Tu Mơ Rông: Đồng bào Xơ Đăng tích cực trồng rừng

5

baokontum.com.vn

Những năm gần đây, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đã tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Bởi họ hiểu rằng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ cho rừng mãi xanh sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng,thôn, làng.

Huyện Tu Mơ Rông có tổng diện tích đất có rừng trên 58.076ha, độ che phủ rừng đạt 67,73%; trong đó, rừng phòng hộ có trên 23.622ha, rừng sản xuất trên 34.454ha, rừng tự nhiên trên 53.764ha, rừng trồng trên 4.311ha. Toàn bộ diện tích rừng phân bố trên địa bàn 11 xã, gắn với cuộc sống của đại đa số đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn huyện.

Khoảng 15 năm về trước, do chưa hiểu và nhận thức được tác dụng của rừng đối với đời sống cũng như sự phát triển sau này nên những cánh rừng vẫn bị người dân chặt phá, phát đốt để mở rộng diện tích rẫy sản xuất. Do đó, những cánh rừng cứ ngày càng mất đi trở thành những đồi trọc, ảnh hưởng đến môi trường, làm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã hiểu và nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, đặc biệt là đối với việc phát triển sâm Ngọc Linh- một loại dược liệu đặc hữu, là “Quốc bảo” được thiên nhiên ban tặng cho vùng núi Ngọc Linh nên người dân không chỉ không phá rừng mà còn tích cực tham gia trồng và nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài ra, việc được hỗ trợ trồng rừng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021-2025 trên địa bàn đã và đang tiếp thêm động lực để đồng bào Xơ Đăng tích cực hơn nữa trong việc trồng rừng, gìn giữ màu xanh cho rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng.

181323ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20%C4%91ak%20h%C3%A0%20tr%E1%BB%93ng%20r%E1%BB%ABng%20(1)

 

181339ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20%C4%91ak%20h%C3%A0%20tr%E1%BB%93ng%20r%E1%BB%ABng%20(2)

Người dân xã Đăk Hà trồng rừng. Ảnh: H.N

 

Từ năm 2021 đến nay, người dân huyện Tu Mơ Rông đã trồng được hơn 2.000ha rừng tập trung và hơn 1,2 triệu cây phân tán. Riêng triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 “về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng”, thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã hỗ trợ cho 632 hộ, 12 cộng đồng, 7 nhóm hộ ở 11 xã tham gia trồng mới hơn 827ha rừng sản xuất. Các loại cây rừng chủ yếu là các loại cây như thông, keo, bạch đàn, sơn tra, mắc ca. Bên cạnh đó, hiện, các chủ rừng là tổ chức trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã giao khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng quản lý, bảo vệ trên 16.050ha.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, hiện nay, việc trồng rừng đã trở thành phong trào và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Xơ Đăng trong huyện. Bởi trải qua bao biến cố do bão lũ, người Xơ Đăng đã nhận thấy được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của chính họ.

Việc trồng rừng mang lại những lợi ích rất lớn đối với cộng đồng và chính những người trồng rừng. Vì khi cây đủ tiêu chuẩn khép tán và cho sản phẩm, người dân vừa có thể hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng vừa có thu nhập bán sản phẩm thu được từ cây trồng- ông Vương Văn Mười cho hay.

Tại xã Đăk Hà, phong trào trồng và phát triển rừng đã và đang được người dân chú trọng. Có được kết quả đó là sự hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động.

Theo ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, khi các hộ dân đăng ký trồng rừng thì xã cũng cử cán bộ xuống kiểm tra diện tích đất của người dân xem có đủ điều kiện để trồng rừng hay không và hướng dẫn người dân cách trồng. Qua đó, người dân hưởng ứng nhiệt tình và rất nhiều hộ đăng ký mở rộng diện tích rừng. Điều đáng mừng là qua tuyên truyền, vận động người dân không chỉ tích cực bảo vệ diện tích rừng hiện có mà còn trồng thêm rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Ông A Vông (làng Ty Tu, xã Đăk Hà) chia sẻ: Năm vừa rồi xã hỗ trợ hơn 1.000 cây thông giống và tôi mua thêm 500 cây về trồng. Tôi cũng muốn phủ xanh lại diện tích đất trống bỏ hoang từ lâu, sau khi cây thông lớn thì có thu hoạch nhựa thông để bán và còn được hưởng thêm tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, để có thu nhập, trong thời gian trồng rừng thì tôi tận dụng trồng thêm sâm dây.

Tương tự, tại xã Đăk Na, đồng bào Xơ Đăng nơi đây cũng đang tích cực tham gia phát triển tăng diện tích rừng, từ đó giúp người dân có thể phát triển các loại cây trồng dưới tán rừng. Trong 4 năm (từ 2021-2024), người dân xã Đăk Na đã trồng mới được gần 100 ha rừng.

Ông A Phan (làng Mô Bành 2, xã Đăk Na) cho biết: Năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ trồng hơn 1ha rừng bạch đàn. Sau thời gian trồng tỷ lệ sống hơn 80%, cây đang phát triển rất tốt. Tôi thường xuyên kiểm tra, phát dọn thực bì, tỉa cành để cây phát triển tốt. Tôi sẽ tích cực chăm sóc, bảo vệ để cây phát triển, trở thành những cánh rừng xanh mát.

Để người dân có nguồn thu nhập trong thời gian trồng rừng, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục chỉ đạo các xã triển khai hỗ trợ cho người dân trồng thêm cây dứa, sâm dây, các loại dược liệu để trồng xen, đảm bảo trong thời gian chưa hưởng lợi từ rừng vẫn có thêm nguồn thu nhập.

Hà Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tu-mo-rong-dong-bao-xo-dang-tich-cuc-trong-rung-43793.html