baokontum.com.vn
01/03/2024 13:03
Rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống. Rừng càng đặc biệt hơn với mảnh đất Tu Mơ Rông, bởi dưới tán rừng có loài dược liệu quý – Quốc bảo – sâm Ngọc Linh đã được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Vì thế, những năm qua, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn nêu cao ý thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ “lá phổi xanh”.
Khoảng hơn 15 năm trở về trước, vì chưa hiểu rõ được giá trị của rừng nên thỉnh thoảng trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng bà con đồng bào dân tộc phá rừng làm rẫy. Tuy nhiên, câu chuyện đó giờ đã trở thành “dĩ vãng”. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý được thiên nhiên ban tặng cho vùng núi Ngọc Linh chỉ sống được dưới những khu rừng già có độ cao từ 1.500m trở lên nên việc bảo vệ “Lá phổi xanh” lại càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc gìn giữ và phát triển loài dược liệu quý này. Do đó, những năm qua, nhờ được làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên đồng bào dân tộc Xơ Đăng đã hiểu và nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng. Giờ đây, họ không những không phá rừng mà còn cùng nhau chung tay cộng đồng trách nhiệm quản lý, bảo vệ những cánh rừng, đồng thời, tích cực tham gia trồng và phát triển nâng cao diện tích rừng.
Người dân Tu Mơ Rông tham gia trồng rừng. Ảnh: PN
Minh chứng là 3 năm qua, huyện Tu Mơ Rông luôn luôn vượt cao so với chỉ tiêu trồng rừng hàng năm của tỉnh giao, hàng năm đều vượt từ 50% – 200% chỉ tiêu. Đơn cử như năm 2023, huyện được giao chỉ tiêu trồng hơn 330ha rừng tập trung nhưng huyện Tu Mơ Rông đã thực hiện đạt hơn 520ha, vượt gần 100ha so với chỉ tiêu giao.
Không chỉ vậy, trong năm 2023, bà con đồng bào Xơ Đăng còn trồng được hàng trăm nghìn cây rừng phân tán. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện tự bỏ kinh phí trồng rừng tập trung với tổng diện tích là 193,08ha và trồng 120.239 cây rừng phân tán. Điều đó cho thấy đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây đã thay đổi nhận thức, hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, đồng bào Xơ Đăng còn tích cực tham gia công tác nhận chăm sóc bảo vệ rừng trên địa bàn. Đến nay, các đơn vị chủ rừng và UBND xã đã giao khoán hơn 16.000ha rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng trên địa bàn huyện quản lý, bảo vệ. Trong đó, UBND huyện đã tiến hành giao đất gắn với giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn Ty Tu (xã Đăk Hà) quản lý, bảo vệ với tổng diện tích là 190,14ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô giao bảo vệ cho 32 cộng đồng (với 5.756,36ha), 16 nhóm hộ (với 413,99ha); Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông giao cho 19 cộng đồng (4.460,72ha) và 35 nhóm hộ (2.259,28ha); Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum giao cho 12 cộng đồng (2.404,94ha) và Công ty CP VinGin cho 5 cộng đồng (755,13ha) quản lý bảo vệ, cùng nhau, chung tay, gìn giữ “lá phổi xanh”, không để kẻ xấu xâm nhập và phá rừng trái phép.
Nhờ rừng được bảo vệ nên sâm Ngọc Linh đang được phát triển mạnh tại Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N
Như ở thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà) có 12 hộ đồng ý nhận, chung tay bảo vệ hơn 20ha rừng tại địa phương. Chia sẻ điều này, ông A Bút (thôn Tu Mơ Rông) cho biết, ông cùng người dân trong thôn thường xuyên tổ chức đi tuần tra rừng từ 2-3 lần/tháng. Khi phát hiện những đối tượng nghi vấn lạ mặt vào phá rừng thì ông đề nghị họ dừng lại, đồng thời và báo cáo ngay với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ vậy, những cánh rừng luôn giữ được màu xanh.
Cũng nhờ sự nâng cao ý thức bảo vệ nên những năm qua, những cánh rừng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông được gìn giữ, bảo vệ, không có tình trạng phá rừng trái phép. Đến nay, toàn huyện có 23.198,15ha rừng phòng hộ, 53.230,55 ha rừng tự nhiên, 34.239,21ha rừng sản xuất và 19.969,87ha chưa thành rừng. Độ che phủ rừng là 66,99%.
Từ kết quả trên, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã rút ra được nhiều bài học quý. Theo lãnh đạo UBND huyện, để có được kết quả hôm nay là cả sự kiên trì, bền bỉ; trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân đóng vai trò chủ đạo trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phải xác định đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phải được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, công tác điều hành kịp thời, xuyên suốt của chính quyền địa phương, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các ngành liên quan thì mới huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Bên cạnh đó, một điều vô cùng quan trọng là phải triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng tại các vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng thôn trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân được tham gia bảo vệ và hưởng lợi từ rừng.
Phúc Nguyên
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tu-mo-rong-chung-tay-bao-ve-la-phoi-xanh-38510.html