tienphong.vn
TP – Tây Nguyên có diện tích rất rộng, thuận lợi để triển khai các dự án điện gió. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư dự án điện gió “cầm đèn chạy trước ô tô” để xảy ra sai phạm, cùng với đó là sự thiếu trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý. Đứng trước sai phạm đang trong giai đoạn xử lý, các công trình nghìn tỷ phơi nắng mưa, lãng phí.
Vướng quy hoạch
Ngày 7/11, ông Trần Đình Ninh – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đăk Nông cho biết, đến thời điểm này, vướng mắc tại các dự án điện gió trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Phía tỉnh rất muốn các dự án sớm đi vào vận hành, song vẫn phải chờ Trung ương.
Trước đó, UBND tỉnh Đăk Nông nhiều lần báo cáo Trung ương đề nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện gió. Theo tỉnh này, trên địa bàn đang triển khai 5 dự án điện gió, gồm: Dự án nhà máy điện gió (NMĐG) Nam Bình 1 đã hoàn thành đầu tư (tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.000 tỷ đồng); 3 dự án NMĐG Đăk N’Drung 1, 2, 3 đã đầu tư khoảng 5.800/10.525 tỷ đồng (đạt 55% tổng vốn đầu tư); dự án NMĐG Asia Đăk Song 1 chưa triển khai thi công (tổng vốn đầu tư khoảng 1.693 tỷ đồng).
Lý do khiến 5 dự án bị “mắc cạn” do vướng mắc quy hoạch thăm dò quặng bô xít, chưa thể hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng. Trước đó, vào năm 2023, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra loạt vi phạm liên quan đến 6 dự án điện gió ở Đăk Nông (bao gồm 5 dự án trên).
Một trụ điện gió ở Đăk Nông chưa đưa vào sử dụng
Theo đó, năm 2020, UBND tỉnh Đăk Nông ban hành các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án NMĐG gồm Nam Bình 1, Đăk Hòa, Asian Đăk Song 1, Đăk N’Drung 1,2,3. Vị trí các khu đất thực hiện dự án chưa được quy hoạch sử dụng vào mục đích xây dựng công trình năng lượng.
Đáng chú ý, 5/6 dự án NMĐG được UBND tỉnh Đăk Nông cho chủ đầu tư thuê đất với tổng diện tích gần 65ha nằm trong khu vực Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025, đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Tại Kon Tum, ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công Thương cho hay, trên địa bàn hiện tại có 2 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đến nay tất cả đều gặp khó khăn, vướng mắc nên chưa thể đi vào vận hành. Thời gian tới, sở tiếp tục rà soát, cập nhập 2 dự án điện gió để đảm bảo công suất được phân bổ trên địa bàn là 154MW.
Bên cạnh những vi phạm trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất thực hiện dự án, TTCP chỉ ra nhiều sai phạm trong việc khởi công, nghiệm thu và vận hành thương mại các dự án NMĐG trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Trong số này, NMĐG Nam Bình 1, Đăk Hòa, Đăk N’Drung 1,2,3 đã khởi công xây dựng khi đất xây dựng chưa được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê. Riêng dự án NMĐG Nam Bình 1 khởi công xây dựng khi chưa có thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.
TTCP đề nghị UBND tỉnh Đăk Nông, Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm; kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư 5 dự án điện gió chồng lấn trên đất quy hoạch bô xít.
Theo một lãnh đạo tỉnh Đăk Nông, sau khi có kết luận của TTCP, từ thời điểm triển khai các dự án điện gió cho đến nay đã tồn tại song song 2 quy hoạch chồng lấn nhau; vị trí thực hiện các dự án điện gió nằm trong vùng quy hoạch mỏ Đăk Song và mỏ Tuy Đức có diện tích 47.200ha (chưa được cấp phép khai thác); nhu cầu sử dụng đất của các dự án điện gió chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 0,17% trên tổng diện tích.
Diện tích cho các hạng mục trạm biến áp, đường dây, vị trí các trụ phân tán cũng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến trữ lượng quặng bô xít. Quá trình thi công các công trình điện gió không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. Không có việc khai thác, vận chuyển kinh doanh trái phép quặng bô xít.
Theo lãnh đạo tỉnh Đăk Nông, dự kiến 5 dự án đầu tư hoàn thành sẽ đóng góp cho lưới điện Quốc gia khoảng 380MW, đồng thời nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng/năm (từ thuế giá trị gia tăng).
Trong điều kiện Đăk Nông là tỉnh nghèo, khó khăn về kinh tế, việc sớm hoàn thành các dự án điện gió có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của địa phương. Phía tỉnh đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét xử lý khó khăn, vướng mắc, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Không đảm bảo năng lực
Tại Gia Lai, vừa qua TTCP ban hành kết luận số 263 về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai (từ năm 2016-2020).
Theo đó, TTCP chỉ rõ những sai phạm tại 5 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đơn cử như dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai do Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai (Cty Hưng Hải Gia Lai) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 8/9/2020 tại 3 xã thuộc huyện Kông Chro.
Dự án có công suất 100MW trên diện tích 47ha, nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng, hoàn thành tháng 5/2022. Qua thanh tra phát hiện, Sở KH&ĐT không tổ chức thẩm định năng lực tài chính của Cty Hưng Hải Gia Lai, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 464 cấp chủ trương đầu tư trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính (không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu tương đương 20% tổng mức đầu tư của dự án) là vi phạm quy định của pháp luật.
Đặc biệt, dự án không nằm trên địa bàn các xã theo văn bản của Thủ tướng phê duyệt, tuy nhiên, các sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh vẫn chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung phần diện tích 3 xã mà không xin ý kiến của Thủ tướng.
H.Thuỷ-L.Tiền-N.Lê
Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/hang-loat-du-an-dien-gio-o-tay-nguyen-bat-dong-post1689867.tpo