Khi bộ đội Biên phòng “về làng”

7

baokontum.com.vn

Hơn 10 năm nay, những cuộc họp chi bộ của 6 thôn thuộc xã biên giới Rờ Kơi, huyện Sa Thầy đều có sự tham gia của đảng viên Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Rờ Kơi; 4 hộ gia đình khó khăn đã được bộ đội kết nghĩa. Bộ đội “về làng” đã giúp bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tình cảm quân – dân thêm gắn bó, đời sống bà con được nâng lên.

Đúng lịch sinh hoạt định kỳ Chi bộ thôn Rờ Kơi, Đại úy A Hùng (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rờ Kơi) lại sắp xếp công việc để tham gia sinh hoạt cùng 25 đảng viên trong Chi bộ.

Đại úy A Hùng nhớ lại: Khó khăn đầu tiên khi về sinh hoạt tại thôn là vấn đề ngôn ngữ. Bà con ở đây chủ yếu là người Hà Lăng, tôi là người K’Dong nên để giao tiếp được với bà con, điều đầu tiên là cùng ăn, cùng ở để học rồi cùng nói tiếng của bà con. Từ đó, được bà con quý mến, coi như người thân trong gia đình nên công tác tuyên truyền, vận động thuận lợi, dễ dàng hơn. 

“Nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế; còn tồn tại một số hủ tục. Chúng tôi đã cùng cán bộ địa phương tập trung làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Kiên trì bám địa bàn, tới từng hộ gia đình vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Ví dụ, ngày trước đám ma phải diễn ra 5 ngày, mổ heo, mổ bò rất tốn kém, nhiều nhà đi vay, đi mượn về làm lễ, nay chỉ còn 1-2 ngày; hay ốm đau thì cúng trâu bò, nay bộ đội vận động bà con đi trạm y tế, bệnh viện chữa bệnh. Đến nay các hủ tục này đã được xóa bỏ” – Đại úy A Hùng tâm sự.

1613172.%C4%90%E1%BA%A1i%20%C3%BAy%20A%20H%C3%B9ng%20th%C4%83m%20h%E1%BB%99%20k%E1%BA%BFt%20ngh%C4%A9a%20A%20Tri%E1%BB%83u%20v%C3%A0%20gi%C3%BAp%20v%E1%BB%A3%20ch%E1%BB%93ng%20ch%C4%83m%20s%C3%B3c%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20rau.

Đại úy A Hùng giúp vợ chồng A Triểu chăm sóc vườn rau. Ảnh: D.N

 

Sau cuộc họp chi bộ, Đại úy A Hùng tranh thủ ghé thăm gia đình nhà A Triểu và Y Ngan. Đây là hộ gia đình Đồn Biên phòng Rờ Kơi phân công anh kết nghĩa.

Hai vợ chồng A Triểu đón tiếp Đại úy A Hùng như người thân. A Triểu khoe: Anh A Hùng như người anh trong nhà, việc gì không hiểu là gọi hỏi anh ấy; từ việc mua cây giống cà phê về trồng đến mua phân bón rồi cải tạo vườn tạp.

Vừa chăm sóc mảnh vườn bên cạnh nhà, Y Ngan hồ hởi: Trước đây chỗ này em trồng mấy cây ăn trái giống cũ như ổi và vú sữa. Anh Hùng bảo, dọn sạch sẽ trồng rau và trồng sầu riêng và mấy cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao. Vợ chồng em đã cải tạo để trồng rau xanh, đủ ăn trong gia đình, 1 ngày cũng tiết kiệm được ít nhất 10 ngàn tiền rau lại được ăn rau sạch. Có đợt trồng được nhiều còn dư bán. Gia đình em cũng mới trồng được 4 cây sầu riêng, mấy cây mận.

Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ, động viên và hỗ trợ của Đại úy A Hùng nói riêng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi nói chung, gia đình A Triều và Y Ngan đã biết trồng cà phê, đến nay cũng đã chuyển đổi từ đất trồng mì sang trồng 500 cây cà phê. 

Gần hai năm trôi qua kể từ vợ mất vì bạo bệnh, A Thun (thôn Gia Xiêng, xã Rờ Kơi) vẫn rưng rưng khi kể về tháng ngày khó khăn.

“Một mình nuôi con vất vả trăm bề, em đã từng nghĩ đến việc cho bé lớn nghỉ học. Nhờ có bộ đội Biên phòng, nhất là Thiếu tá Bloong Buông (Đồn Biên phòng Rờ Kơi) động viên, giúp đỡ mà con cái tiếp tục được học hành, không bị bỏ học giữa chừng. Giờ bé lớn đang học lớp 12 tại Trường PTDTNT huyện Sa Thầy được bộ đội Biên phòng hỗ trợ hàng tháng theo chương trình “Nâng bước em đến trường”; con trai nhỏ học lớp 6 tại xã.

An tâm chuyện học hành của con, A Thun tập trung vào làm kinh tế để lo cho các con có cuộc sống tốt hơn. Với sự đồng hành, giúp đỡ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi, A Thun trồng được 400 cây cà phê, hơn 1ha cao su đã vươn tán cùng 1 sào lúa nước và 1,5ha mì.

Rờ Kơi là một xã biên giới có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn với trên 90% dân cư là đồng bào dân tộc Xơ Đăng – nhánh Hà Lăng. Qua 49 năm gắn bó với mảnh đất “phên dậu” nhiều gian khó này, Đồn Biên phòng Rờ Kơi thực hiện song hành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới và làm tốt công tác “dân vận khéo”, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo.

Năm 2011, mô hình “Đảng viên đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn làng và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo” được Đồn Biên phòng Rờ Kơi triển khai. Trong đó, đơn vị phân công 6 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt tại 6 chi bộ thôn (Khơk Klong, Gia Xiêng, Kram, Rờ Kơi, Đăk Đe và Đăk Tang) và kết nghĩa với 4 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

1615023.%20Thi%E1%BA%BFu%20t%C3%A1%20Bloong%20Bu%C3%B4ng%20th%C4%83m,%20%C4%91%E1%BB%99ng%20vi%C3%AAn%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20A%20Thun.

Thiếu tá Bloong Buông thăm, động viên gia đình A Thun. Ảnh: DN

 

Thiếu tá Bloong Buông – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Rờ Kơi cho biết, việc cử cán bộ đảng viên tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn làng góp phần xây dựng hệ thống chính trị, đoàn kết quân – dân. Ngoài ra, còn giúp đỡ các hộ gia đình phát triển kinh tế, xây dựng an ninh chính trị trên địa bàn; vận động nhân dân cùng với đội địa bàn, chính quyền địa phương bảo vệ vững chắc biên giới.

Ông A Trường – Phó Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi khẳng định, việc Đồn Biên phòng Rờ Kơi đưa đảng viên đội công tác địa bàn về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn là việc làm rất cần thiết bởi nơi đây khá phức tạp về tình hình an ninh trật tự, đời sống còn nhiều khó khăn.

“Bộ đội đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đảm bảo về an ninh trật tự; giúp các hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Toàn xã có 1.614 hộ, trong đó 1.451 hộ đồng bào DTTS. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là bộ đội Biên phòng, đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, xã đã trồng gần 300ha cây ăn trái theo Đề án cải tạo vườn tạp” – ông A Trường chia sẻ.   

Dương Nương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/khi-bo-doi-bien-phong-ve-lang-43879.html