baokontum.com.vn
08/04/2024 13:34
Từ không biết gì về cây cà phê, nhờ có ý chí và quyết tâm cao, nông dân Đinh Văn Sĩ (thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) đã xây dựng, tạo ra thương hiệu cà phê mang tên mình- Cà phê Phú Sĩ.
Dưới hệ thống tưới sử dụng năng lượng mặt trời, vườn cà phê của gia đình anh Đinh Văn Sĩ (thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring) xanh mơn mởn dù nơi đây đang vào mùa khô hạn. Nghe câu chuyện về hành trình vượt khó, tôi thực sự khâm phục ý chí, quyết tâm của người nông dân chân chất trên hành trình tạo nên thương hiệu cà phê mang tên mình.
Trên mảnh đất này, với anh Sĩ đâu cũng là kỷ niệm. Nhìn về phía con đường nhỏ dẫn vào rẫy, đôi vai anh Sĩ vẫn cảm nhận được sự nặng trĩu khi nghĩ về khoảng thời gian phải cõng từng bao gạo, bao phân đi bộ gần 2km từ mỏ đá Đăk Hring vào rẫy, ăn dầm, nằm dề, làm đất, trồng cà phê.
“Mảnh đất này, một thời nhiều người lắc đầu vì chỉ toàn đá và sỏi, trồng mì không lên, trồng cao su thì c h ế t. Phải đắng đót lắm mới trồng được cà phê trên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi này”- anh Sĩ kể.
Sản xuất khép kín, anh Sĩ đã tạo ra các sản phẩm chế biến sâu. Ảnh: H.T
Anh Sĩ tin vào duyên. Bởi lẽ, nếu anh và cà phê không có duyên, sẽ không có thương hiệu Cà phê Phú Sĩ như bây giờ. Năm 1998, anh cùng bố mẹ từ tỉnh Bình Định lên huyện Đăk Hà sinh sống. Như một số hộ dân khác, gia đình anh tập trồng cà phê. Không biết kĩ thuật chăm sóc, không hiểu đặc tính cây cà phê nên dù chỉ có 8 sào, mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng vẫn không đạt hiệu quả.
Nghĩ mình có sức trẻ, không thể thụ động, anh quyết tâm học để chinh phục loài cây khó tính này. Mỗi khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cà phê, anh đều chớp lấy cơ hội để học hỏi. Rồi những lần được đi học kinh nghiệm ở tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng, anh đều dành hết tâm trí để tìm hiểu và áp dụng vào vườn cà phê mình.
Qua quá trình học tập và áp dụng vào thực tế, vườn cây khó tính “mỉm cười” và cho năng suất ổn định. Khi lập gia đình, anh được cha mẹ cho 1ha cà phê. Vừa làm 1ha cà phê, vừa kinh doanh thêm nhưng trong đầu anh lúc nào cũng có kế hoạch mở rộng diện tích cà phê. Với ý chí, quyết tâm biến suy nghĩ thành hiện thực, năm 2004, anh mua và mở rộng thành 13ha cà phê.
“13ha đó là đám này đây. Nói thì vắn tắt, chứ để trồng được 13ha như bây giờ đúng là rất… “đắng”. Ngày mua đất, đá sỏi nhiều hơn đất thịt. Đường vào rẫy thì xa xôi, xe máy không thể đi được, tôi phải cõng từng bao phân để chăm bón. Ngày đó, dường như tôi trụ trong rẫy. Mở mắt ra là làm đất, trồng cây cho tới tối mịt. Bám trụ, làm dần dần, khi vườn cây phát triển, tôi mới vận động các hộ dân có vườn cây xung quanh, chung sức làm con đường đất dẫn vào rẫy. Kể ra để thấy được rằng, khó khăn chỉ là thử thách, rèn giũa ý chí con người” – anh Sĩ nói.
Lắp điện mặt trời 60WH để phục vụ việc tưới tiêu và rang xay. Ảnh: H.T
Để phát triển thương hiệu cà phê, năm 2009, anh tham gia vào Tổ hợp tác Sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng để học hỏi thêm. Tham gia Tổ hợp tác khoảng 3 năm, hiểu được ý nghĩa trong xây dựng thương hiệu cà phê sạch, anh có ý tưởng và tự định hướng chiến lược làm cà phê sạch. “Tôi quyết định ra làm riêng để bản thân bứt phá hơn, tự quyết và làm được những điều như mình suy nghĩ” – anh Sĩ chia sẻ.
Với kinh nghiệm và kiến thức học được, anh quyết tâm làm cà phê tuần hoàn. Trong 13ha, anh sản xuất 4ha cà phê hữu cơ thuần chủng, diện tích còn lại làm theo bán hữu cơ.
Anh đầu tư hơn 200 triệu đồng sắm các loại máy cơ giới phục vụ việc ủ phân cá, ủ phân từ vỏ cà phê. Cùng với đó, anh đầu tư 1,5 tỷ đồng để làm nhà xưởng, mua máy xát, máy chế biến ướt, máy sấy trống để chế biến thô, giảm thiểu các chi phí khâu trung gian. Việc chăm sóc, thu hái cà phê bài bản; máy móc đảm bảo nên các sản phẩm làm ra nhanh chóng được nhiều người biết và tìm mua.
Thực tế sản xuất cho thấy, việc chế biến sản phẩm sâu mới có thể giúp người tiêu dùng cảm nhận, khẳng định được hương vị và chất lượng sản phẩm, nâng thương hiệu đặc sản vùng miền. Nghĩ và làm, năm 2017-2018, anh đầu tư hệ thống rang xay, trang thiết bị đóng gói bao bì. Kinh nghiệm từ những lần học hỏi được áp dụng, cộng với tư duy của riêng mình, anh cho ra 3 dòng sản phẩm cà phê bột: natural, hony, cà phê truyền thống.
Mang cho khách tận hưởng hương vị thơm ngào ngạt của cà phê hony chất lượng cao (100% quả chín trên vườn hữu cơ), anh cười khanh khách: “Dù chưa làm quảng cáo, chưa mạnh về marketing, nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, sản phẩm lúc nào cũng “cháy” hàng”. Sản phẩm hiện nay có mặt trên toàn quốc. Nhiều mối chưa đến mùa đã đặt hàng”.
Các sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, tạo cho anh động lực để sản xuất mạnh cà phê tuần hoàn xanh. Tháng 10/2023, anh đầu tư 600 triệu đồng lắp đặt điện mặt trời 60WH để phục vụ việc tưới tiêu và rang xay. Từ thực tế sử dụng điện mặt trời cho thấy, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được 80% chi phí so với sử dụng điện, dầu thông thường. Anh quan niệm, làm nông, việc gì lợi, đảm bảo chất lượng và thân thiện với môi trường thì làm đến nơi, đến chốn.
Anh Sĩ hướng đến sản xuất cà phê sạch. Ảnh: H.T
“Cà phê không chỉ đắng ở hương vị mà còn “đắng” cả quá trình trồng và chăm sóc. Nếu vượt qua được những gian nan ban đầu, sẽ hưởng được “vị ngọt” về sau”- anh Sĩ đúc kết về câu chuyện.
Mất khoảng 20 năm với bao gian nan, giờ đây, anh đang dần cảm nhận được “vị ngọt” mà cà phê mang lại. Năm 2023, với việc vừa bán các sản phẩm chế biến sâu và các sản phẩm cà phê, sau khi trừ chi phí, anh thu được hơn 1 tỷ đồng.
Có ngày hôm nay, anh luôn biết ơn những người đã luôn tận tình giúp đỡ, chia sẻ với mình trong quá trình gắn bó với cà phê. Và bây giờ, anh sẵn lòng mở lối để người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại nơi anh đang trồng cà phê chinh phục và tận hưởng “vị ngọt” của cà phê.
Với suy nghĩ trên, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đang kết nối, thành lập hợp tác xã để khẳng định thương hiệu cà phê Đăk Hà. Anh cho biết, qua kết nối, hiện nay, dự kiến có 30 thành viên tham gia hợp tác xã, trong đó có khoảng 60-70% là người DTTS, với tổng diện tích sản xuất hơn 100ha. Với thông điệp “Chất lượng gửi trọn niềm tin”, hợp tác xã hướng đến sản xuất cà phê chất lượng, để lại ấn tượng cho người tiêu dùng.
Lên ý tưởng không dễ và làm lại càng khó. Để vận hành và hoạt động theo hướng tuần hoàn xanh và ứng dụng công nghệ cao là điều rất khó với người dân vốn đã ăn sâu lối sản xuất truyền thống. Nhưng với anh, gian truân nếm đủ, thì khó khăn này cũng vậy, đó là thử thách để anh cùng người dân vượt qua.
“Giống như con đường đã trải qua, tôi sẽ tổ chức tập huấn, giải mã cho bà con hiểu về quy trình trồng, chăm sóc. Đồng thời, hướng dẫn bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong sản xuất. Để canh tác 100% hữu cơ ngay từ ban đầu không dễ, nên ban đầu khuyến khích bà con sản xuất bán hữu cơ (sử dụng 50% phân hữu cơ và 50% phân hóa học). Và khi bà con hiểu được giá trị của việc sản xuất hữu cơ, có kinh nghiệm và tư duy, sẽ chuyển dần lên sản xuất hữu cơ” – anh Sĩ cho biết.
“Chúng tôi luôn động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập hợp tác xã. Với những nỗ lực của anh Sĩ và các thành viên trong hợp tác xã sẽ giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo nên thương hiệu cà phê chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân” – ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Hring nhấn mạnh.
Hoài Tiến
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/hanh-trinh-tao-nen-thuong-hieu-40156.html