Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng

3

baokontum.com.vn

Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ý thức gìn giữ và phát triển tài nguyên rừng của các cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, qua đó, góp phần giúp các đơn vị chủ rừng quản lý tốt diện tích lâm phần được giao quản lý.

Thôn Tea Reang (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy) có 83 hộ dân. Toàn bộ hộ dân trong thôn đều tham gia Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ 437,02ha rừng tự nhiên cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) số 2 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy.

Dù diện tích rừng tự nhiên được khoán bảo vệ lớn, nằm ở khu vực có địa hình núi cao hiểm trở, nhưng hàng ngày, Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Tea Reang đều phân công các nhóm hộ tổ chức đi tuần tra, kiểm tra rừng.

Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, hàng năm, mỗi hộ dân ở thôn Tea Reang được chi trả tiền DVMTR hơn 8 triệu đồng. Đối với cộng đồng thôn Tea Reang, nguồn tiền DVMTR được chi trả mỗi năm giúp thôn có kinh phí để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cho các tuyến đường giao thông và tổ chức các nghi lễ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Bánh chưng xanh.

162027C%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BB%93ng%20th%C3%B4n%20Tea%20Reang%20tu%E1%BA%A7n%20tra,%20b%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87%20r%E1%BB%ABng.

Cộng đồng thôn Tea Reang tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: ĐT

 

Ông A Từng- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ  cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Tea Reang cho biết, bà con thôn Tea Reang tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Trạm QLBVR số 2 từ năm 2021. Đến nay, sau 4 năm được trực tiếp tham gia công tác bảo vệ rừng, bà con trong thôn đã hiểu rõ vai trò và những lợi ích mà rừng mang lại.

“Hiện nay, thôn Tea Reang có 21 hộ dân tham gia trồng rừng với tổng diện tích hơn 30ha, trong đó, có 4 hộ dân tự bỏ kinh phí trồng rừng với tổng diện tích hơn 2ha. Giống cây bà con trồng là thông 3 lá và bò ma”- ông A Từng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu- Phụ trách Trạm QLBVR số 2 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, Trạm được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng gần 6.000ha. Các diện tích rừng này nằm ở khu vực có địa hình đồi núi, dốc cao, giáp ranh với đất sản xuất của người dân xã Đăk Kôi và rừng tự nhiên thuộc các xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) và xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông).

Hiện nay, trên địa bàn xã Đăk Kôi có 3 tổ cộng đồng dân cư thôn, gồm Tea Reang, Trăng Nó-Kon Blo, Tu Rơ Băng, với tổng cộng 175 hộ dân, tham gia nhận khoán bảo vệ 1.181,46ha rừng cho Trạm QLBVR số 2.

“Các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ theo như hợp đồng đã ký kết với đơn vị chủ rừng và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn tiền DVMTR được chi trả’’- ông Hiếu đánh giá.

Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, thời gian qua, việc triển khai chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến nhận thức bảo vệ rừng của cộng đồng các thôn vùng đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thị trấn thuộc huyện Kon Plông.

Người dân thôn Đăk Xô (xã Hiếu) tích cực tham gia các buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: Đ.T

 

Đơn cử như ở thôn Đăk Xô (xã Hiếu), toàn bộ 76 hộ dân của thôn hiện nay đang tham gia nhận khoán, chung tay bảo vệ 783ha rừng cho Lâm trường Măng La thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông. Trong năm 2023, Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Đăk Xô được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chi trả 350 triệu đồng tiền DVMTR. Số tiền này giúp thôn Đăk Xô có kinh phí mua sắm các thiết bị, vật dụng cho nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn và giúp các hộ dân trong thôn có thêm khoản thu nhập để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

Ông Vi Đình Huấn- Bí thư kiêm Trưởng thôn, đồng thời là Cộng đồng trưởng Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Đăk Xô cho hay, bà con người dân Mơ Nâm trong thôn luôn tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Hàng ngày, tại các đường mòn, lối mở trên diện tích rừng nhận khoán bảo vệ luôn có các hộ dân của thôn đi tuần tra, kiểm tra rừng. Khi được triệu tập thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng đột xuất, các hộ dân trong thôn đều có mặt, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Lâm trường Măng La.

“Nhờ sự nỗ lực, chung tay của các hộ dân, diện tích rừng thôn Đăk Xô nhận khoán bảo vệ luôn được quản lý tốt. Các khu vực rừng giáp ranh với đất rẫy của bà con ở địa phương không bị tác động”- ông Huấn nói.

Có thể khẳng định rằng, chính sách chi trả DVMTR đã và đang tạo động lực quan trọng, góp phần giúp các đơn vị chủ rừng triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế và thu nhập ổn định, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng trong đồng bào DTTS thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đức Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/nang-cao-nhan-thuc-bao-ve-rung-43585.html