụ nước của cây và giảm sản lượng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với cà phê, điều, hai loại cây cần nhiều nước để phát triển và sinh trưởng.

Hạn hán có thể làm giảm nguồn nước cần thiết cho tưới tiêu và sinh trưởng của cây trồng, tạo ra áp lực lớn đối với nguồn cung cấp nước cho nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Những ảnh hưởng này có thể gây ra thất thoát kinh tế đáng kể cho người trồng trọt và làm giảm thu nhập của họ, cũng như gây ra rủi ro cho nguồn cung cấp thực phẩm và nguồn sống của cộng đồng địa phương.

Giếng cạn khô ở Gia Lai đầu tháng 4/2024. Ảnh: Đức Hoà

Người dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đào giếng lấy nước sinh hoạt, giữa tháng 4/2024. Ảnh: Trần Hóa

– Tây Nguyên đã triển khai giải pháp nào để ứng phó hạn hán?

Đã có nhiều đầu việc lớn được triển khai như xây dựng hệ thống cấp nước dự phòng cho hồ chứa, giếng khoan sâu để cung cấp nước cho vùng hạn hán. Các tỉnh như Đăk Lắk và Gia Lai đã đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn như Ea H’leo ở Đăk Lăk và Hòa Bình ở Gia Lai.

Nông dân ở Đăk Nông và Kon Tum đã được đào tạo và hỗ trợ triển khai hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới bằng cách sử dụng nước tái chế. Điều này giúp giảm lượng nước tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước.

Các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã tổ chức hội thảo, đào tạo và chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức về hạn hán và hướng dẫn cộng đồng sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn.

Ngoài ra, công tác tìm kiếm, thăm dò, điều tra tài nguyên nước dưới đất cũng đã được đẩy mạnh. Nguồn nước ngầm phần nào được tăng cường bằng các giải pháp bổ cập nhân tạo; tăng cường lưu trữ nước vào các tầng chứa nước dưới đất tại các khu vực có điều kiện thực tế phù hợp.

Người dân tưới cây trồng trong khô hạn ở Tây Nguyên. Ảnh:

Nông dân huyện Đăk Hà, Kon Tum chật vật tìm nguồn nước tưới cho cây cà phê, tháng 4/2024. Ảnh: Trần Hóa

– Về lâu dài cần làm gì để ứng phó hạn hán ở Tây Nguyên?

Trung tâm đang thực hiện rất nhiều đề án ứng phó nguy cơ sa mạc hóa của Tây Nguyên và các khu vực khác trên toàn quốc. Có thể kể đến đề án thuộc chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, khan hiếm nước; các đề án điều tra đánh giá khoanh vùng và hạn chế khai thác nước dưới đất; đề án bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn…

Về lâu dài, tôi cho rằng cần đầu tư xây dựng hệ thống công trình chống xói mòn đất như đê điều và hố chứa nước để giữ và ngăn chặn sự mất mát đất đai do mưa lũ. Cùng với đó thực hiện các chương trình quản lý tài nguyên nước bền vững, bao gồm việc sử dụng nước hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, cũng như bảo vệ và tái tạo nguồn nước ngầm.

Tiếp đến là đẩy mạnh lập, rà soát và bổ sung quy hoạch tài nguyên nước theo các lưu vực sông; xây dựng kịch bản nguồn nước cho các lưu vực sông, phục vụ quản lý và ra quyết định về tài nguyên nước. Trong đó, đặc biệt chú ý đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa kịch bản nguồn nước hàng năm và kế hoạch khai thác sử dụng nước ở các địa phương với kịch bản nguồn nước.

Ngoài ra, cần thúc đẩy các đề án trồng cây bảo vệ đất đai, ngăn chặn sa mạc hóa. Tăng cường các chương trình giáo dục và tư vấn để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ sa mạc hóa, cung cấp hướng dẫn cách ứng phó và bảo vệ môi trường.

Những đề án này đều cần sự hợp tác giữa cơ quan Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và chuyên gia môi trường để đảm bảo hiệu quả, bền vững trong việc ứng phó nguy cơ sa mạc hóa ở Tây Nguyên.

Gia Chính – Trần Hóa

Gia Chính


Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/nuoc-ngam-o-tay-nguyen-suy-giam-khong-ngung-4743032.html