Ngày 25-7, lễ truy điệu 34 liệt sỹ tại Đài tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội tại xã Ya Xiar, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã diễn ra trong không khí xúc động. Các cựu chiến binh Trung đoàn 209 (Trung đoàn mũ sắt), Sư đoàn 312 ôm đồng đội trên tay, rưng rưng nước mắt.
Sáng 25-7, trời Tây Nguyên mưa rả rích hòa cùng nước mắt của những người đồng đội đón nhau về. Thân nhân liệt sỹ nghẹn ngào ôm người lính già như chính người thân của mình đã ra đi năm nào. 34 hài cốt liệt sỹ Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) nằm lại mảnh đất Tây Nguyên tháng 3-1968 được các cựu chiến binh và cán bộ chiến sỹ Huyện đội Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đưa về đặt dưới đài tưởng niệm.
Họ là những chàng trai Hà Nội nhập ngũ năm 1967 khi chưa tròn đôi mươi. Trong cuộc tấn công Căn cứ hỏa lực FSB14 của quân đội Mỹ tại núi Chư Tan Kra đêm 25, rạng sáng 26-3-1968, hơn 200 người lính của Trung đoàn 209 đã hy sinh.
Những trận đánh sau đó suốt từ tháng 3 đến hết tháng 5-1968 tiếp tục có nhiều chàng trai Hà Nội ngã xuống cao điểm này. Đồng đội xuống núi mà không thể đưa người hy sinh về phía sau. Các chiến sỹ đã hy sinh sau đó được lính Mỹ đưa vào các hố chôn tập thể ngay tại chiến trường.
Nhiều năm sau, các cựu chiến binh trở lại chiến trường, mang theo nỗi day dứt khi đồng đội còn nằm lại đâu đó trên dãy núi bên rừng già Chư Mom Ray. Họ cất công lội suối, trèo đèo, đi sâu vào rừng tìm đưa đồng đội.
Từ năm 2009 đến nay, nhiều hài cốt liệt sỹ đã được tìm thấy, trong đó nhiều liệt sỹ nằm trong những ngôi mộ tập thể. Nhiều di vật của những người lính năm xưa mang theo vẫn còn nguyên vẹn. Trong các liệt sỹ tìm thấy, chỉ có số ít hài cốt được xác định tên.
112 hài cốt liệt sỹ đã được đưa về nghĩa trang huyện Sa Thầy, trong đó có một ngôi mộ tập thể 77 liệt sỹ. Năm 2017, các cựu chiến binh Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, Ban chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy tiếp tục tìm thấy 15 hài cốt liệt sỹ và đưa về an táng dưới đài tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội được thành phố Hà Nội xây dựng tại xã Yaxiar, huyện Sa Thầy.
Và, sau những nỗ lực vượt suối băng rừng cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của Huyện đội Sa Thầy, các cựu chiến binh tiếp tục đưa được 34 liệt sỹ từ trên núi trở về quy tập dưới chân đài tưởng niệm.
Sau 50 năm dãi dầu mưa nắng trên đỉnh núi, ngày hôm nay họ được trở về trong vòng tay đồng đội, dẫu chưa xác định được tên. Ngày vượt suối, leo rừng đón các anh, mưa lũ đổ xuống, anh chính trị viên Huyện đội đi cùng cứ lo lắng, sợ những người lính già không thể vượt qua. Nhưng chẳng khó khăn nào ngăn được tinh thần của người lính. “Xuống núi với ba lô trĩu nặng các anh, nhìn theo chỉ muốn khóc” – cựu chiến binh Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 rưng rưng.
Những cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209, nhiều năm qua họ đã mãi miết đi tìm, mải miết chạy đua với thời gian, sức lực để tìm đồng đội dù chỉ còn là nắm đất. Mang theo trách nhiệm tự trong tâm, những người lính già đã làm vơi bớt nỗi đau, sự mất mát cho thân nhân liệt sỹ. Và chắc chắn, họ sẽ vẫn đi tìm đồng đội nếu như vẫn còn sức lực.
Giờ đây, ở tuổi trên dưới 70, những người lính già còn một tâm nguyện là đưa đồng đội đã hy sinh về sum họp một nhà như thuở còn chiến đấu. 112 liệt sỹ (trong đó có 77 liệt sỹ trong mộ tập thể) cùng Trung đoàn nằm ở nghĩa trang huyện Sa Thầy có lẽ cũng đang hướng về Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội dưới chân núi mà họ đã ngã xuống năm nào.
Ở đó đã có những đồng đội đang đón chờ. Ngày cuối tháng 7, tháng của sự tri ân với các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, xin thắp nén tâm nhang trước linh hồn các liệt sỹ, xin tri ân nghĩa cử cao đẹp của các đồng đội liệt sỹ – những cựu chiến binh nghĩa tình.