Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

30

baokontum.com.vn

31/03/2024 13:06

Chất lượng nông, lâm, thủy sản luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội vì có tác động rất lớn đến sức khỏe người dân. Vì vậy, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được ngành Nông nghiệp xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng nông sản và phát triển bền vững.

Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các chi cục thuộc sở (Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Chăn nuôi và Thú y; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) tăng cường phổ biến thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về sản xuất, trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong g i ế t mổ; sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách). Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

163054Di%E1%BB%87n%20t%C3%ADch%20S%E1%BA%A7u%20ri%C3%AAng%20Blackthon%20c%E1%BB%A7a%20C%C3%B4ng%20ty%20TNHH%20N%C3%B4ng%20l%C3%A2m%20s%E1%BA%A3n%20Ngh%C4%A9a%20Ph%C3%A1t%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20c%E1%BA%A5p%20m%C3%A3%20s%E1%BB%91%20v%C3%B9ng%20tr%E1%BB%93ng%20

Diện tích sầu riêng Blackthon của Công ty TNHH Nông lâm sản Nghĩa Phát được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: T.H

 

Đến nay, toàn tỉnh có 214 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó có 62 cơ sở xếp loại A, 152 cơ sở xếp loại B. 7 doanh nghiệp sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), ISO 22000:2018 (Tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm).

Các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với phát triển vùng nguyên liệu nông sản an toàn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 963,09ha cây trồng được chứng nhận VIETGAP và tương đương, 29,3ha được chứng nhận hữu cơ; duy trì 14 chuỗi liên kết nông thủy sản, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm 5 chuỗi cung ứng rau củ quả các loại, 3 chuỗi cung ứng cà phê nhân, cà phê bột, 5 chuỗi cung ứng thịt heo, thịt  bò, thịt gà và 1 chuỗi cung ứng đẳng sâm.

Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 33 chuỗi liên kết một số khâu trong hoạt động sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản gồm 27 liên kết trong chăn nuôi heo, 5 liên kết trong chăn nuôi gia cầm, 1 liên kết thức ăn chăn nuôi và 1 liên kết trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 381,39 ha được cấp mã số phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa và 2 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Hiện tại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất trồng trọt hoàn thiện hồ sơ, chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số cho 10 vùng trồng sầu riêng với quy mô 209 ha.

Người dân ngày càng chú trọng việc sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng nông sản. Ảnh: TH

 

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện; đó là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông, lâm, thuỷ sản; kiểm soát chặt chẽ việc g i ế t mổ, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng, buôn bán các chất cấm, các hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; các hành vi vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chỉ tính trong năm 2023, ngành Nông nghiệp tổ chức 5 đợt giám sát an toàn thực phẩm, trong đó có 4 đợt theo kế hoạch, 1 đợt đột xuất về dư lượng các chất độc hại trong các sản phẩm ngũ cốc, gạo, gia vị, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, rau, củ, quả. Các lực lượng chức năng tổ chức lấy 419 mẫu nông, thủy sản; qua đó phát hiện 4 mẫu không đạt yêu cầu. Ngành chức năng đã xử phạt hành chính đối với 4 cơ sở có mẫu nông, thủy sản không đạt yêu cầu với số tiền số tiền xử phạt 10 triệu đồng.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Nông nghiệp triển khai 1 đợt kiểm tra và lấy mẫu giám sát các sản phẩm nông, thủy sản có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, nhưng chưa phát hiện vi phạm. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản ký cam kết tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông, lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, xây dựng uy tín, thương hiệu nông sản của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ, sản xuất hàng hóa; từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông sản đi vào nề nếp. 

Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tang-cuong-quan-ly-nang-cao-chat-luong-nong-lam-thuy-san-39984.html