Động lực cho hộ nghèo

3

baokontum.com.vn

Thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ của cộng đồng, chúng tôi được biết nhiều hộ nghèo ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy được tiếp thêm động lực để vươn lên.

Hơn một tháng nay, bà Y Ung ở thôn Kà Bầy, xã Sa Bình vẫn còn trong niềm vui, phấn khởi vì được sống trong căn nhà mới khang trang, sạch đẹp. Hằng ngày, dù phải làm việc vất vả đến tận khuya, nhưng bà vẫn dậy sớm, dành thời gian để dọn dẹp vệ sinh xung quanh, chăm chút cho ngôi nhà của mình. Bởi đối với bà, ngôi nhà không chỉ là một tài sản có giá trị lớn, mà còn là món quà tinh thần vô giá, là sự động viên, quan tâm của cộng đồng, địa phương dành cho bản thân mình

Nói về ngôi nhà, giọng bà Y Ung rưng rưng: “Đến tận bây giờ, mình vẫn chưa thể tin, căn nhà mà mình chỉ có thể dám tưởng tượng trước đây thì nay lại trở thành hiện thực. Bây giờ mình có thể yên tâm sống, sinh hoạt và lao động trong nhà, không còn phải lo sợ mưa bão nữa”.

165835C%C4%83n%20nh%C3%A0%20%C4%91%C3%A3%20d%E1%BB%99t%20n%C3%A1t%20c%E1%BB%A7a%20b%C3%A0%20Y%20Ung

Căn nhà đã dột nát của bà Y Ung. Ảnh: T.T

 

Ông Dương Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Sa Bình chia sẻ: Bà Y Ung là đối tượng hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Sức khỏe vốn đã không bằng người khác, lại bị tàn tật, nên bà không thể lao động những công việc nặng nhọc, mà chỉ ở nhà may vá để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước đây, bà Y Ung ở trong căn nhà tạm, với tường tranh, mái tôn. Theo thời gian, ngôi nhà dần xuống cấp, gây nên những trở ngại trong sinh hoạt và lao động”.

Qua khảo sát, biết được hoàn cảnh bà Y Ung, UBND xã Sa Bình kết nối với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh tỉnh Kon Tum, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Kon Tum hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà. Với sự chung tay của cộng đồng, căn nhà đã được hoàn thành và bàn giao cho gia đình bà vào giữa tháng 9/2024.

Tổng kinh phí xây dựng căn nhà trị giá 90 triệu đồng, trong đó Agribank- Chi nhánh tỉnh Kon Tum hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình bà đối ứng 30 triệu đồng. Căn nhà cấp 4, rộng 50m2 với tường gạch, mái lợp tôn; có 1 phòng khách và 2 phòng ngủ.

165857Trao%20nh%C3%A0%20t%C3%ACnh%20ngh%C4%A9a%20cho%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20b%C3%A0%20Y%20Ung.%20(1)

Trao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Y Ung. Ảnh: T.T

 

Cùng với nguồn hỗ trợ kinh phí của đơn vị tài trợ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con trong thôn Kà Bầy hỗ trợ công lao động xây dựng nhà. Và kể từ ngày có nhà mới khang trang, bà Y Ung như được tiếp thêm động lực để vươn lên xây dựng cuộc sống.

Theo ông Dương Văn Thành, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, địa phương đã vận động các nguồn hỗ trợ xây dựng được 8 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, địa phương đã tạo điều kiện cho 16 hộ gia đình vay vốn  Ngân hàng Chính sách xã hội để sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 640 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ về nhà ở, UBND xã còn giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn xây dựng các mô hình kinh tế tiềm năng, có hiệu quả cao. Với phương châm trao “cần câu” chứ không trao “con cá”, UBND xã đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Trong các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế, tôi đến thăm hộ anh A Ngoang ở thôn Khúc Na. Không giấu niềm vui, anh A Ngoang chia sẻ: Gia đình mình là hộ nghèo được chính quyền địa phương hỗ trợ 80 cây sầu riêng giống để phát triển kinh tế. Gia đình dành 1ha đất để trồng và chăm sóc sầu riêng. Sau gần 1 năm canh tác, cây sầu riêng đã phát triển ổn định, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.

“Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, mình mừng lắm. Mình cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm, cố gắng để phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định. Trong thời gian chờ sầu riêng phát triển đến kỳ thu hoạch, mình canh tác thêm 2ha mì để tạo nguồn thu nhập. Mỗi vụ mì mình thu được khoảng 50 triệu đồng (đã trừ chi phí). Vừa qua, mình đã đề nghị với địa phương xin thoát nghèo” – A Ngoang thật lòng.

Qua tìm hiểu, tôi biết trước khi hỗ trợ cây giống sầu riêng, chính quyền địa phương chủ động đăng ký cho A Ngoang được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng. Sau khi triển khai thực hiện mô hình, chính quyền địa phương lại tiếp tục cử cán bộ đến hỗ trợ, giúp đỡ gia đình A Ngoang kỹ thuật trồng và chăm sóc để đảm bảo cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh.

165932X%C3%A3%20Sa%20B%C3%ACnh%20v%E1%BA%ADn%20%C4%91%E1%BB%99ng%20b%C3%A0%20con%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20tham%20gia%20thay%20%C4%91%E1%BB%95i%20n%E1%BA%BFp%20ngh%C4%A9%20c%C3%A1ch%20l%C3%A0m,%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20kinh%20t%E1%BA%BF.

Xã Sa Bình vận động bà con tích cực thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tế. Ảnh: T.T

 

Nhìn vườn sầu riêng phát triển tốt, khi trao đổi với chúng tôi, A Ngoang dự định trong thời gian đến sẽ trồng xen thêm cà phê để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế vườn bền vững.

Chúng tôi còn tham quan một số mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương như: Mô hình tổ hợp tác liên kết trồng cây nghệ vàng nguyên liệu tại thôn Kà Bầy (bắt đầu được xây dựng năm 2021 và được duy trì đến bây giờ); mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại thôn Khúc Na. Cả 2 mô hình này đều được thực hiện từ nguồn vốn của tổ chức CARE và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình này, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định.

“Việc hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn gặp rất nhiều thuận lợi. Đặc biệt là có được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy xã, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể và sự đồng thuận trong nhân dân. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại đia phương đã giảm dần qua các năm” – ông Dương Văn Thành tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Dương Văn Thành còn cho biết, trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với những hộ gia đình khó khăn và tạo điều kiện cho họ nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại lại vào sự giúp đỡ của nhà nước. Xã tiếp tục lồng ghép các chương trình MTQG về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS đảm bảo đạt hiệu quả cao; rà soát những gia đình thật sự khó khăn về nhà ở, kêu gọi các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Từ những định hướng đúng và nội dung triển khai, chúng tôi tin xã Sa Bình sẽ tiếp tục tạo ra những động lực mới để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng ổn định và phát triển.

Rời xã Sa Bình, trong lòng tôi đọng lại rất nhiều cảm xúc! Và tôi hy vọng rằng, ở xã sẽ ngày càng có thêm nhiều hộ gia đình như bà Y Ung, anh A Ngoang được cộng đồng tiếp thêm động lực, ý chí để từng bước vươn lên, xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no hơn.

Tất Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/dong-luc-cho-ho-ngheo-43558.html