Đưa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả

3

baokontum.com.vn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Xác định rõ tầm quan trọng đó, các cấp, ngành của tỉnh luôn tích cực triển khai tổ chức đào tạo nghề, tạo điều kiện, khuyến khích lao động nông thôn học nghề để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Việt – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nổi bật như Kế hoạch 166 – KH/TU (ngày 10/7/2024) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về  thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1637/KH-UBND (ngày 14/5/2024) về đào tạo nghề cho lao động giai đoạn 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh; các quy định về mức hỗ trợ đào tạo nghề.

Hằng năm, trên cơ sở nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước bố trí cho các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế tại địa phương mình.

Hằng năm có nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề. Ảnh: T.H

 

Trường Cao đẳng Kon Tum và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) các huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, xác định các nghề đạo tạo, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, liên kết với các cơ sở giáo dục khác mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu, khả năng của người học.

Hình thức đào tạo nghề được triển khai đa dạng, địa điểm được bố trí linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế ở từng nơi, tạo điều kiện thuận lợi để người học tham gia như đào tạo tập trung tại Trường Cao đẳng Kon Tum, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện và đào tạo lưu động tại các thôn, làng. Người lao động khi tham gia học nghề được nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo và tiền ăn 30.000 đồng/ngày thực học cùng với tiền đi lại.

Nhờ đó, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh  đã đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn, năm 2023, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề được cho 3.344 lao động nông thôn, đạt 101,3% so với kế hoạch đề ra. 10 tháng của năm 2024, các ngành, địa phương đã thực hiện đào tạo nghề cho 3.294 lao động nông thôn, đạt 75,71%; trong đó, có 2.655 lao động học nghề nông và 639 lao động học các nghề phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc. Đó là, số lượng người lao động được đào tạo nghề cao, nhưng số người được các doanh nghiệp tuyển dụng không nhiều, chủ yếu là tự tạo việc làm; ở một số nơi, hoạt động đào tạo nghề chưa thu hút được nhiều người tham gia.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ: Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta chưa phát triển mạnh, số lượng doanh nghiệp không nhiều, quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động thấp nên người lao động sau khi học nghề rất khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Hiệu quả kết nối giữa người sử dụng lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện với người lao động sau học nghề chưa cao. Phần lớn người lao động sau khi học nghề tự tạo việc làm hoặc áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình là chính. Công tác tuyên truyền về chủ trương, lợi ích của hoạt động đào tạo nghề ở một số địa phương chưa được quan tâm đẩy mạnh dẫn đến việc người dân chưa nắm bắt được các chính sách, từ đó, chủ động đăng ký tham gia, quyết tâm theo học.

Đào tạo nghề góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng để người lao động áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: TH

 

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố khiến người dân chưa mặn mà với việc tham gia đào tạo nghề là, đa số Trung tâm GDNN-GDTX các huyện chưa tổ chức tốt việc chuyển đổi ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động, các mô hình ứng dụng hiệu quả trong đào tạo nghề chưa đa dạng.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, thu hút đông đảo người dân tham gia, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ này trong việc góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS tham gia học nghề gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên cập nhật nghề, chuẩn hoá nội dung đào tạo gắn đào tạo lý thuyết với thực hành.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, thời gian tới, ngành Lao động cũng sẽ triển khai xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng tư vấn nghề. Đồng thời, tăng cường thực hiện xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là những ngành, nghề trọng điểm và những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.   

Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/dua-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-di-vao-chieu-sau-hieu-qua-43881.html