Tự hào trang sử vàng

84

baokontum.com.vn

07/05/2024 17:51

Sáng nay, ngày 7 tháng 5, như muôn người dân Việt Nam, tôi chăm chú theo dõi Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên trong niềm xúc động xen lẫn tự hào.

162111img5530 17150528312351086805202

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Diễn văn kỷ niệm. Ảnh: chinhphu.vn

 

Đây là sự kiện chính thức và quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, 270 đại biểu quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài, trong đó có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào; Phó thủ tướng Campuchia; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng tham dự buổi lễ.

Đặc biệt là sự tham dự của các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT và đại diện chiến sĩ Điện Biên, cựu chiến binh, dân công hoả tuyến.

7 giờ 44 phút, dàn lựu pháo 105 mm đặt tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khai hỏa 21 phát đạn. Nghe tiếng pháo nổ vang, tôi như ngây ngấy sốt, như được nghe tiếng pháo trận từ năm xưa vọng về.

70 năm trước, ngày 13/3/1954, những khẩu lựu pháo 105mm của bộ đội ta đặt trên các sườn núi bao quanh lòng chảo Mường Thanh đồng loạt khai hỏa, dội bão lửa xuống đầu thù. Đây là một trong những yếu tố bất ngờ then chốt làm nên chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ.

162208Xe%20m%C3%B4%20h%C3%ACnh%2070%20n%C4%83m%20Chi%E1%BA%BFn%20th%E1%BA%AFng%20%C4%90i%E1%BB%87n%20Bi%C3%AAn%20Ph%E1%BB%A7%20t%E1%BA%A1i%20L%E1%BB%85%20di%E1%BB%85u%20binh,%20di%E1%BB%85u%20h%C3%A0nh%20k%E1%BB%B7%20ni%E1%BB%87m%2070%20n%C4%83m%20Chi%E1%BA%BFn%20th%E1%BA%AFng%20%C4%90i%E1%BB%87n%20Bi%C3%AAn%20Ph%E1%BB%A7

Xe mô hình 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: chinhphu.vn

 

Và khi Lễ diễu binh diễu hành chính thức bắt đầu, chứng kiến 12.000 người của 40 khối quân binh chủng và dân sự diễu binh, tôi trải qua những cung bậc cảm xúc, từ choáng ngợp, đến xúc động và tự hào.

Càng thêm tưởng nhớ công lao vĩ đại, thêm biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tưởng nhớ và tri ân sâu sắc Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp- người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…”, với “đôi chân đất”, tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tôi ngắm mãi Khối chiến sĩ Điện Biên diễu hành trên đường, với các Đại đoàn: 308 – Quân Tiên phong, Đại đoàn 312 – Chiến thắng, Đại đoàn 316 – Bông Lau, Đại đoàn 304 – Vinh Quang, Đại đoàn Công pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367.

Và trong rầm rập bước quân đi, tôi như thấy lại không khí náo nức ra trận chia lửa với Điện Biên trên khắp các chiến trường. Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, để phối hợp với Điện Biên Phủ, đã có nhiều chiến dịch được quân ta mở trên khắp các chiến trường, trong đó có Kon Tum, với  những chiến thắng vang dội.

Một lần ra Điện Biên, thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi tìm thấy tư liệu về Kon Tum trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954. Theo đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng quân ủy, Liên khu ủy khu V và Đảng ủy Tư lệnh Liên khu quyết định chọn Đông Bắc Kon Tum là hướng chính trong kế hoạch tấn công lên Tây Nguyên trong Đông Xuân 1953-1954.

Mục tiêu của chiến dịch này là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Tây nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc Navarre phải bỏ dở cuộc hành quân Át-lăng, rút lực lượng lên ứng cứu cho Tây Nguyên khiến kế hoạch tập trung binh lực của Pháp bị phá vỡ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính Điện Biên Phủ.

23 giờ 30 phút ngày 27/1/1954, lúc bộ đội ở Điện Biên Phủ đang kéo pháo ra, thì tiếng s ú n g cũng nổ gìòn giã ở chiến trường Kon Tum, chủ lực ta nổ s ú n g tấn công chiếm loạt đồn Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih.  

Các chiến thắng Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih làm cho hệ thống phòng thủ Đông Bắc Kon Tum của địch sụp đổ hoàn toàn. Trên các hướng khác, quân ta cũng đồng loạt tấn công địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn thuộc Đăk Tô, Đăk Glei, Đăk Hà.

162323img4681 1715054587022894940609

Khối Dân công hỏa tuyến tại Lễ diễu binh, diễu hành. Ảnh: chinhphu.vn

 

Khối Dân công hỏa tuyến tiến vào lễ đài. Đáp lời Hồ Chủ tịch kêu gọi “hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, 30.000 nam nữ thanh niên xung phong vào dân công hỏa tuyến, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ không tiếc máu xương mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thương bệnh binh.

Nhìn từng người, từng người, với áo nâu, mũ nan và chiếc xe đạp thồ chất đầy bao tải, tái hiện lại hình ảnh tải lương lên Điện Biên năm nào, tôi như thấy lại những đoàn người trong trang phục đủ sắc màu dân tộc, tay bám cây rừng, chân bấm đất sỏi, ngày qua ngày vượt núi trèo đèo cõng gạo, gùi đạn phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên chia lửa cho Điện Biên Phủ.

Tôi như nghe tiếng chày giã gạo thâu đêm suốt sáng của dân để nuôi bộ đội đánh giặc. Và như thấy người mẹ Xơ Đăng “phía trước địu con, sau lưng cõng đạn” trong đoàn dân công hướng về tiền tuyến.

Hồi ấy, hẳn là rừng bủa vây mịt mùng. Rừng bảo vệ làng mạc, rừng che cho bộ đội. Rừng cũng vây kín quân thù, khiến cho chúng không còn biết đâu là nơi trú ẩn an toàn.

Hồi ấy, phương tiện cơ giới hẳn là rất hạn chế, thậm chí không có, tất cả chỉ nhờ vào đôi vai của bộ đội mình và đồng bào các dân tộc. Mà bộ đội thì còn phải lo cho công tác chiến đấu, do đó, hầu như tất cả công việc chuẩn bị đều dựa vào dân (mà cụ thể là dân công), từ mở đường, vận chuyển vũ khí, tải đạn dược đến gùi gạo, cáng thương.

Với khí thế tiến công, ngày 7/2/1954, ta tiến về giải phóng thị xã Kon Tum và truy kích cánh quân địch chạy về Pleiku. Sau 22 ngày đêm chiến đấu anh dũng ở phía Bắc Tây Nguyên, ta tiêu diệt 2.600 tên địch, thu trên 1.000 vũ khí các loại, 150 tấn đạn, giải phóng toàn bộ tỉnh Kon Tum rộng 14.000km2 gồm 20 vạn dân. Vùng giải phóng giáp giới 3 tỉnh tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và khu giải phóng Hạ Lào.

Chiến thắng Kon Tum là chiến thắng lớn đầu tiên trên chiến trường miền Nam, đánh dấu bước tiến bộ mới của bộ đội chủ lực Liên khu 5.

Ngay sau chiến thắng Kon Tum, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội nêu rõ: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc”.

70 năm đã trôi qua, nhưng những thanh âm hào hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn vang vọng đầy tự hào trong trái tim của mỗi người Việt Nam.

161259X%C3%A2y%20d%E1%BB%B1ng%20Kon%20Tum%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng

Xây dựng Kon Tum phát triển bền vững. Ảnh: HL

 

Trong niềm tự hào chung ấy, mỗi người dân Kon Tum còn có thêm niềm tự hào của mình về những trang sử vàng được viết bằng máu và hoa, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Càng tự hào, chúng ta càng quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, nhất trí  trong suy nghĩ và hành động, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xây dựng quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/tu-hao-trang-su-vang-40708.html