Trở ngại trong đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP

11

baokontum.com.vn

10/06/2024 13:07

Sau 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm đã hết hạn công nhận hạng sao và phải đăng ký lại. Tuy nhiên, việc đánh giá, phân hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP đang gặp phải những khó khăn, trở ngại.

Hiện tại, toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên còn hiệu lực; trong đó, nổi bật, có 1 sản phẩm được công nhận 5 sao cấp quốc gia, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá; 14 sản phẩm 4 sao.

Chứng nhận OCOP không chỉ mang ý nghĩa là chứng nhận thương hiệu mà còn là sự đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó từ các đặc sản, lợi thế ở các vùng nông thôn. Việc được gắn sao OCOP có thể được coi như “giấy thông hành” để sản phẩm có cơ hội chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, từ đó, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho chủ thể sản xuất và các địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường thì các sản phẩm này cần phải được các cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại.

162940s%E1%BB%91%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20v%C3%A0%20ch%E1%BA%A5t%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20OCOP%20c%E1%BB%A7a%20t%E1%BB%89nh%20ng%C3%A0y%20c%C3%A0ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20n%C3%A2ng%20cao

Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được nâng cao. Ảnh: T.H

 

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 80 sản phẩm đủ 36 tháng “gắn sao” OCOP. Song điều đáng nói là mới chỉ có 13 sản phẩm được công nhận lại, còn lại 67 sản phẩm chưa được các chủ thể đề nghị đánh giá lại.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới, việc nhiều sản phẩm OCOP chưa được đánh giá, công nhận lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố chủ quan là do nhiều chủ thể chưa nắm rõ quy định, xem như việc sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP là lâu dài, cứ thế sử dụng. Bên cạnh đó, cũng có chủ thể ngại làm hồ sơ, thủ tục vì mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí nên  không mặn mà với việc đề xuất đánh giá, phân hạng lại sản phẩm.

Về khách quan, các sản phẩm OCOP hết hiệu lực chủ yếu là được công nhận từ năm 2019-2020 theo bộ tiêu chí cũ, nhưng hiện nay, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu gặp khó khăn.

163005Nhi%E1%BB%81u%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20OCOP%20c%E1%BB%A7a%20t%E1%BB%89nh%20%C4%91%C3%A3%20v%C3%A0o%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20h%E1%BB%87%20th%E1%BB%91ng%20si%C3%AAu%20th%E1%BB%8B

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã vào được hệ thống siêu thị. Ảnh: TH

 

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum và giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta đề ra mục tiêu chung phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Chỉ tiêu của năm 2024 là phấn đấu đến cuối năm, toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận sao OCOP, bao gồm tổ chức đánh giá công nhận lại sản phẩm OCOP hết hiệu lực.

Do đó, cùng với việc phát triển các sản phẩm mới, hoạt động đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn cũng là nhiệm vụ quan trọng để vừa đảm bảo gia tăng về lượng và nâng cao về chất của sản phẩm OCOP.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP; khuyến khích và hỗ trợ chủ thể về hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn. Thường xuyên rà soát để có kế hoạch tư vấn, hướng dẫn chủ thể nâng cấp, phát triển, hoàn thiện sản phẩm OCOP theo quy định mới, nhất là hỗ trợ cho chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế xanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP lần đầu cũng như công nhận lại giai đoạn hiện nay yêu cầu cao hơn so với trước đây, nhưng có thể nói, càng khó khăn càng đưa giá trị của sản phẩm OCOP lên tầm cao hơn. Để không bị gián đoạn quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan chức năng, cần sự chủ động, tích cực của chính các chủ thể có sản phẩm cần được đánh giá, công nhận lại.         

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tro-ngai-trong-danh-gia-cong-nhan-lai-san-pham-ocop-41316.html