cand.com.vn
Để sắm Tết, khách hàng chỉ cần ngồi một chỗ và cần thứ gì thì cũng có thể mua được rất nhiều đặc sản của các địa phương trên cả nước chỉ bằng một cú nhấn chuột hay tin nhắn. Thị trường Tết online giờ phát triển và sôi động, những người bán hàng có cửa hàng cũng bán song song cả trên mạng, vừa gia tăng doanh số và phục vụ được nhiều khách hàng hơn.
Các mặt hàng Tết phong phú trên sàn thương mại điện tử.
Đặc sản trên chợ mạng phong phú và đa dạng, chỉ cần gõ chữ “chợ Tết”, “mua sắm đồ Tết”, sản phẩm OCOP… sẽ cho ra nhiều kết quả, sản phẩm, đặc sản khắp vùng miền sẽ hiện ra để khách hàng lựa chọn.
Như chợ Tết Hải Hậu, chợ Tết Hà Nội, phiên chợ Tết Hà Nội 2024, chợ Tết Kon Tum, chợ Tết Quảng Ngãi, chợ Tết miền Tây… với đủ đặc sản vùng miền, từ nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi, rau rừng, chè, gạo, các loại củ, quả và thịt gia súc, gia cầm, đặc biệt là thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, … của vùng núi cao Tây Bắc, Đông Bắc đến sản phẩm miền biển như nước mắm, cá thu, chả mực, nem chua, giò bê; những hoa trái thơm ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, trái cây sấy khô…
Giá bán cũng được công khai rõ ràng, ví dụ như: Chè ngon Thái Nguyên có giá từ 300.000 – 700.000 đồng/kg, thịt trâu gác bếp có giá từ 800.000 – 1,1 triệu đồng/kg, lạp xưởng có giá 350.000 – 380.000 đồng/kg, mứt dừa non có giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg. Tại các trang thông tin giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương cũng giới thiệu các combo quà tặng Tết hấp dẫn, giá cả niêm yết rõ ràng, từ rượu cần của Hoà Bình, tới bánh phồng tôm, cá khô của Cà Mau và Đồng Tháp.
Không chỉ các hàng đặc sản, nông sản, thực phẩm phục vụ Tết, trên chợ online hàng hoá cũng rất phong phú, như bánh kẹo, rượu, hoa quả, giỏ quà tặng, thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn hay gia vị khô được người bán đăng tải công khai, chào mời với những cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ở góc độ người bán hàng online, chị Nguyễn Thu Lan (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho biết, năm nay mọi người đặt đồ Tết muộn hơn mọi năm, nhưng giá thì vẫn cố gắng giữ ổn định. Khách hàng đặt sớm thì còn được quà tặng và nhiều ưu đãi. Người dân theo xu hướng giảm ngọt, ăn kiêng nhiều nên bếp đã có những sản phẩm đặc trưng như bánh kẹo dành cho người tiểu đường; bánh dứa; các loại mứt dừa xiêm non sên kem tươi; chuối sấy mộc; khế xào gừng; mứt táo ta… Các sản phẩm do bếp làm nên giá cả các mặt hàng được công khai rõ ràng để khách hàng dễ lựa chọn. Đa phần khách hàng đều là khách quen, có cả mua buôn và mua lẻ. “Sản phẩm ngon, chất lượng, đúng gu tiêu dùng của khách, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh nên được nhiều người lựa chọn mua về dùng hoặc đem biếu Tết”, chị Lan cho hay.
Không chỉ có các hộ kinh doanh tham gia bán trên chợ mạng mà các doanh nghiệp bán lẻ cũng nắm bắt xu hướng này để phục vụ người dân một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất và giá cả hợp lý nhất. Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, song song với kênh bán hàng truyền thống, Hapro cũng đẩy mạnh kinh doanh qua các kênh như Website, Facebook, Zalo, Viber…; xây dựng chính sách giao hàng tại nhà, tận nơi trong thời gian nhanh nhất, giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi nhất mà giá không thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, siêu thị đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023 với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện, kênh bán hàng online được siêu thị đẩy mạnh bán hàng song song với kênh truyền thống, thông tin khuyến mại cập nhật, đặt hàng thuận lợi. Khi khách đặt hàng, hàng được giao tận nơi, mà giá thành không đổi. Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách sẽ tăng khoảng 20 – 30% so với tháng kinh doanh bình thường và tăng 50% so với ngày thường. “Siêu thị cũng dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp; tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp – khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa”, bà Dung thông tin.
Bên cạnh sự tiện lợi trong việc mua bán trên chợ online, thì trên thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn đang mua bán “bằng niềm tin”. Bởi chất lượng khác xa với thực tế. Do vậy, khi lựa chọn mua hàng trên chợ mạng, người tiêu dùng cần thận trọng, với những sản phẩm giá rẻ, quảng cáo quá cũng cần cân nhắc.
Theo chị Lan, một người bán hàng online, như gà khô lá chanh (bếp đặt) giá bán lẻ: 350.000đ/kg, trong khi đó nhiều trang mạng rao bán có hơn 250.000 đ/kg; lợn khô cháy tỏi (bếp đặt) giá bán lẻ 400k/kg trong khi nhiều trang bán có 250.000-300.000đ/kg. Do vậy, khi lựa chọn mua hàng người tiêu dùng nên lựa chọn nơi bán uy tín, tránh tình cảnh “tiền mất tật mang”. Ngoài ra, cần kiểm tra thông tin liên hệ với người bán như số điện thoại, địa chỉ giao dịch để có sự kiểm chứng khi cần thiết.
Để kiểm soát kinh doanh online, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng truy vết, phát hiện, bóc gỡ những đường dây, ổ nhóm lợi dụng thương mại điện tử, các hình thức giao dịch chào bán hàng hóa qua mạng xã hội để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức, ý thức, không sử dụng hàng giả, hàng nhái, cách phân biệt hàng hóa thật – giả.
Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/Thi-truong/soi-dong-cho-tet-online-i722382/