Có chủ trương nhưng vướng cơ chế, sâm Ngọc Linh không phát huy hết lợi thế

10

laodong.vnCó chủ trương nhưng vướng cơ chế, sâm Ngọc Linh không phát huy hết lợi thếQuảng Nam đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên 15.500ha. Ảnh: Hoàng Thọ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu cho biết vừa có kiến nghị bằng văn bản lên các cấp để xin tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý để phát triển vùng sâm ở Ngọc Linh.

Quảng Nam và Kon Tum là 2 địa phương có cây đặc hữu sâm Ngọc Linh – được xem là cây quốc bảo của Việt Nam.

Từ tháng 2.2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. UBND tỉnh Quảng Nam đã lập tức triển khai thực hiện. Đến nay công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hàng loạt vướng mắc liên quan đến luật

Theo quy định Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2024) quy định nội dung cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, chưa có quy định về trình tự thủ tục về hồ sơ, quy định về thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.

Theo Nghị định số 84 (22.9.2021 của Chính phủ), có mục ghi rõ sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu. Nhưng đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Do đó, rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Vì vậy ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, quản lý cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây Sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất Lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên.

Việc xác định cây sâm Ngọc Linh hiện nay còn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để kiểm định, phân định rõ ràng. Từ đó, tình trạng sâm Ngọc Linh giả vẫn còn diễn ra thường xuyên và phức tạp ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cây sâm Ngọc Linh.

Kiến nghị có Luật Sâm Việt Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, ngày 9.7 đã ký công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Đề nghị có ý kiến kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ các vấn đề rất cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc nói trên. Trong đó, kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam.

Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh như nâng cấp Quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My – giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km). Chính phủ có chủ trương kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển Sâm tại Quảng Nam…

Bộ NNPTNT sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Luật Đất đai năm 2024. Và hàng loạt kiến nghị cụ thể khác liên quan đến các bộ, ngành Trung ương.


Nguồn bài viết:
https://laodong.vn/xa-hoi/co-chu-truong-nhung-vuong-co-che-sam-ngoc-linh-khong-phat-huy-het-loi-the-1364070.ldo