Nhớ về đồng đội

130

baokontum.com.vn

30/04/2024 13:22

Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Kon Rẫy Hoàng Văn Do, chúng tôi đến gặp các CCB Đinh Bông và Đào Đức Thảo (thị trấn Đăk Rve) tại nhà riêng và được nghe kể những câu chuyện của một thời hào hùng và oanh liệt của các ông và đồng đội trên chiến trường.

Cống hiến, lăn xả trên chiến trường, khi trở về đời thường, ông Đinh Bông tiếp tục trải qua nhiều vị trí quan trọng, từng là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và về hưu vào năm 2009. Ông được tặng nhiều Huân chương, Bằng khen, vì những thành tích trong kháng chiến, như: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất.

Bên ly trà nóng hổi, người lính già hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng “dầm mưa dãi nắng”, dưới “mưa bom, bão đạn”, ông đã cùng đồng đội kề vai chiến đấu, tiêu diệt, bắt gọn rất nhiều quân địch trên mảnh đất Tây Nguyên.

094437C%E1%BB%B1u%20chi%E1%BA%BFn%20binh%20%C4%90inh%20B%C3%B4ng%20b%E1%BB%93i%20h%E1%BB%93i%20nh%E1%BB%9B%20l%E1%BA%A1i%20nh%E1%BB%AFng%20k%E1%BB%B7%20ni%E1%BB%87m%20v%E1%BB%81%20%C4%91%E1%BB%93ng%20%C4%91%E1%BB%99i%20t%E1%BA%A1i%20c%C3%A1c%20chi%E1%BA%BFn%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20x%C6%B0a min

Cựu chiến binh Đinh Bông bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về đồng đội tại các chiến trường xưa. Ảnh: HT

 

Ông Đinh Bông kể: Quê gốc tôi ở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1973, tôi tự nguyện lên đường nhập ngũ và nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10). Đến năm 1975, tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Tỉnh đội và tham gia đánh nhiều trận giải phóng các khu vực lân cận thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum).

Trong các trận đánh, ông Đinh Bông nhớ nhất chiến dịch phục kích, tiêu diệt địch kéo dài trong 7 ngày (từ 10- 16/3/1975) tại đèo Sao Mai. Khi ấy, được giao quyền Đại đội trưởng 12 pháo binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), ông đã trực tiếp chỉ huy, phối hợp cùng Đại đội 2 bộ binh (Tiểu đoàn 304) nhận nhiệm vụ chiếm lĩnh trận địa tại đèo Sao Mai để đánh chặn địch rút về thành phố Pleiku.

Sau nhiều ngày phục kích, giăng bẫy, sáng sớm ngày 13/3/1975, phát hiện rất nhiều xe quân sự của tàn quân Mỹ- Ngụy rút chạy theo Quốc lộ 14 hướng về Pleiku, Đại đội của ông áp sát đánh chặn, bắn cháy 12 chiếc xe quân sự của địch, bắt sống gần 500 tù binh. Những ngày sau đó, đại đội của ông cùng một số đơn vị tiếp tục phục kích, bày trận để tiêu diệt địch và chính thức giải phóng, tiếp quản thị xã Kon Tum vào ngày 16/3/1975.

Trong khi niềm vui Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chưa bao lâu thì ông Đinh Bông tiếp tục tham gia lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia tránh khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt, chiến đấu tại biên giới Tây Nam từ tháng 12/1975. Trong khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, có 37 đồng đội của ông Đinh Bông ngã xuống chiến trường. Trong đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, có chiến sĩ vừa cưới vợ, có con ở quê nhà, nhưng họ đã ngã xuống khi làm nhiệm quốc tế, họ mãi mãi lìa xa gia đình. Mỗi lần nhớ đến những đồng đội đã hy sinh, cựu chiến binh Đinh Bông lại rưng rưng nước mắt.

094511C%E1%BB%B1u%20chi%E1%BA%BFn%20binh%20%C4%90%C3%A0o%20%C4%90%E1%BB%A9c%20Th%E1%BA%A3o%20(tr%C3%A1i)%20x%C3%BAc%20%C4%91%E1%BB%99ng%20k%E1%BB%83%20v%E1%BB%81%20nh%E1%BB%AFng%20k%E1%BB%B7%20ni%E1%BB%87m%20chi%E1%BA%BFn%20tranh min

CCB Đào Đức Thảo (trái) xúc động kể về những kỷ niệm chiến tranh. Ảnh: H.T

 

Với CCB Đào Đức Thảo (sinh năm 1948, thôn 1, thị trấn Đăk Rve), dù tuổi cao và đã nhiều năm trôi qua, nhưng những giây phút thiêng liêng của “Ngày đại thắng” và những kỷ niệm về đồng đội vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông.

Ông Đào Đức Thảo kể, theo tiếng gọi xung phong nhập ngũ, ông cùng thanh niên trong làng (xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vượt dãy Trường Sơn, vòng qua Lào và đến Kon Tum qua “ngã ba biên Ngọc Hồi”.

Nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10), ông Đào Đức Thảo tham gia nhiều trận đánh ác liệt, quét sạch quân địch. Ông nhớ nhất trận Mỹ- Ngụy ở đồn Kon Săm Lũ (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) vào ngày 15/5/1968.

Bước vào trận đánh, vì đội trinh sát trước đó đã báo thông tin chưa đúng (đồn có 7 lớp hàng rào nhưng trinh sát báo chỉ có 5 lớp) nên khi đánh vào gặp trở ngại thiếu bộc phá để phá hết các lớp hàng rào bảo vệ; trong thời khắc “tiến thoái lưỡng nan”, toàn đội đã mưu trí, dũng cảm vượt qua vòng vây, xông pha đánh nhanh rút gọn. Tuy nhiên, trên đường rút về căn cứ, toàn đội bị phục kích bởi pháo xa của quân địch chi viện, hơn 30 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Nhớ lại kỷ niệm đau thương ngày ấy, ông Đào Đức Thảo nước mắt rưng rưng, bùi ngùi thông tin với chúng tôi rằng, trong hơn 30 đồng đội hy sinh trong trận đánh đồn Kon Săm Lũ, có 2 chiến sĩ ở cùng quê và nhập ngũ cùng đợt với ông. Chứng kiến những đồng đội ra đi là nỗi đau, là sự mất mát không gì bù đắp được, ông Thảo biến đau thương thành hành động, luôn một lòng theo Đảng, càng quyết tâm cùng đồng đội chiến đấu, chiến thắng kẻ thù để sớm giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Sau nhiều năm cùng đồng đội tham gia chiến đấu, bảo vệ  Tổ quốc, cựu chiến binh Đào Đức Thảo nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba.

Rời quân ngũ, ông tiếp tục cống hiến tại địa phương và về hưu năm 2008. Ông tiếp tục làm bí thư Chi bộ thôn 1 (thị trấn Đăk Rve) cho đến bây giờ.

Ông Hoàng Văn Do – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Kon Rẫy chia sẻ: Chiến tranh đã qua đi và đổi bằng xương máu của cha ông và các thế hệ đi trước. Mỗi người lính như chúng tôi có may mắn sống sót trở về cuộc sống đời thường vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh.

Có thể nói, những CCB như ông Đinh Bông và Đào Đức Thảo có thể xem là “báu vật sống” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ về cống hiến, sự hy sinh cho đất nước của thế hệ cha anh.

Hoàng Thanh


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/nho-ve-dong-doi-40551.html