Gỡ quy hoạch “treo”

4

baokontum.com.vn

Tại Phiên thảo luận ngày 6/11 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về một số dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm đến vấn đề gỡ bỏ quy hoạch “treo”.

Cũng tại Phiên thảo luận này, trên cơ sở kết quả khảo sát và ý kiến kiến nghị của cử tri, ý kiến của các cơ quan nhà nước ở tỉnh Kon Tum, đồng chí Phạm Đình Thanh- Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum đóng góp ý kiến về việc  Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị chưa có quy định về hủy bỏ quy hoạch.

Trên thực tế có trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn, như vậy quy hoạch cần phải được hủy bỏ (theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị). Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ đối với quy hoạch nêu trên. Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ đối với quy hoạch xây dựng thuộc dự án đầu tư- đại biểu Phạm Đình Thanh kiến nghị.

“Quy hoạch treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch.

Có thể nói, quy hoạch “treo” khá phổ biến ở các địa phương, trở thành vấn đề bức xúc, bế tắc giải pháp tháo gỡ, gây ra nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế, xã hội và trong đời sống người dân.

160347a

Tình trạng quy hoạch ”treo” còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và phát triển kinh tế. Ảnh: TH

 

Cụ thể như gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, cơ sở vật chất, hạ tầng, làm thất thu ngân sách, khiến bộ mặt đô thị, nông thôn trở nên nhếch nhác. Người dân sống trong vùng quy hoạch không thể xây dựng, chuyển đổi, chuyển nhượng. Không ít nơi quy hoạch “treo” trở thành nguyên nhân dẫn tới bức xúc, khiếu kiện, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nhiều gia đình có con lớn muốn tách hộ, bố trí chỗ ở mới nhưng không thể thực hiện được những nội dung như thủ tục pháp lý để xây nhà, chia đất, chuyển nhượng, trao tặng, thừa kế.

Là một trong nhiều hộ dân đang chịu khổ vì quy hoạch treo, anh Nguyễn Hữu V. (thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) than “đang ở trong hoàn cảnh đi cũng dở, ở không xong”.

Theo lời kể, năm 2006, anh V. mua đất làm nhà ở đây thì chưa có quy hoạch, nhưng năm 2008, anh được thông báo về quy hoạch đường chạy qua, toàn bộ diện tích đất của gia đình anh nằm trong quy hoạch giao thông.

Nhưng mười mấy năm qua, quy hoạch treo đó, không thấy triển khai. Gia đình tôi, cũng như nhiều gia đình khác ở đây có đất vướng quy hoạch, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, muốn xây nhà, sửa nhà cũng không được, nếu bán thì giá rẻ, mà ở thì không yên tâm. Cứ kéo dài mãi như vậy thì khổ dân- anh V. phàn nàn.

Ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) hiện nay cũng có các quy hoạch bao trùm lên đất ở, đất nông nghiệp, nhưng chưa được triển khai, từ đó kìm hãm sự phát triển. Chính quyền muốn đầu tư hạ tầng như đường, điện, nước cũng chịu; người dân muốn xây nhà, sửa nhà càng không được.

Tất nhiên, việc lập các đồ án quy hoạch là rất cần thiết, làm định hướng đầu tư phát triển đô thị đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đầu tư theo quy hoạch chưa được đồng bộ và kéo dài, đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

160423Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20kh%E1%BB%95%20v%C3%AC%20quy%20ho%E1%BA%A1ch%20treo

Người dân khổ vì quy hoạch treo. Ảnh: T.H

 

Khoản 7 Điều 76 Luật Đất đai 2024 quy định, diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 2 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện phải xem xét, đánh giá điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố công khai việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất hoặc hủy bỏ việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định.

Luật đã quy định rõ ràng như vậy. Vấn đề là khâu thực hiện của chính quyền địa phương cần quyết liệt, theo nguyên tắc vì lợi ích chung và vì lợi ích của người dân.

Theo đó, trước mắt cần khẩn trương rà soát, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; khắc phục tình trạng quy hoạch theo kiểu phong trào, duy ý chí, tiêu cực, quy hoạch theo chỉ tiêu, thiếu các giải pháp, tạo động lực để hiện thực hóa quy hoạch. Công khai quy hoạch và xây dựng kế hoạch thực hiện cần gắn với giải pháp cụ thể.

Đặc biệt là cần xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài.

Trở lại chuyện của anh Nguyễn Hữu V. Khi được tin UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 8/2/2024 phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2040, anh V. đã rất kỳ vọng “nút thắt” quy hoạch “treo” sẽ được tháo gỡ.

Anh V. cho biết, khi tham gia đóng góp ý kiến về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Kon Tum, anh đã bày tỏ mong muốn, đối với những quy hoạch treo, ảnh hưởng đến người dân, chính quyền cần có rà soát, loại bỏ.

Về lâu dài, Nhà nước nên có văn bản quy định rõ hiệu lực quy hoạch và gỡ bỏ quy hoạch nếu kéo dài không thực hiện. Ít nhất là quy định nếu quy hoạch được lập, trong bao nhiêu năm không làm thì coi như quy hoạch đó hết hiệu lực- anh V. nói.

Thành Hưng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/go-quy-hoach-treo-44027.html