thanhnien.vn
Luật Công chứng năm 2014 quy định văn phòng công chứng (VPCC) phải có từ 2 công chứng viên (CCV) hợp danh trở lên, đồng thời không có thành viên góp vốn. Hiện nay, dự án luật Công chứng sửa đổi đang được xây dựng, tiếp tục kế thừa quy định trên, và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trả tiền thuê nhà đã “gần hết” doanh thu
Ông Đào Duy An, Tổng thư ký Hiệp hội Công chứng Việt Nam, cho rằng mô hình VPCC hợp danh đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế – xã hội còn hạn chế. Việc yêu cầu phải có ít nhất 2 CCV hợp danh khiến nhiều VPCC rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Nhiều ý kiến cho rằng nên cho phép thành lập VPCC tư nhân có một công chứng viên
Lấy ví dụ ở một số địa phương, doanh thu của nhiều VPCC chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng mỗi tháng. Mức doanh thu như vậy trả tiền thuê nhà và nhân viên đã “gần hết”, nếu duy trì 2 CCV hợp danh thì “không đủ trả lương”.
Thực tế trên dẫn đến mặt trái, đó là những VPCC không đảm bảo doanh thu sẽ phải “lách” bằng việc thuê 1 CCV đứng tên cho đủ số lượng theo quy định. “Chúng ta khuyến khích hoạt động công chứng phủ địa bàn, nhất là địa bàn kinh tế khó khăn, nhưng đưa ra tiêu chuẩn cao như vậy thì rất khó đáp ứng”, ông An nói.
Thảo luận tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu (ĐB) cũng đề cập tình trạng VPCC thành lập dưới mô hình hợp danh nhưng chỉ là hợp danh hình thức. Về danh nghĩa, các VPCC này đều có ít nhất 2 CCV hợp danh, nhằm “đối phó” với quy định pháp luật, còn thực tế chỉ 1 CCV hoạt động thường xuyên.
Theo ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), việc cho phép duy nhất mô hình VPCC hợp danh không phù hợp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công, hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức cung cấp dịch vụ của VPCC. Quy định này cũng chưa tạo thuận lợi trong việc đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, những nơi có rất ít VPCC. Cạnh đó, mô hình hợp danh cũng chưa phải là tối ưu đối với hoạt động của VPCC, bởi yếu tố hợp danh vẫn có thể bị phá vỡ khi có CCV hợp danh qua đời, bị bãi miễn hay bị miễn nhiệm.
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nhận định mô hình công ty hợp danh không thành viên góp vốn thuộc diện “kém bền vững nhất” trong tổ chức hoạt động của doanh nghiệp (DN). Thực tế cho thấy, rất ít VPCC có thể tồn tại khoảng 10 năm, phần lớn khi VPCC có một CCV hợp danh bị miễn nhiệm hoặc qua đời thì sẽ dừng hoạt động, “không có câu chuyện nhận lại và phải chịu trách nhiệm vô thời hạn về các hoạt động của CCV trước đó”.
Với luật Công chứng năm 2006, chúng ta mở ra 2 mô hình, sau một thời gian tổng kết thì thấy không ổn. VPCC tư nhân chỉ có một người thì tính ổn định, tính lường trước hệ quả và tính nhất quán, chịu trách nhiệm đến cùng trong các hoạt động giao dịch là không đáp ứng được. Đến luật Công chứng năm 2014, Chính phủ cũng trình 2 phương án là 2 mô hình VPCC, Quốc hội xem xét và quyết định chỉ có một là hợp danh.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
VPCC tư nhân sẽ “dễ sống” hơn ?
Việt Nam hiện có khoảng 3.300 CCV với khoảng 1.300 tổ chức hành nghề công chứng, mỗi năm chứng nhận khoảng 7 triệu việc. Nếu chia cơ học, mỗi tổ chức hành nghề công chứng có 2,5 CCV, mỗi CCV chứng nhận khoảng hơn 2.000 việc mỗi năm, nhìn qua thì “vừa phải”. Nhưng theo Tổng thư ký Hiệp hội Công chứng Việt Nam Đào Duy An, vấn đề nằm ở chỗ các VPCC và CCV phân bổ không đồng đều, nơi tập trung quá đông với số lượng việc quá nhiều, nơi lại rất thiếu.
Ông An kiến nghị cho phép thành lập VPCC hoạt động theo mô hình DN tư nhân, với chỉ 1 CCV, thay vì bắt buộc phải có từ 2 CCV hợp danh trở lên như hiện nay. Việc giảm điều kiện trong thành lập VPCC sẽ góp phần phân bổ lại nguồn lực giữa các địa phương. Với việc chỉ cần 1 CCV, các VPCC sẽ “dễ sống” hơn, và chỉ như vậy mới có thể khuyến khích CCV tham gia cung cấp dịch vụ tại những nơi có điều kiện KT-XH còn hạn chế. Đặc biệt, mô hình này sẽ chấm dứt tình trạng CCV cho thuê thẻ, vì “không còn ai có nhu cầu thuê nữa”. Khi không thể cho thuê thẻ, CCV bắt buộc phải trực tiếp hành nghề, hoạt động công chứng sẽ thực chất và hiệu quả hơn.
Nhiều ĐB cũng đề nghị bên cạnh mô hình VPCC hợp danh như hiện hành cần quy định thêm mô hình VPCC với 1 CCV, để cả hai hoạt động song song. ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo – nơi có mật độ giao dịch dân sự và kinh tế thấp, quy định mô hình VPCC với ít nhất 2 CCV hợp danh là không cần thiết, vừa có thể lãng phí nguồn lực vừa gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu và duy trì hoạt động của VPCC. Thay vào đó, mô hình VPCC tư nhân 1 CCV là rất phù hợp.
Như kỳ vọng của ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang), mô hình VPCC tư nhân 1 CCV sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, giúp người dân không phải đi xa hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số mới có thể tiếp cận dịch vụ công chứng. Nếu triển khai, đây còn là chính sách tạo điều kiện cho lực lượng CCV mạnh dạn đầu tư, thành lập VPCC ở những địa bàn khó khăn.
Phải ưu tiên tính liên tục, bền vững
Ở chiều ngược lại, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng chỉ nên duy trì mô hình VPCC hợp danh. Với mô hình VPCC tư nhân 1 CCV, không ai ngoài CCV là trưởng VPCC có thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động của VPCC. Trường hợp trưởng VPCC bị tạm đình chỉ hành nghề, bị khởi tố hình sự hoặc qua đời, rất nhiều bất cập sẽ phát sinh.
Bà Hạnh dẫn chứng ngay tại TP.HCM từng có VPCC tư nhân được thành lập ở một huyện ngoại thành, nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng đóng cửa vì lý do cá nhân. Việc này gây ách tắc trong công chứng hợp đồng và giao dịch của người dân, bị người dân phản ánh rất nhiều. “Tổ chức hành nghề công chứng là một tổ chức cung cấp dịch vụ công, không giống như DN, cửa hàng thông thường là có thể nhờ người khác trực thay hoặc ký thay”, bà Hạnh phân tích.
Ý kiến của bà Hạnh tương đồng với quan điểm của Bộ Tư pháp – cơ quan soạn thảo dự án luật Công chứng sửa đổi. Theo đó, luật Công chứng năm 2006 từng cho phép duy trì cả hai mô hình VPCC, nhưng thực tiễn đã cho thấy VPCC tư nhân 1 CCV không thể bảo đảm tính liên tục, ổn định và bền vững.
Trường hợp CCV ốm đau hoặc nghỉ việc riêng, VPCC sẽ không có người thay thế để tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu công chứng. Nếu CCV c h ế t hoặc bị miễn nhiệm, VPCC phải chấm dứt hoạt động, dẫn đến hàng loạt hệ lụy về việc tiếp nhận hồ sơ công chứng, người yêu cầu công chứng gặp khó khăn khi tìm lại VPCC đã thực hiện công chứng trước đây để thực hiện tiếp các việc sửa đổi, bổ sung, cấp bản sao…
Vì những hạn chế đã nêu, luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định duy nhất loại hình VPCC hợp danh. Nếu cho phép thành lập VPCC tư nhân 1 CCV, Bộ Tư pháp lo ngại “chuyện cũ lặp lại”, hàng loạt VPCC hiện có sẽ chuyển đổi sang loại hình DN tư nhân, dẫn đến số lượng VPCC có thể tăng lên gấp đôi.
Số lượng VPCC quá lớn đi kèm nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Chưa kể, việc chuyển giao hồ sơ công chứng đang được lưu trữ, rồi phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ của các VPCC hiện có với VPCC sau khi tách ra… cũng là những vấn đề vô cùng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, bất ổn.
Cơ quan soạn thảo khẳng định việc duy trì mô hình VPCC hợp danh là phù hợp, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đối với các ý kiến đề nghị cho phép thành lập VPCC tư nhân 1 CCV ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Chúng ta không nên loại bỏ mô hình VPCC tư nhân chỉ vì những bất cập có thể xảy ra, ví dụ như CCV duy nhất c h ế t hoặc vì lý do khác không thể hành nghề dẫn tới không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định. Chúng ta nên nhìn nhận đây là vấn đề về quản lý và tổ chức thực hiện, cần được giải quyết, khắc phục thông qua việc sửa đổi luật lần này.
ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/co-nen-cho-phep-thanh-lap-van-phong-cong-chung-mot-cong-chung-vien-18524070721572803.htm