Giữ điệu then, đàn tính nơi miền biên

62

baokontum.com.vn

28/11/2022 13:05

Từ tỉnh Lạng Sơn vào lập nghiệp ở quê mới (thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai), ngoài ý chí, nghị lực vươn lên trong phát triển kinh tế, các hộ gia đình người dân tộc Tày còn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, duy trì điệu then, đàn tính nơi vùng biên.

Một đêm ở biên giới, sau bữa cơm tối ấm cúng tại một nhà dân ở thôn 3, tôi như thả hồn vào không gian tĩnh lặng của núi rừng. Chẳng mấy chốc, không gian ấy đã bị phá vỡ bởi âm thanh của tiếng đàn tính, hát then vang lên từ nhà anh Nông Văn Bàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal Nguyễn Thị Thuận tự hào nói: Đó là nhà đội trưởng đội văn nghệ dân tộc Tày thôn 3. Cứ mỗi khi xã có lễ hội hay ngày kỷ niệm lớn, đội lại tập trung ôn luyện để biểu diễn.

Tôi đắm mình theo tiếng đàn, say mê điệu hát của những “nghệ nhân” làng công nhân. Chủ nhà Nông Văn Bàn, người đề xuất thành lập đội văn nghệ và trực tiếp đứng ra vận động chị em tham gia kể: Tôi tha hương khắp nơi, từ Lạng Sơn đến Đăk Lăk rồi qua Kon Tum, nhưng đến đâu, chiếc đàn tính cũ kỹ cũng được gói trong hành lý. Nhưng trước đây, vì điều kiện không cho phép, nên chưa có cơ hội để thành lập đội văn nghệ.

155124Anh%20N%C3%B4ng%20V%C4%83n%20B%C3%A0n%20v%C3%A0%20ch%E1%BB%8B%20N%C3%B4ng%20Th%E1%BB%8B%20Duy%C3%AAn%20lu%C3%B4n%20t%E1%BA%ADn%20t%C3%ACnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20cho%20c%C3%A1c%20th%C3%A0nh%20vi%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%99i%20v%C4%83n%20ngh%E1%BB%87%20

Anh Nông Văn Bàn và chị Nông Thị Duyên trong một buổi tập. Ảnh: V.T

 

Cũng phải, vì ngày trước, khi còn ở Đăk Lăk cuộc sống thiếu thốn trăm bề, hầu hết thời gian anh Bàn đều tập trung cho công việc. Nhưng hễ có thời gian rảnh, anh Bàn lại vào trong góc phòng tối, lấy chiếc đàn tính cũ kỹ kia ngồi gảy, miệng hát những câu hát mà anh từng học được ngoài quê. “Khi đấy, tôi chỉ biết đàn hát mấy câu mà trước đây tôi tự nghe mọi người đàn hát rồi học theo” – anh Bàn tâm sự.

Năm 2012, gia đình anh Bàn cùng nhiều người khác tiếp tục đi kinh tế mới thêm lần nữa. Họ đặt niềm tin vào huyện vùng biên huyện Ia H’Drai (ngày đó là huyện Sa Thầy) với công việc là công nhân cao su. Chiếc đàn tính cũng được anh Bàn cẩn thận mang theo với hy vọng sẽ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày khi cuộc sống ổn định.

Những năm đầu đến với Ia H’Drai, cuộc sống không khá hơn ở Đăk Lăk là bao. Không điện, không đường, nhiều gia đình cùng sinh sống trong một dãy nhà tập thể. Những đêm sáng trăng, nỗi nhớ quê ùa về, anh Bàn lại mang chiếc đàn tính ra gảy và hát cho mọi người cùng nghe. Nhiều người nghe tiếng đàn của anh Bàn cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, rồi lâu dần họ gọi anh Bàn là “nghệ nhân” của làng.

155302%C4%90%E1%BB%99i%20v%C4%83n%20ngh%E1%BB%87%20h%C4%83ng%20say%20t%E1%BA%ADp%20luy%E1%BB%87n%20tr%C6%B0%E1%BB%9Bc%20khi%20%C4%91i%20bi%E1%BB%83u%20di%E1%BB%85n

Đội văn nghệ hăng say tập luyện trước khi đi biểu diễn. Ảnh: V.T

 

Đến năm 2019, khi cuộc sống đủ đầy, Đảng và Nhà nước đầu tư điện, đường, trường, trạm, internet phủ sóng đến làng; lúc này, “máu” nghệ sĩ của anh Bàn trỗi dậy, anh bắt đầu tìm trên mạng các câu hát, bài hát then của dân tộc Tày rồi tập gảy đàn tính sao cho đúng điệu, đúng nhịp hơn.

“Lúc bấy giờ, cuộc sống gia đình dần ổn định, tôi muốn đưa tiếng đàn tính, điệu then vào cuộc sống, để con cháu có cơ hội được học hỏi, giữ gìn văn hoá dân tộc” – anh Bàn thổ lộ.

Tiếng đàn của anh Bàn lan tỏa đến nhiều người dân, được cán bộ xã đến tận nhà ngồi nghe, thưởng thức. Hiểu được nỗi lòng, UBND xã Ia Đal đã phối hợp với anh Bàn vận động bà con trong thôn thành lập đội văn nghệ. Thoạt đầu, mọi người ngại tham gia vì chỉ biết đàn tính, hát then là bản sắc văn hóa dân tộc nhưng ít người đàn, biết hát. May mắn trong thôn có chị Nông Thị Duyên biết đàn và hát nên đã cùng anh Bàn chỉ dạy cho bà con. Và đội văn nghệ đã được hình thành từ đó với 10 thành viên (3 nam, 7 nữ).

Để tạo động lực cho đội văn nghệ hăng say tập luyện, huyện Ia H’Drai hỗ trợ 1 loa kéo di động công suất 450W, 2 micro không dây, 7 cây đàn tính, 4 chùm xóc nhạc, 10 bộ trang phục dân tộc truyền thống và kinh phí tập luyện 5 triệu đồng.

Anh Bàn cho biết: Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, tôi rất vui mừng. Mong muốn bảo tồn và phát huy điệu hát then, đàn tính của dân tộc Tày đã thực hiện được. Tôi sử dụng những dụng cụ do huyện hỗ trợ để chỉ dạy cho các thành viên trong đội.

Để có thêm kiến thức, nắm được các kỹ năng để truyền dạy cho các thành viên một cách dễ hiểu nhất, anh Bàn và chị Duyên đăng ký một khóa học đàn tính, hát then online trong 3 tháng. Sau khi học xong, những người “thầy, cô” đã tự tin hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học viên.

Các thành viên tham gia đội văn nghệ như “tờ giấy trắng”, nhưng may mắn họ đều mang trong mình tình yêu bản sắc văn hoá của dân tộc Tày, yêu điệu then, đàn tính nên việc chỉ dạy anh Bàn và chị Duyên cũng không mấy khó khăn.

Ban đầu, để các thành viên dễ dang tiếp thu, anh Bàn lựa chọn những bài hát đơn giản với nội dung dễ dàng đi vào lòng người như ca ngợi Đảng và Nhà nước, xây dựng quê hương.

Một tuần 3 lần, sau khi xong bữa cơm tối, các thành viên tập trung lại nhà anh Bàn và bắt đầu tập luyện. Mỗi người sẽ phát huy thế mạnh của bản thân, người có giọng tốt sẽ hát chủ đạo, người thì phụ trách xóc nhạc, người đánh đàn, tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, hài hòa để cho ra một tiết mục hay nhất.

155418M%E1%BB%99t%20bu%E1%BB%95i%20t%E1%BA%ADp%20luy%E1%BB%87n%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A1c%20th%C3%A0nh%20vi%C3%AAn.

Tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, hài hòa để tạo ra tiết mục hay nhất. Ảnh: VT

 

Chị La Thị Hanh (50 tuổi) – thành viên trong đội cho biết: Lúc mới tập, tôi cũng như các thành viên bỡ ngỡ. Nhưng được sự chỉ dạy tận tình của anh Bàn, chị Duyên, các thành viên nhanh chóng bắt nhịp, chỉ vài hôm tập là bắt đầu hát đúng nhịp đàn, dù không hay lắm nhưng được mọi người động viên nên ai cũng rất vui và cố gắng. Để hiểu sâu hơn về đàn tính, hát then đôi, tôi mua một quyển sách về tự tìm hiểu. Giờ đây, đội văn nghệ đã biểu diễn rất chuyên nghiệp.

Chị Hanh nhớ lại, lần đầu tiên cả đoàn được biểu diễn trên sân khấu lớn là tại cuộc thi do công ty tổ chức, nhiều đội trong trong công ty chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để so tài với nhau. Khi mới ra sân khấu, các thành viên có chút run, đôi lúc quên lời, nhưng sau đó đều nhanh chóng bắt nhịp, cả đoàn đã biểu diễn thành công tiết mục và được giám khảo chấm 8/10 điểm.

Sau buổi văn nghệ đấy, cả đoàn thêm tự tin, thêm kinh nghiệm, sẵn sàng biểu diễn tại các lễ hội, các ngày kỷ niệm do địa phương tổ chức. Giờ đây, khi nhắc đến phong trào văn nghệ tại xã Ia Đal, nhiều người dân trên địa bàn huyện Ia H’Drai đều biết đến đội văn nghệ dân tộc Tày thôn 3.

Chị Nguyễn Thị Thuận cho biết: Dù bận rộn công việc khai thác mủ cao su, nhưng hễ xã thông báo chuẩn bị biểu diễn văn nghệ, đội văn nghệ sẽ sắp xếp thời gian tập luyện. Các thành viên trong đội rất hăng hái, ai cũng quyết tâm để đạt được thành tích cao tại các cuộc thi văn nghệ, mong muốn mang đến cho khán giả màn biểu diễn tuyệt vời để mọi người hiểu hơn về đàn tính, hát then. Hiện tại, Đội văn nghệ đang chỉ dạy cho các cháu trong thôn về cách hát then, đàn tính, và đây cũng là mục tiêu của xã trong thời gian tới để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Tày nơi biên viễn.

VĂN TÙNG


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/giu-dieu-then-dan-tinh-noi-mien-bien-27260.html