Rộn ràng mùa xuân biên viễn

17

petrotimes.vn Rộn ràng mùa xuân biên viễn Đời sống được nâng cao, người dân có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trong những ngày đầu xuân ngược nắng ngược gió, ngược những con dốc để đi và thấy những cánh rừng và bạt ngàn cao su đâm chồi nẩy lộc, nhiều loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, để thấy những buôn làng miền biên giới từng ngày thay da đổi thịt, đồng bào miền biên cương rực rỡ trong mùa hội.

Trường Sơn – Tây Nguyên có hai mùa mưa và khô rõ rệt, nơi đó có con đường thiên lý dài hơn 700km vắt ngang từng miền rừng, trên dải đất đỏ giữa mùa hoa xuân trổ bông khắp rẫy nương. Mùa này, vùng đất đỏ bazan bung hoa cà phê trắng muốt. Trên khắp những triền đồi của Hướng Hóa, Đắkrông (Quảng Trị), vùng thung lũng A Lưới (Huế), trên cao nguyên Kon Tum kéo dài xuống tận cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng), hoa cà phê tỏa hương ngào ngạt, quyến rũ các loài ong từ muôn nơi tìm về hút mật. Những cánh rừng cao su dài típ tắp, những nương sắn, những rẫy tiêu… của đồng bào tiếp nối bạt ngàn, reo vui trong gió. Đó là bức tranh đẹp nhất trong những bức tranh của vùng núi rừng đại ngàn, với điểm xuyết đan xen một làng M’nông hay Ê Đê, J’rai hay Banah, Pa Kô hay Vân Kiều… trong chập chờn mây nắng. Cùng với đó là những tình cảm nặng sâu, thấm đẫm nét mộc mạc hiền hòa, cởi mở và da diết của đồng bào, của những con người qua nhiều thế hệ vẫn nặng nợ với đất và rừng nơi này. Từ chân đèo Sa Mù (Quảng Trị) đến cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng), từ Biển Hồ (Gia Lai) đến đỉnh Chư Yang Sin ( Đăk Lắk) hùng vĩ, bất cứ nơi đâu cũng có thể thấy được những điều ấy.

Rộn ràng mùa xuân biên viễn Những bản làng miền biên viễn được quy hoạch lại, đầy đủ điện lưới, nước sạch và đường giao thông

Con đường Hồ Chí Minh giờ đây như một dải lụa vươn nối tới từng buôn làng phía biên cương triền tây. Những buôn làng, những thị trấn, thị tứ miền biên cương yêu dấu này đã thay da đổi thịt rất mạnh mẽ nhờ vào những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và không thể thiếu đó là sự chung tay của lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào, những cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã thực sự như những người con của buôn làng, cùng mang tới những đổi thay đáng kể về đời sống, kinh tế xã hội, y tế, giáo dục… cho từng đồng bào.

Qua những làng buôn ngày càng thay da đổi thịt, những núi đồi nhấp nhô xanh trong nắng gió là những rẫy nương tươm lên những dòng mật ấm no trên từng đọt lá non, từng phiến lá xanh ngời. Từ những sắn và khoai, cây tiêu, cây điều, đến cao su và cà phê với từng khoảnh rừng dài vuông vắn, tăm tắp và ngút ngát hứa hẹn biết bao nhiêu thu hoạch. Chẳng biết ngoài bazan thổ nhưỡng ra, mảnh đất này còn tố chất dinh dưỡng nào nữa mà hai bên đường cứ mơn mởn non tơ của sắn, thăm thẳm sắc màu cao su, cà phê và tiêu. Xa kia, những cánh rừng trồng nhiều lớp tuổi cứ nối tiếp hứa hẹn sự sung túc hôm nay và tương lai giàu có cho cả miền phên giậu, hứa hẹn sự trỗi dậy mạnh mẽ của vùng đất nhiều huyền thoại này.

Rộn ràng mùa xuân biên viễn Bộ đội biên phòng giúp người dân thu hoạch lúa

Trên những buôn làng dọc dải biên cương Trường Sơn – Tây Nguyên, nhiều già làng vẫn ngày ngày leo lên những quả đồi dốc đứng để trỉa lúa, trồng bắp, trồng cây. Đôi chân vẫn vững chắc, đôi mắt vẫn tinh anh, giọng nói vẫn sang sảng trong niềm vui buôn làng đã không còn đói cơm, lạt muối. Những buôn, bon, plei nghèo khó năm xưa bây giờ đã đổi thay lắm rồi. Nhiều ngôi nhà tường xây, mái ngói, mái tôn màu bừng sáng cả một vùng núi rừng. Những chương trình mục tiêu lớn của Chính phủ như Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 (Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) đã đầu tư xây dựng đường bê tông đến tận nhà đồng bào, xây nhà ở kiên cố thay cho nhà tranh tre nứa lá đơn sơ, trường học đã được xây dựng khang trang, đường giao thông được trải nhựa hay bê tông, nhà văn hóa cộng đồng của làng cũng được xây dựng kiên cố.

Rộn ràng mùa xuân biên viễn Rộn ràng mùa xuân biên viễn Con đường Hồ Chí Minh giờ đây như một dải lụa vươn nối tới từng buôn làng phía biên cương triền tây. Những buôn làng, những thị trấn, thị tứ miền biên cương yêu dấu này đã thay da đổi thịt rất mạnh mẽ…

Vui hơn hết là đồng bào nơi biên cương đã biết cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi để mang lại ấm no, giàu có cho mình. Già làng Priu Pố (huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam) chia sẻ: “Nhờ chủ trương chính sách của Nhà nước hướng dẫn bà con làm ăn nên gia đình nào cũng biết trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi bò, lợn và cây ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình. Chính quyền địa phương cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ đặc biệt, giúp đồng bào phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, nhiều chính sách của Đảng, của Nhà nước đã đến với dân làng, cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều!”. Cùng với đó, giao thông thuận lợi là một điều kiện lý tưởng để nhiều buôn làng không còn cách biệt với miền xuôi, thức ăn, vật dụng giờ không thiếu thứ gì. Những sản vật của miền núi nơi đây nhanh chóng được vận chuyển xuống miền xuôi và ngược lại một cách dễ dàng.

Dấu ấn của tôi về dải đất miền biên cương này là những câu chuyện về chiến trường, về những trận đánh dữ dội, về những tên đất tên làng, những mặt trận đã trở thành lịch sử như Khe Sanh, Làng Vây, A Sò, Đồi Thịt Băm, những cao điểm như Chư Tan Kra, những vùng B3…, và cả những thiếu thốn, nghèo khó đặc thù của một vùng rừng. Bây giờ, ngồi bên ly cà phê bên tượng đài Khe Sanh, hay lãng đãng cùng mây trắng Chư Tan Kra giữa trai thanh gái lịch, giữa thanh bình và ấm no, đã thấy nơi đây bừng thức một tương lai mới, bừng thức một niềm tin rời xa khó nghèo để vươn vai giàu đẹp và đậm bản sắc. Trong thanh âm tiếng nói người dân sơn cước nhẹ và thanh, chợt lẫn trong giai điệu du dương giọng một cô bé đồng bào khe khẽ hát. Hòa cùng tiếng hát là tiếng chim ríu rít đón bình minh ửng nắng. Có chút vui vui không tên len lỏi vào đâu đó lòng người. Hướng mắt ra xa kia, những dải mây trắng và khói đá chùng chình, quấn quýt núi rừng trong tiếng ching chiêng rộn ràng.

Hành trình mùa xuân trên con đường Hồ Chí Minh với những lên dốc xuống thung, những quanh co uốn lượn, đây đó từng bản làng của những đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, Jrai hay Bana, Ê Đê hay M’nông được quy hoạch bài bản với nhà cộng đồng ở giữa, những ngôi nhà người đồng bào quây quần xung quanh với tăm tắp lúa nước, sắn khoai và cây công nghiệp dài ngày. Những đêm tối đã bừng sáng ánh điện, nhà nhà có tivi, ê a tiếng lũ trẻ học bài. Đời sống người dân đã thực sự đổi thay đến bất ngờ.

Rộn ràng mùa xuân biên viễn Nhiều hỗ trợ sinh kế từ bộ đội biên phòng giúp người dân thoát nghèo

Không chỉ trên con đường thiên sơn vạn lý vắt ngang qua miền biên cương phía triền tây, mùa xuân cũng về trên những dòng sông, để những dòng Đăkrông, Sê San, Đăk Bla, Sêrêpôk… căng đầy sức sống giữa đại ngàn, hào phóng dâng phù sa cho những dải đất bazan màu mỡ. Dòng sông mang nước mát, tưới cho vạn vật sự sống. Mùa xuân, trong những làng buôn, đồng bào vui chơi, uống rượu, ca hát, thực hiện các nghi lễ cúng làng ở nhà rông vui rộn bản, hay lễ bỏ mả ở mảnh đất phía cuối làng chung chiêng âm thanh của núi rừng vang đến tận cùng. Đó là một không khí rộn ràng khăn áo mới và tưng bừng những lời nói chan hòa, những nụ cười rạng rỡ như hoa Pơlang.

Khi tạm biệt những buôn làng miền biên viễn, nhiều bà con trong làng ra tiễn chúng tôi, bịn rịn như tiễn người thân đi xa. Tôi vẫn nhớ rõ lời của một vị già làng thầm thì nhắn nhủ: “Không có gì khó, chỉ cần sự đoàn kết là sẽ làm được tất cả. Điều quan trọng là phải biết đoàn kết, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau biết chia sẻ khó khăn giúp nhau phát triển kinh tế giữa các dân tộc với nhau!”. Câu nói ấy như sự khẳng định chắc chắn về tương lai của những bản làng biên viễn này. Mùa xuân mới đang về trên khắp dải biên cương. Mong sẽ sớm thôi, từng buôn làng sẽ ngày càng sung túc đủ đầy hơn.

Mùa xuân, đồng bào vui chơi, uống rượu, ca hát, thực hiện các nghi lễ cúng làng ở nhà rông vui rộn bản, hay lễ bỏ mả ở mảnh đất phía cuối làng chung chiêng âm thanh của núi rừng vang đến tận cùng. Đó là một không khí rộn ràng khăn áo mới, những lời nói chan hòa, những nụ cười rạng rỡ như hoa Pơlang.


Nguồn bài viết:
https://petrotimes.vn/ron-rang-mua-xuan-bien-vien-706294.html