www.nguoiduatin.vn
Làng ngư phủ
Khi năm cũ dần qua, năm mới đến gần những cư dân làng ngư phủ lòng lại thấp thỏm, bồi hồi, trông ngóng về quê hương. Họ ao ước, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về được đoàn viên cùng người thân sau bao năm vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người.
Miền biên viễn huyện Ia HDai, tỉnh Kon Tum mùa này tiết trời khô hanh, nắng nóng làm “nhọc” lòng người. Thế nhưng, bù lại, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng dòng sông Sê San trù phú.
Nhìn từ xa, dòng sông Sê San như một dải lụa xanh mát dịu dàng. Tứ bề là nhiều hòn đảo lớn nhỏ nối đuôi nhau như giang tay chắn sóng che chở làng chài. Từ bờ hồ trải tầm mắt ra chừng 2km, những nhà bè nhấp nhô theo từng đợt sóng vỗ, xóm làng chài Sê San, xã Ia Tơi, hiện lên bình dị và mộc mạc.
Gọi theo số điện thoại trên tấm biển quảng cáo, vài phút sau một chiếc thuyền máy từ làng chài “đạp sóng” cập bến đón chúng tôi rẽ nước vun vút lao đi. Chỉ sau 15 phút di chuyển, làng chài hiện hữu, ai cũng ngỡ như mình đang lạc vào một xóm nổi ở miền Tây Nam bộ. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà nổi nằm thành một dãy liền kề nhau, cứ thế nhấp nhô theo từng nhịp sóng vỗ.
Từ xa, mùi ngai ngái, nồng nồng của cá cơm, cá lóc khô đặc trưng đã thoang thoảng. Ở mỗi nhà, những bè cá được nuôi cẩn thận, trong khoảng không gian đó, người người ngồi xẻ, phơi cá, í ới gọi nhau rồi di chuyển bằng thuyền, ghe qua lại rộn ràng.
Cá cơm khô đặc sản nức tiếng trên sông Sê San.
Cuộc sống khởi sắc
Chở chúng tôi vào nhà hàng nổi của gia đình, anh Đặng Văn Thuộc, SN 1982, quê tỉnh An Giang kể, ở đây nhà nào cũng có bè nuôi cá. Thời điểm trước đây, cuộc sống của người dân chỉ biết phụ thuộc vào việc đánh bắt tôm cá, thuỷ hải sản. Những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cư dân làng chài bắt đầu làm du lịch nhờ vậy cuộc sống của người dân khấm khá hơn.
Anh Thuộc chia sẻ: “Gia đình tôi vừa mua thêm một thuyền máy mới cỡ lớn để phục vụ chở khách đi tour theo đoàn tham quan làng chài, ngắm cảnh núi rừng, sông nước. Sau hành trình tham quan về tại nhà nổi phục vụ du khách các món ăn đặc sản của miền Tây như lẩu mắm bông điên điển, cá cơm khô đặc sản sông Sê San. Tiếng lành đồn xa, nhờ vậy mấy năm trở lại đây làng chài thường xuyên có nhiều
Nhờ đánh bắt hải sản kết hợp với làm du lịch mà cuộc sống của cư dân làng chài ngày càng khấm khá hơn.
đoàn khách du lịch ghé thăm, trải nghiệm từ đó bà con có thêm thu nhập mọi người rất phấn khởi” .
Ngồi trên căn nhà nổi đang dập dềnh theo con nước, ông Nguyễn Thành Nhân (42 tuổi) cặm cụi ghi chú những vật liệu cần thiết để mở rộng nhà hàng. Với sức chứa gần 200 người, thế nhưng nhiều thời điểm, các nhà hàng của ông đành từ chối du khách vì đã hết không gian. Chốc chốc, ông lại buông cây bút để nhận cuộc điện thoại từ một nhóm khách chuẩn bị ghé thăm. Ông Nhân tận tình chỉ đường, gửi định vị làng chài của mình để du khách tìm đến tham quan, thưởng thức ẩm thực.
“Nhóm khách ở Gia Lai mới được bạn bè giới thiệu nên gọi điện để đặt chỗ và một vài món ăn. Chắc khoảng 30 phút nữa là họ đến. Nhân viên của tôi sẽ lái thuyền ra đón khách vào vui chơi, thưởng thức ẩm thực và nghỉ lại qua đêm nếu muốn”, ông Nhân nói.
Ông Nhân sinh ra ở tỉnh An Giang. Phận nhà nghèo chẳng có mảnh đất cắm dùi, cuộc mưu sinh của gia đình ông cũng phập phù theo mùa nước nổi. Năm 2010, vợ chồng ông Nhân dắt nhau lên Tp.HCM làm công nhân. Đồng lương của hai người vừa đủ chi phí ăn, ở nên chỉ bám trụ ở thành phố được một thời gian. Năm 2011, hay tin lòng hồ Sê San rất trù phú, ông Nhân liền đưa vợ con lên Tây nguyên lập nghiệp. Như bao gia đình khác, vợ chồng ông cắm bè giữa lòng hồ thủy điện. Ngày ra sông đánh lưới thả câu, đêm về bè ngủ. Luồng tôm cá dồi dào, cuộc sống gia đình ông cũng bớt vất vả.
Cá lăng đặc sản sông Sê San được nhiều thực khách lựa chọn.
Trò chuyện với chúng tôi ông Nguyễn Văn Triều, quê tỉnh An Giang bộc bạch: “Quê tôi ở tận An Giang. Năm 2009 mất mùa dữ lắm, miếng ăn cũng thiếu, nói gì đến chuyện cho con cái học hành. Thấy có người mách tôi lên Tây Nguyên có dòng sông trù phú, đầy ắp tôm cá tôi đánh liều lên đây chài lưới mưu sinh. Lúc đi, tôi chỉ mang theo mấy triệu đồng, đủ sắm con thuyền và một ít lưới. Cần mẫn làm lụng, tiết kiệm được ít tiền tôi sắm thêm ngư cụ, mua thép, đinh, tôn rồi đi chặt lồ ô về dựng chòi nổi trên sông. “Thấy ở đây làm ăn được, tôi đón vợ lên, mua thêm mấy lồng cá và bán tạp hóa”.
Chiều tà, mặt trời dần khuất sau những dãy núi, cũng là lúc những cư dân làng ngư phủ chuẩn bị đèn pin, bình sạc điện dự phòng cho chuyến ra khơi đánh bắt cá cơm – đặc sản nức tiếng nơi lòng hồ Sê San trù phú.
Ông Hoàng Trọng Quảng, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai cho biết: “Hiện nay, trên làng chài có 29 hộ dân đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau đang làm ăn, sinh sống. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp các hộ dân làng chài đã được cấp đất, hỗ trợ tiền để xây nhà định cư trên đất liền. Ngoài ra, hiện nay từ nguồn vốn khoa học công nghệ cơ sở, hàng năm bà con làng chài được hỗtrợ vốn để nuôi thuỷ hải sản. Bên cạnh đó, chính quyền xã hỗ trợ cho người dân vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa phát triển mô hình du lịch, từ đó cuộc sống bà con làng chài ngày càng phát triển, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/co-mot-lang-chai-noi-mien-bien-vien-a646701.html