Đăk Hà: Cà phê bị ảnh hưởng tiêu cực do nắng hạn kéo dài

150

baokontum.com.vn

11/04/2024 10:52

Những ngày gần đây, hàng trăm héc ta cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà bị cháy lá, khô cành, héo quả non. Bên cạnh nỗi lo sụt giảm năng suất, sản lượng, người trồng cà phê Đăk Hà còn lo lắng vườn cây sẽ bị ảnh hưởng lâu dài do tác động của biến đổi khí hậu tiêu cực như hiện nay.

Liên tục nhiều ngày nay, công nhân, người lao động Công ty Cà phê Đăk Uy và người dân trồng cà phê tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn đứng ngồi không yên khi chứng kiến vườn cây đang xuống cấp một cách nhanh chóng do nguồn nước tưới không đảm bảo, hàng chục ha cà phê héo rũ, khô cành, cháy lá và quả non.

Ông Phạm Văn Tiệp – công nhân Công ty Cà phê Đăk Uy cho biết: Nhiều năm nay, bên cạnh nguồn nước được điều tiết từ hệ thống kênh cấp I của công trình Đập thủy lợi Đăk Uy, có trên 100ha cà phê của người dân trong vùng phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ đập thủy lợi C3 tại thôn Bình Minh. Tuy nhiên, gần tháng nay, mực nước trong hồ cạn kiệt, dẫn đến hàng chục hécta cà phê của người dân không đủ nguồn nước tưới.

Ông Phạm Văn Tiệp, thôn Bình Minh, xã Hà Mòn lo lắng về một mùa vụ cà phê thất thu. Ảnh: TN

 

Hàng chục hộ dân trông chờ vào đập nước này. Bây giờ thiếu nước, mà Công ty không có giải pháp đưa được nguồn nước tưới về đây thì công nhân chúng tôi chắc chắn sẽ chịu thiệt hại. Cứ tình trạng này thì vườn cà phê giảm khoảng 70% sản lượng – ông Tiệp lo lắng.

Ghi nhận tại công trình thủy lợi C3, có hàng chục máy bơm tưới của người dân túc trực bên lòng hồ đã cạn kiệt, trơ đáy. Chỉ cần có nước, các hộ lại luân phiên nhau chia ca theo tiếng để bơm về diện tích cà phê của gia đình. Tuy nhiên, việc bơm nước từ lòng hồ bị nhiễm bùn cũng trực tiếp ảnh hưởng đến cây cà phê.

Theo ông Đoàn Văn Chương – một hộ dân có kinh nghiệm trong sản xuất cà phê tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, việc tưới cà phê bằng nguồn nước nhiễm bùn, nhiễm phèn chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy cho cây cà phê.

Theo ông Trần Đức Trọng – Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, ngay từ đầu mùa khô, chính quyền đã xây dựng phương án, phối hợp với Trạm quản lý thủy nông và các đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, hồ đập chứa trên địa bàn. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến một số khu vực sản xuất của người dân nằm ở cuối nguồn bị thiếu nước cục bộ. Cùng với đó, nhiệt độ không khí tăng cao cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều vườn cà phê bị khô cành, cháy lá, gây thiệt hại về năng suất, sản lượng cũng như quá trình phát triển của vườn cây. 

“Trước mắt chúng tôi tiếp tục phối hợp với đơn vị cấp nước điều tiết một cách hợp lý nguồn nước về các vùng sản xuất tập trung; vận động người dân sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Về lâu dài, địa phương sẽ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, trồng xen các loại cây bóng mát trong vườn cà phê cũng như thực hiện hiệu quả các đề án tạo nền móng phát triển bền vững cây cà phê trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay” – ông Trọng cho biết.

Lòng hồ thủy lợi C3 tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn cạn trơ đáy. Ảnh: TN

 

Không chỉ xã Hà Mòn, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng gặp tình trạng khô cành, cháy lá. Những trái non vừa mới đậu vài tháng trước, cũng héo khô và không còn khả năng phát triển.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, cây cà phê Robusta thích hợp với nhiệt độ trung bình từ 15 – 30ºC. Tuy nhiên, thời gian gần đây, biên độ nhiệt tăng cao thất thường, có thời điểm lên gần 40ºC đã vượt quá khả năng chống chịu của cây cà phê.

Đến thời điểm hiện tại, người dân đang bước vào đợt tưới thứ 5, thứ 6. Đây là giai đoạn cây cà phê sinh trưởng phát triển mạnh, nhưng cũng dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu. Ước tính chi phí vật tư nông nghiệp cho mỗi hécta cà phê trên 20 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tiêu. Đánh giá về thiệt hại do tác động của nắng hạn kéo dài, nguy cơ sụt giảm năng suất tại các vườn cây trên 35% trong niên vụ tới. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ cây cà phê bị tổn thương bộ rễ, phát sinh tuyến trùng và các loại mầm bệnh khó phát hiện, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất trong suốt chu kỳ kinh doanh sau này.

Huyện Đăk Hà là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh với trên 15.000ha. Cà phê cũng được địa phương xác định là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân. Do vậy, để hình thành và phát triển một nền nông nghiệp thực sự bền vững, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần có những biện pháp tích cực và khả thi hơn thay vì những giải pháp mang tính tức thời, cấp bách như hiện nay.

Trọng Nghĩa


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dak-ha-ca-phe-bi-anh-huong-tieu-cuc-do-nang-han-keo-dai-40247.html