baokontum.com.vn
Những năm qua, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm thực hiện.Với nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ được các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện đã tạo môi trường, động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong người dân, doanh nghiệp.
Hưởng ứng chương trình khởi nghiệp Quốc gia, tỉnh ta ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong người dân và doanh nghiệp.
Tiêu biểu như Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021- 2025, Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019- 2025, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025, đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm tổ chức nhiều chương trình tập huấn, tọa đàm trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm khởi nghiệp. Ảnh: T.H
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh triển khai đa dạng, đồng bộ các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khởi nghiệp đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo kết hợp với việc tham quan các mô hình thực tiễn, giao lưu với các chủ cơ sở, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được 80 lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng khởi nghiệp, xu hướng marketing 5.0, kỹ năng truyền thông sản phẩm từ tài nguyên bản địa trên mạng xã hội, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức được 17 lớp tập huấn về chuyển đổi số trong khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên; phát triển ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời đại số. Qua đó, góp phần trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên, sinh viên, phụ nữ, nông dân.
Hàng năm, các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, tỉnh đã bố trí 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho các chương trình, dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Từng ngành, từng đơn vị tổ chức các cuộc thi để tạo môi trường, điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát huy khả năng sáng tạo, “phá vỡ” những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy và hành động, ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp. Chẳng hạn như cuộc thi Phụ nữ sáng tạo, khởi sự kinh doanh do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức hàng năm, cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum do Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức 2 năm/lần, cuộc thi tìm ý tưởng khởi nghiệp của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum… Qua các cuộc thi đã góp phần phát hiện, tìm kiếm được những đề tài, sáng kiến, mô hình có thể thương mại hóa, hoặc áp dụng vào thực tế, tạo ra giá trị cho chính các chủ thể, cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, góp phần thúc đẩy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng có chuyển biến tích cực. Ảnh: TH
Năm 2018, chị Lương Thị Mỹ Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên (huyện Đăk Tô) thành lập doanh nghiệp với ý tưởng ban đầu trở thành cầu nối kết nối tiêu thụ nguồn dược liệu do đồng bào DTTS sản xuất (chủ yếu là khổ qua rừng và sâm dây) với thị trường tiêu thụ trong nước. Sau đó, với quyết tâm phát triển các sản phẩm chất lượng cho sức khỏe người dùng, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, chị Lương Thị Mỹ Huệ triển khai dự án “liên kết phụ nữ đồng bào DTTS phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum”. Với nguồn nguyên liệu ổn định, nhà máy chế biến với dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên đã phát triển nhiều dòng sản phẩm mang nhãn hiệu DATO được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước.
Anh Bền Chí Thịnh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kora Group (thành phố Kon Tum) là một người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được thành tựu bước đầu.
Từ một hộ kinh doanh nhỏ với mô hình khởi nghiệp là sơ chế, chế biến một số loài dược liệu sẵn có tại địa phương, đến nay, anh Thịnh đã xây dựng và phát triển cơ sở của mình trở thành doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm và đồ uống với nhiều dòng sản phẩm.
Anh Bền Chí Thịnh chia sẻ: Bản thân là một người trẻ khởi nghiệp, tôi luôn mong muốn truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và cả những khó khăn, thử thách trong khởi nghiệp cho thanh niên, người trẻ. Công ty Cổ phần Kora Group cũng là nơi mà mọi người có thể trao đổi, học hỏi, xây dựng tinh thần khởi nghiệp để làm giàu cho chính mình và đóng góp cho quê hương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh đang trong giai đoạn hình thành, nên hoạt động khởi nghiệp chưa thu hút đông đảo các đối tượng tham gia, số lượng các dự án, ý tưởng còn nghèo nàn, việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi còn khó khăn.
Theo bà Huỳnh Thị Thúy Hà- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, khởi nghiệp cần sự đam mê, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám làm để hướng tới thành công và mang lại lợi ích chung cho xã hội.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/thuc-day-phong-trao-khoi-nghiep-khoi-su-kinh-doanh-43693.html