Hài hòa lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp

58

baokontum.com.vn

24/04/2024 13:09

Trong sản xuất nông nghiệp, liên kết là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước, giúp hình thành nền sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn an toàn; từ đó, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất trong trồng trọt theo tiêu chí cánh đồng lớn đối với các sản phẩm cà phê, dược liệu, mì, mía; liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn tại thành phố Kon Tum. Ngoài ra, có 33 liên kết trong chăn nuôi và 1 liên kết trong nuôi trồng thủy sản.

Nhiều địa phương thành công trong việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Tiêu biểu như huyện Đăk Hà, thực hiện lộ trình xây dựng thương hiệu Cà phê Đăk Hà, địa phương này tiến hành triển khai một cách bài bản như quy hoạch vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê vối theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ với quy mô 750ha tại một số xã trên địa bàn; thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia. Trong đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện cung cấp “dịch vụ đầu vào” cho các thành viên như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn lịch thời vụ và thu mua sản phẩm; đồng thời, liên kết chặt chẽ với các các tổ chức kinh tế quốc tế, nhà khoa học để tiếp nhận thông tin, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững chuyển giao cho người dân; còn người dân đảm bảo sản xuất theo đúng yêu cầu chất lượng, bán sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã.  Việc xây dựng liên kết được thực hiện trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên nên cả doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đều được hưởng lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, từ đó đưa năng suất, sản lượng, giá trị hạt cà phê địa phương Đăk Hà tăng cao.

Tại thành phố Kon Tum, mô hình liên kết phát triển sản phẩm rau, củ, quả  gắn với thị trường tiêu thụ được đánh giá là thành công. Theo đó, với sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phường Thắng Lợi và Tổ hợp tác rau an toàn Thảo Nguyên được thành lập với sự tham gia của các hộ trồng rau thuộc Tổ 4 (phường Thắng Lợi), xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích khoảng 8,6ha để cung cấp rau cho 3 cửa hàng rau an toàn trên địa bàn. Thông qua các cửa hàng này, sản phẩm rau được đưa vào một số bếp ăn trường học. Nhờ liên kết, giúp người dân có cơ hội tiếp cận khoa học- kỹ thuật, ổn định đầu ra sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn so với trồng tự phát.
 

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, mô hình liên kết sản xuất rau an toàn đã được thực hiện tại phường Thắng Lợi. Ảnh: T.H

 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết trong sản xuất mang lại nhiều lợi ích, tạo thuận lợi cho Nhà nước trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, triển khai các chính sách hỗ trợ. Việc này cũng giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời tạo tiền đề hình thành nền sản xuất lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những bất cập trong triển khai các liên kết. Chẳng hạn như, trong niên vụ mía năm nay, mặc dù Công ty Cổ phần Đường Kon Tum khi liên kết trồng mía với người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum có cam kết thu mua mía nguyên liệu đúng thời vụ, nhưng việc đơn vị này chậm thu mua đã làm ảnh hưởng đến năng suất, hoạt động sản xuất của vụ sau và khiến người dân phải vất vả lo chống cháy trong thời tiết hanh khô. Từ đó, phần nào làm giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu mở rộng vùng nguyên liệu mía của tỉnh lên 2.000ha.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra thực trạng lúc giá thị trường cao hơn giá hợp đồng sản xuất thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua hoặc ép giá sản phẩm của người sản xuất. Những việc làm như thế này dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

171610LINKTS~1

Liên kết sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum đã thu hút nhiều hộ tham gia, góp phần xây dựng thành công thương hiệu gạo Đoàn Kết. Ảnh: T.H

 

Có thể thấy, việc đảm bảo hài hòa lợi ích là yếu tố quan trọng để các liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đi vào chiều sâu, ngày 23/10/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3629/UBND-NNTN về việc tiếp tục thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền để người dân hiểu rõ những lợi ích của liên kết; cân đối, lồng ghép, bố trí nguồn vốn từ các Chương trình MTQG để hỗ trợ các hộ  dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển sản xuất, các lĩnh vực có liên quan gắn với phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm, thủy sản. Đồng thời, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong khâu phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Cùng với các chương trình, chính sách khuyến khích xây dựng và mở rộng liên kết chuỗi giá trị, việc xác định và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan trong sản xuất gắn và tiêu thụ nông sản sẽ góp phần củng cố và phát huy hiệu quả liên kết.

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/hai-hoa-loi-ich-trong-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-40427.html