baokontum.com.vn
07/05/2024 05:32
70 năm đã qua đi, những người góp phần làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giờ người còn người mất. Nhưng với họ, ký ức về những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm” vẫn luôn ghi nhớ như một phần cuộc đời gian nan nhưng đầy kiêu hùng của họ.
Tròn 100 tuổi – cái tuổi “xưa nay hiếm”, gánh nặng tuổi tác và điều kiện sức khỏe không còn cho phép cụ ông Thái Văn Lũy ở tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Hà nhớ từng chi tiết quá trình ông tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mĩ cứu nước. Nhưng ký ức của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vẹn nguyên. Từ quá trình nhập ngũ, được tôi rèn trong môi trường quân ngũ cho đến đỉnh cao của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Lũy cho biết: Tháng 1/1953, ông xung phong nhập ngũ và được cử đi học tập chính trị 3 tháng ở Thanh Hóa. Sau đó, được triệu tập lên Bộ Tư lệnh và trực tiếp được đồng chí Võ Nguyên Giáp phổ biến tình hình, chủ trương kháng chiến của Đảng. Đến tháng 4/1954, ông trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là Tiểu đội trưởng Dân quân thuộc C47 – D722 – F320. Cùng đồng chí, đồng đội mình mang vũ khí, nhu yếu phẩm lên chiến trường Điện Biên. Sau đó, ông tham gia đánh chặn Đường 13 không cho quân Pháp chi viện từ Lào sang và trận Bản Kéo.
Hội CCB huyện Đăk Hà trò chuyện cùng ông Thái Văn Lũy (ngoài cùng bên phải). Ảnh: TN
Sau ngày 7/5/1954, ông tiếp tục tham gia phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua hàng trăm trận chiến ở khắp các chiến trường, nhưng ký ức về những trận chiến ác liệt “máu trộn bùn non” trong chiến dịch Điện Biên Phủ dường như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua.
“Lúc đó có c h ế t cũng phải liều mình. Chết thì ai chẳng sợ, nhưng mình phải chiến đấu để giải phóng Điện Biên. Như tinh thần “chân toạc máu chân dồn đuổi giặc”, lúc đó bị thương rồi, chân toạc máu rồi nhưng vẫn quyết tâm để chiếm Đồi A1, giải phóng bằng được Điện Biên, chúng tôi rất hăng hái, thi đua để lập công” – ông Lũy chia sẻ.
Tương tự như ông Lũy, ông Nguyễn Văn Thanh (sinh ngày 15/1/1933 tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) hiện đang sống tại thôn 1, xã Hà Mòn vẫn còn nhớ như in những ngày đầu nhập ngũ, khi mới tròn 18 tuổi. Ông Thanh xung phong nhập ngũ từ tháng 1/1953. Vì thể trạng “thấp bé nhẹ cân”, nên nhiều đồng chí chỉ huy trong đơn vị khá bất ngờ khi biết ông xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Song với tinh thần, khí thế của người Bộ đội Cụ Hồ, ông quyết xung phong đi bằng được.
“Ông đại đội trưởng, ông chính trị viên phó nói tôi bé con con thế này thì đi làm gì. Tôi bảo cứ đi, rồi cơm gạo của Nhà nước nuôi mình lớn lên, trưởng thành lên. Thế là họ đồng ý phát cho mấy quả lựu đạn với bộ quần áo. Lúc hành quân lấy bao ruột tượng đeo theo gạo 5 cân gạo, đủ một tuần, rồi đi hái thêm lá tàu bay làm canh ăn. Theo chân đồng chí, đồng đội mình vạch lá, băng rừng mà đi. Khi gần đến nơi thì đáng lẽ chỉ mang được 2 nắm cơm thì mình mang 3 nắm, rồi đeo thêm đạn nữa để tiếp tế thêm cho anh em họ trên đó có sức chiến đấu, đánh đuổi giặc Pháp” – ông Thanh tâm sự.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thanh cùng đồng đội của mình là những người trực tiếp mang lá cờ Tổ quốc để cắm trên Đồi A1. Để hoàn thành nhiệm vụ, ông cùng đồng đội phải quấn lá cờ trên người, vừa mang s ú n g đạn trên suốt đoạn đường tiến công lên đỉnh Đồi A1.
Ông Nguyễn Văn Thanh (thứ hai từ phải qua) trò chuyện cùng cán bộ hội viên CCB huyện Đăk Hà. Ảnh: TN
“Khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc tung bay, niềm vui như vỡ òa từ chiến sĩ đến dân quân, cùng bà con nhân dân nữa. Lúc đó, tôi cũng muốn leo lên, muốn cầm lá cờ Tổ quốc để ăn mừng chiến thắng lắm, nhưng mình bé quá. Leo lên đó còn khó hơn leo cây, cứ bám lên lại tụt xuống. Nhưng mình cũng thấy rất vui và tự hào” – ông Thanh chia sẻ.
Được biết, sau chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đến tháng 2/1961, ông Thanh tiếp tục tham gia quân ngũ và chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến sau ngày 30/4/1975. Quá trình chiến đấu, ông Thanh đã chứng kiến biết bao đồng đội đã ngã xuống, hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi vậy, cuộc sống hằng ngày của ông luôn có những “khoảng lặng”, khi kí ức về những cuộc hành quân thần tốc, những trận chiến trong mưa bom bão đạn lại ùa về.
“Có những lúc, ngồi ăn miếng cơm mà nước mắt cũng trào ra. Rồi đang làm, cũng thấy nhớ đến phát khóc. Mình còn may mắn, còn được về với vợ cới con. Nhưng đồng chí, đồng đội mình đâu phải ai cũng được như thế…”.
Theo ông Thái Văn Khôi – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đăk Hà, qua rà soát, xác minh, hiện trên địa bàn huyện có 12 CCB là chiến sĩ trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong đó, có 2 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là ông Thái Văn Lũy và ông Nguyễn Văn Thanh. Trở về đời thường, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất định, song với những người từng hiến dâng cả thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, góp sức làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì tinh thần quả cảm của “chiến sĩ Điện Biên” vẫn luôn được kế thừa và phát huy.
“Các thời điểm lịch sử đều là những dấu ấn không thể quên trong cuộc đời các đồng chí. Có thể là nhớ, có thể quên một vài thứ, nhưng ký ức về các trận chiến các đồng chí vẫn nhớ mồn một. Bây giờ về đời thường, dù tuổi già sức yếu nhưng các đồng chí vẫn luôn mang trong mình tâm hồn của người chiến sĩ Điện Biên. Con cháu các cụ cũng rất tự hào vì mình có người ông, người cha đã từng tham gia làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” – ông Khôi nói.
70 năm đã qua, thời gian có thể làm dịu những vết thương về thể chất, hay xóa nhòa những dấu tích một thời hoa lửa, nhưng giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ còn lại với thời gian, để nhắc nhở những thế hệ hôm nay, mai sau biết trân trọng giá trị của nền hòa bình, độc lập tự do.
TRỌNG NGHĨA
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/ky-uc-dien-bien-trong-nhung-nguoi-linh-o-dak-ha-40669.html