Thành phố Kon Tum: Phấn đấu năm 2025 hoàn thành cải tạo vườn tạp

4

baokontum.com.vn

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 28/3/2024 của Tỉnh ủy về chủ trương cải tạo vườn tạp, Ban Thường vụ Thành ủy Kon Tum đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, phường rà soát, thống kê diện tích vườn tạp cần cải tạo, phấn đấu năm 2025 hoàn thành cải tạo vườn tạp.

Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 200ha vườn tạp cần được cải tạo, tại 1.341 hộ gia đình. Đến nay, sau hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết 24, toàn thành phố đã cải tạo được 47,48ha tại 183 hộ (trong đó, 136 hộ đồng bào DTTS với diện tích 36,19ha).

Để việc cải tạo vườn tạp đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, mang lại hiệu quả thiết thực, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tổ chức thực hiện đảm bảo chủ trương, chỉ tiêu giao. Ngoài ra,  tổ chức hội nghị triển khai công tác cải tạo vườn tạp năm 2024, mời đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT dự, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, thắc mắc giúp các địa phương hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và phương pháp cải tạo vườn tạp để hướng dẫn cho người dân triển khai thực hiện.

172130L%C3%A3nh%20%C4%91%E1%BA%A1o%20UBND%20th%C3%A0nh%20ph%E1%BB%91%20ki%E1%BB%83m%20tra%20c%E1%BA%A3i%20t%E1%BA%A1o%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20t%E1%BA%A1p

Lãnh đạo UBND thành phố Kon Tum kiểm tra cải tạo vườn tạp. Ảnh: DN

 

Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch rà soát; tuyên truyền, vận động các hộ dân triển khai; hướng dẫn nhân dân chọn cây trồng phù hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; kiểm tra công tác triển khai thực hiện để đánh giá kết quả, kịp thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.

Ia Chim là một trong những xã có diện tích vườn tạp cần cải tạo lớn của thành phố Kon Tum với 30ha. Tuy nhiên, từ khi triển khai Nghị quyết 24 của Tỉnh ủy đến nay, xã Ia Chim mới cải tạo được 1ha với cây trồng chủ yếu là cà phê. Theo ông Huỳnh Hữu Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, lý do cải tạo được ít là vì khi bắt đầu triển khai Nghị quyết đúng vào thời điểm nắng nóng, nên khó khăn về nguồn nước tưới, rồi sau đó là hết mùa vụ trồng; hộ có vườn cải tạo hầu hết là hộ nghèo hoặc già yếu khó khăn về tài chính, tư duy.

“Xã đặt mục tiêu phấn đấu cải tạo hết 100% diện tích đã rà soát vào cuối năm nay. Ngoài ra, còn cải tạo kỹ thuật cho 30ha vườn tạp đã được bà con cải tạo trong 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” – ông Tân cho hay.

Để chủ trương đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, ông Phan Thanh Nam – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Phòng đã tham mưu UBND thành phố, Thành ủy ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo giao tổ chức cơ sở đảng phụ trách thôn làng xây dựng mô hình tại thôn phụ trách; giao các đảng ủy xây dựng 1 mô hình điểm/thôn; chỉ đạo cán bộ, đảng viên, dân quân trực tiếp tham gia hướng dẫn và cùng bà con tham gia cải tạo vườn tạp.

“Về góc độ chuyên môn, phòng hướng dẫn xây dựng mô hình phải phù hợp với nhu cầu của người dân và thực tế của địa phương. Trong đó lưu ý, trong quá trình triển khai phải nhận diện rõ hiện trạng vườn tạp, từ đó lựa chọn cây trồng, bố trí cơ cấu cây, mật độ phù hợp; đặc biệt phải có cây trồng chính, tức là cây trồng đó chiếm đa số trên diện tích cải tạo. Tiếp đó là khâu chăm sóc, tạo bồn, đảm bảo nước tưới, phân bón để cây trồng được phát triển tốt, mang lại hiệu quả”- ông Phan Thanh Nam trao đổi.

Người dân xã Ia Chim trồng cà phê cải tạo vườn tạp. Ảnh: D.N

 

Tuy nhiên, việc cải tạo vườn tạp trên địa bàn thành phố Kon Tum đang gặp phải một số khó khăn. Theo ông Nguyễn Thanh Mân – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khó khăn đó là diện tích đất vườn của các hộ tương đối nhỏ; nhiều hộ, đặc biệt hộ đồng bào DTTS chưa quan tâm đến kinh tế vườn nên chưa chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ thực hiện. Ngoài ra, một số khu vực thường xuyên bị thiếu nước nên chủ yếu trồng cây hàng năm vào vụ mùa (mùa mưa) như xã Hòa Bình, Vinh Quang, Đăk Rơ Wa, Ngọk Bay, Đăk Blà. Hiện nay, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, thành phố lại không được hưởng các Chương trình MTQG, ngân sách thì hạn hẹp nên cũng là khó khăn trong triển khai thực hiện.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành cải tạo vườn tạp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Mân cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện hiệu quả công tác rà soát, thống kê diện tích vườn tạp đến từng hộ gia đình, phân loại vườn theo quy mô diện tích, theo công việc (cải tạo giống, cải tạo đất, hệ thống tưới, kỹ thuật canh tác); cải tạo vườn tạp sát tình hình thực tế từng gia đình, gắn với nhân lực, nguồn lực, nước tưới và có sự đồng thuận, thống nhất cao của hộ gia đình để mang lại hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo xây dựng tối thiểu 1 vườn mẫu cải tạo vườn tạp/thôn (làng)/xã, phường để phục vụ tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân rộng. Phân công cơ quan chuyên môn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chú trọng đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Khi triển khai thì thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững. Cán bộ, đảng viên, hội viên, dân quân là lực lượng tiên phong trong cải tạo vườn tạp. UBND thành phố kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn.

Dương Nương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/thanh-pho-kon-tum-phan-dau-nam-2025-hoan-thanh-cai-tao-vuon-tap-43565.html