www.nguoiduatin.vn
Chứng nhân lịch sử và những ký ức không phai
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm ông Lê Chí Quyết (tên khai sinh là Hồ Miên), 97 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Đăk Lắk, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lắk trong một căn nhà nhỏ nằm tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn tinh anh, minh mẫn, nhớ rõ từng sự kiện lịch sử. Trong trái tim ông Quyết, những kỷ niệm về thời xông pha “mưa bom bão đạn” khốc liệt trên vùng Tây Nguyên và tinh thần dũng cảm, bất khuất của quân và dân ta vẫn sống mãi.
Nở nụ cười hiền, ông Quyết cho biết, vào tháng 1/1947, ông tự nguyện lên đường nhập ngũ khi chứng kiến những hy sinh to lớn của quân và dân ta trước sự xâm lược của quân thù. Sau khi nhập ngũ, ông Quyết được điều động tham gia chiến đấu ở khu vực Bắc Tây Nguyên (Gia Lai – Kon Tum).
Ông Lê Chí Quyết kể lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng của quân và dân ta.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, quân đội ở phía Nam tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, ông Quyết và một số ít cán bộ nhận nhiệm vụ ở lại tỉnh Gia Lai để tiến hành hoạt động bí mật, phòng chống âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Lần giở ký ức, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lắk chia sẻ: “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ ở lại, tôi và nhiều đồng đội đã thay trang phục quân đội, cải trang thành dân thường, giả làm người mua bán hoặc công nhân nhằm tiếp cận các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố thị xã để tuyên truyền cho người dân về tội ác của thực dân Pháp. Đồng thời, vận động người dân tin vào Đảng, Bác Hồ, đoàn kết, nuôi giấu cán bộ đấu tranh chống thực dân Pháp nhằm giành lại độc lập, không để quân thù mua chuộc, dụ dỗ”.
Trong quá trình hoạt động bí mật, người thanh niên Hồ Miên đã phải thay tên, đổi họ 4 lần để tránh sự truy lùng, bắt bớ, g i ế t hại của quân địch. Tới năm 1960, ông Quyết được điều động lên chiến trường Nam Tây Nguyên để tăng cường cho tỉnh Đăk Lắk. Lúc này, cán bộ Cách mạng Hồ Miên chính thức đổi tên thành Lê Chí Quyết. Đó cũng là cái tên gắn bó với ông cho đến ngày nay.
Tại tỉnh Đăk Lắk, đồng chí Lê Chí Quyết được giao nhiều nhiệm vụ, chức vụ khác nhau. Từ năm 1969, ông Quyết được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Kinh tài của tỉnh. Khi đó, Tỉnh ủy và các cơ quan của tỉnh Đăk Lắk tập trung chủ yếu ở vùng căn cứ phía Bắc Cư Jú – Dliêya (thuộc huyện Krông Năng ngày nay).
Ông Quyết nhớ lại những lần gặp Bác Hồ giữa thời chiến.
Theo lời ông Quyết, sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch phản công dữ dội, không ngừng rải bom. Lực lượng của quân xâm lược thường xuyên hành quân cả tiểu đoàn, trung đoàn và sử dụng nhiều vũ khí tối tân để tấn công vào căn cứ H9 (nay là huyện Krông Bông).
Đầu năm 1969, quân địch thả bom B52 xuống cơ quan Tỉnh ủy đóng tại căn cứ H9. Lúc đó, 6 cán bộ phục vụ, cấp dưỡng của Tỉnh ủy đang nấu bánh tét trong hầm để ăn Tết và gửi ra tiền phương cho các đội công tác thì bị trúng bom, hy sinh.
“Đó là cái Tết mất mát và đau thương sâu sắc trong những năm chiến tranh của quân đội chúng ta. Quân địch còn tìm mọi cách phong tỏa, kiểm soát gắt gao nhằm ngăn chặn mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm của quân ta”, ông kể lại.
Sức mạnh đoàn kết làm nên chiến thắng
Thế nhưng, càng khó khăn, thách thức càng hun đúc ý chí chiến đấu và tinh thần đoàn kết đi theo cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược của quân và dân ta.
Ông Lê Chí Quyết kể, để phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, quân ta xác định công tác hậu cần, lo lương thực là rất quan trọng. Mọi người tìm mọi cách mua các vật dụng như: văn phòng phẩm, pin, thuốc chữa bệnh, vải may quần áo… từ thị xã Buôn Ma Thuột, các thị trấn Phước An, Buôn Hồ, Buôn Trấp… Thậm chí, ra đường quốc lộ 14, đường quốc lộ 26 chặn xe đi qua để mua hàng.
Ông Lê Chí Quyết (người đầu tiên hàng đầu bên phải) trong một lần được gặp Bác Hồ.
Những năm tháng chiến tranh gian khổ, không chỉ các chiến sĩ bộ đội mà người dân cũng lao đao vì thiếu muối ăn, thường xuyên phải ăn lạt. Thậm chí, để có muối ăn, mọi người phải vào rừng chặt cây lồ ô, cỏ tranh về đốt thành tro rồi hòa vào nước dùng để nấu ăn thay muối.
“Với quyết tâm không để quân và dân bị kiệt sức vì thiếu muối, bộ đội Cách mạng đã mở đường từ căn cứ Krông Bông sang cửa khẩu Krache (Campuchia) mua muối rồi huy động dân công gùi về. Có được gùi muối, nhiều anh em đã phải đổ cả máu trước những trận càn quét của quân địch. Cũng bởi vậy, từng hạt muối được nâng niu, quý trọng và tiết kiệm tối đa”, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lắk nhớ lại.
Bên cạnh đó, lực lượng Cách mạng còn bí mật đi sâu vào trong rừng tìm những khu đất bằng phẳng để canh tác, sản xuất, trồng trọt ngô, đậu, khoai, sắn, các loại rau… nhằm phục vụ lương thực tại chỗ. Đồng thời, tận dụng các sản phẩm từ rừng như: đào củ rừng, trái rừng, các loại rau rừng dọc suối; bắn các loại thú rừng lớn, lóc từng mảng thịt to, phơi khô rồi vùi dưới tro nóng… làm thực phẩm; dùng vỏ cây, lá rừng làm khố để mặc.
Tuy nhiên, việc sản xuất diễn ra không mấy dễ dàng trước sự càn quét của quân địch. Không ít lần, những ruộng sắn chuẩn bị được thu hoạch thì bị địch rải chất độc hoá học hòng phá hoại, chặn nguồn lương thực của quân ta.
Nói đến đây, giọng ông Quyết bỗng nghẹn lại: “Máy bay địch vừa đi, cán bộ, chiến sĩ ta phải nhào ra chặt hết phần thân và lá cây sắn với mong muốn chất độc không kịp ngấm xuống củ. Khi làm xong, chất độc hóa học mà địch vừa rải xuống đã bám ướt đẫm đầu tóc, quần áo của các chiến sĩ. Cũng có khi, biết những củ sắn ấy có thể nhiễm độc, nhưng vẫn phải nhắm mắt ăn để lấy sức chiến đấu”.
Với những cống hiến ở thời chiến cũng như thời bình, ông Quyết đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương.
Cùng với tinh thần chiến đấu quật cường của lực lượng Cách mạng, ông Quyết khẳng định, trong những năm kháng chiến gian khổ, một trong những yếu tố làm nên sức mạnh chiến thắng của ta chính là người dân một lòng son sắt theo Cách mạng.
“Ngày ấy, người dân Tây Nguyên nói chung và nhân dân ở các vùng căn cứ Cách mạng nói riêng đối diện với rất nhiều khó khăn, khổ cực, thường xuyên sống trong cảnh đói cơm, lạt muối. Thế nhưng, nhân dân khắp nơi luôn hết lòng vì Cách mạng”, ông Quyết nói.
“Ở các buôn làng – vùng căn cứ ngày ấy, lớp trai tráng, khỏe mạnh thì đi dân công hỏa tuyến. Bộ đội đi đâu là dân công hỏa tuyến theo đến đó, sẵn sàng trèo đèo, lội suối gùi đạn, cáng thương binh… Lớp trung niên, phụ nữ thì trở thành dân công thường trực, đi gùi gạo muối, lương thực. Thanh thiếu niên lớn lên, đủ tuổi nhận thức cũng cầm s ú n g tham gia du kích đánh giặc, bảo vệ các cơ quan của tỉnh trong vùng căn cứ”, ông bồi hồi nhớ lại.
Nhớ về một thời hoa lửa, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lắk Lê Chí Quyết khẳng định, chính nhờ sức mạnh quân dân và sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc đã góp phần rất lớn làm nên chiến thắng lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Tinh thần đoàn kết ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Lê Chí Quyết đã được giao nhiều vị trí và chức vụ quan trọng. Cụ thể, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Thường trực – Bí thư Ban cán sự Đảng UBND Cách mạng tỉnh, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch – Thống kê tỉnh; từ ngày 28/12/1975 đến tháng 8/1977 là Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột; tháng 9/1977 đến tháng 2/1983 là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; tháng 3/1983 đến tháng 8/1988 là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, kiêm Thường trực Ban chỉ đạo 03+04, kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ biên giới; tháng 8/1988 đến tháng 7/1992 là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban kinh tế Tỉnh ủy và sau đó là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy. Đến tháng 7/1992, ông Quyết về hưu sau 47 năm cống hiến, hoạt động Cách mạng.
Khánh Ngọc
Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/nhung-nam-thang-hao-hung-qua-ky-uc-cua-nguyen-pho-bi-thu-tinh-uy-a660874.html