Sa Thầy: Lợi ích kép từ phát triển nông nghiệp tuần hoàn

25

baokontum.com.vn

24/03/2024 06:29

Những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Sa Thầy đã ứng dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn nhằm tận dụng tối đa các phế phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng cao giá trị sản xuất, từ đó góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhật (38 tuổi, ở thôn Bình Tây, xã Sa Bình) đang thực hiện sản xuất theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên 5ha sầu riêng và 1ha cà phê. Chị Nhật cho biết, trước đây, mỗi năm gia đình phải đầu tư hàng trăm triệu đồng mua phân bón cho vườn cây. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, chi phí đầu tư giảm nhiều.

Theo đó, chị Nhật tận dụng những khoảng đất trống trong vườn sầu riêng trồng cỏ voi, cây chuối để làm thức ăn cho 15 con bò, 30 con heo; đồng thời, tận dụng nguồn chất thải của bò và heo bón cây sầu riêng. “Sau mỗi ngày dọn chuồng, số phân tươi sẽ thu gom lại ủ với chế phẩm sinh học, 6 tháng sau bón cho cây trồng. Nhờ có lượng phân chuồng dồi dào nên chi phí các loại phân bón khác giảm đáng kể, nguồn phân cũng được xử lý theo phương pháp khoa học nên không ảnh hưởng tới môi trường”- chị Nhật cho biết.

151806Ch%E1%BB%8B%20Nguy%E1%BB%85n%20Th%E1%BB%8B%20M%E1%BB%B9%20Nh%E1%BA%ADt%20t%E1%BA%ADn%20d%E1%BB%A5ng%20ph%E1%BA%BF%20ph%E1%BA%A9m%20n%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20l%C3%A0m%20th%E1%BB%A9c%20%C4%83n%20cho%20c%C3%A1.%20(%E1%BA%A2nh%20Nay%20S%C4%83t)

Chị Nhật tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cá. Ảnh: N.S

 

Còn với hơn 1ha cà phê, chị Nhật cũng tận dụng vỏ cà phê trộn với men ủ và phân bò làm phân vi sinh bón cho cây trồng. Hằng năm gia đình chị ủ được hơn 2 tấn phân vi sinh để bón vườn cà phê.

 Bên cạnh đó, gia đình chị Nhật còn đào 2 ao nuôi cá, sử dụng cỏ, thân chuối hoặc thức ăn thừa của bò và heo để cho cá ăn. Theo chị, việc phát triển sản xuất theo hướng kết hợp như vậy đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí lại nâng cao được thu nhập.

Từ khi triển khai mô hình, gia đình chị Nhật giảm được nhiều chi phí đầu tư mà cây trồng vẫn phát triển tốt, năng suất cũng tăng. Với 5ha sầu riêng sử dụng phân bón “nhà làm” giúp chị tiết kiệm hơn 70 triệu đồng/năm và 1ha cà phê tiết kiệm gần 10 triệu đồng/năm so với sử dụng phân bón hóa học như trước đây.

“Sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đảm bảo được môi trường, đất đai tơi xốp, cây sầu riêng và cà phê có độ bền cao. Nhờ đó, mỗi năm thu hoạch, năng suất sầu riêng đều tăng thêm từ 4-5 tạ quả, cà phê tăng 1-2 tạ nhân. Kinh tế tuần hoàn có thể nói là đem lại lợi ích kép cho nông dân”- chị Nhật cho hay.

Tương tự, gia đình chị Lê Hồng Thanh (44 tuổi, ở làng Chờ, xã Ya Ly) hiện đang trồng hơn 2ha mì, hơn 100 cây sầu riêng, 15 cây đu đủ, 30 cây chuối và nuôi 2 lồng cá diện tích 40m2. Thời gian qua, chị đã tận dụng quả chuối, đu đủ chín bị hư hoặc không bán để làm thức ăn cho cá. Mỗi lần thu hoạch cá, có những con không đạt chất lượng sẽ được chị đem đi ủ với men phân hủy, mật mía thành phân cá bón cho cây trồng. Ngoài ra, chị còn mua lại cá tạp của các hộ dân nuôi cá cạnh nhà với giá 7.000-8.000 đồng/kg để ủ.

152106Gia%20%C4%91%C3%ACnh%20ch%E1%BB%8B%20L%C3%AA%20H%E1%BB%93ng%20Thanh%20t%E1%BB%B1%20%E1%BB%A7%20ph%C3%A2n%20c%C3%A1%20b%C3%B3n%20c%C3%A2y%20tr%E1%BB%93ng,%20ti%E1%BA%BFt%20ki%E1%BB%87m%20h%C3%A0ng%20ch%E1%BB%A5c%20tri%E1%BB%87u%20%C4%91%E1%BB%93ng%20chi%20ph%C3%AD%20mua%20ph%C3%A2n%20b%C3%B3n%20v%C3%B4%20c%C6%A1%20nh%C6%B0%20tr%C6%B0%E1%BB%9Bc%20%C4%91%C3%A2y.%20(%E1%BA%A2nh%20Nay%20S%C4%83t)

Gia đình chị Thanh tự ủ phân cá bón cây trồng, tiết kiệm chi phí. Ảnh: NS

 

Chị Thanh chia sẻ: “Với 2ha mì, một vụ tưới phân cá 2 lần, chi phí hết khoảng 4-6 triệu đồng, so với phân hóa học tiết kiệm được 7 triệu đồng mà cây mì vẫn tươi tốt, cho nhiều củ và ít bị sâu bệnh. Với vườn sầu riêng hơn 100 cây của gia đình, theo cách bón phân vô cơ thông thường thì chi phí phân bón rất lớn. Còn đối với phân cá, gia đình chỉ cần tưới 2 lần/năm và không cần bón thêm phân vô cơ. Như vậy, mỗi năm, gia đình tôi chỉ tiêu tốn 10 -15 triệu đồng phân cá, tiết kiệm tiền mua phân rất lớn cho gia đình”.

Theo bà Nguyễn Thị Luyến – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, hiện nay, nhiều nông dân trong huyện bước đầu áp dụng hiệu quả hình thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Bà con nông dân kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các nông hộ cơ bản đều biết cách ủ phân chuồng, phụ phẩm trồng trọt với chế phẩm sinh học và sử dụng cho cây trồng.

“Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng tái tạo, tận dụng triệt để các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay thì việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là một cứu cánh nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất”- bà Nguyễn Thị Luyến cho biết thêm.    

Nay Săt


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/sa-thay-loi-ich-kep-tu-phat-trien-nong-nghiep-tuan-hoan-39885.html