Nỗ lực xóa nạn tảo hôn ở miền núi Quảng Nam

51

cand.com.vn

Phước Sơn là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, có dân số hơn 28.000 người, khoảng 7.000 hộ, trong đó số hộ DTTS là hơn 4.400 hộ, gần 11.000 người gồm 20 thành phần dân tộc sinh sống (chủ yếu là dân tộc Gié Triêng (Bhnong) chiếm 63,36%).

ca1.jpg -0
Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn phối hợp tổ chức chương trình “Rung chuông vàng” chủ đề nói không với tảo hôn để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tảo hôn cho học sinh.

Theo thống kê, trong 3 năm (từ 2021-2023), số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện Phước Sơn là 107, giảm 99 trường hợp so với giai đoạn 2016-2020 (206 trường hợp). Tính đến cuối năm 2023, số trường hợp tảo hôn là 34 trường hợp (giảm 15 trường hợp so với năm 2022), tuy nhiên vẫn còn 11/12 xã thị trấn còn xảy ra tảo hôn (xã Phước Công không có trường hợp tảo hôn). Giai đoạn này tại huyện Phước Sơn không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết được nâng lên rõ rệt.

Bà Hồ Thị Hồng Hảo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết, để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, thay đổi hành vi trong hôn nhân, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó UBND huyện Phước Sơn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan huyện phối hợp với các trường học, các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh tại các xã, thị trấn và một số trường học trên địa bàn huyện, phân bổ kinh phí cho cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện các hoạt động. Huyện cũng đã tranh thủ vai trò của già làng, trưởng thôn, tổ dân phố, người có uy tín, đội ngũ cộng tác viên đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thuyết phục những trường hợp có thể thực hiện việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, đặc biệt là sự phối hợp giữa nhà trường và các bậc phụ huynh chưa thường xuyên, một số hộ phụ huynh còn phó thác hết việc quản lý, dạy bảo con em cho nhà trường (nhất là các em ở các trường bán trú, nội trú), ít quan tâm đến việc học tập cũng như nắm bắt tâm lý của các em để động viên nhắc nhở.

Thêm nữa, điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS còn nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và tiếp cận thông tin của đồng bào (nhiều người dân không biết tảo hôn là vi phạm pháp luật). Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính; một số em học sinh vì học lực yếu, xa gia đình, tuổi mới lớn có sự quan tâm của bạn khác giới nên dễ dẫn đến việc yêu đương sớm, có một số trường hợp xảy ra mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn.

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, tiến tới xóa bỏ tình trạng này, trong thời gian tới, huyện Phước Sơn chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất, phân công, phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II) và Tiểu dự án 9.2 của Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Thường xuyên quan tâm cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó còn chú trọng phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tinh thần tự lực, ý chí vươn lên của cộng đồng DTTS. Huyện cũng sẽ tiếp tục tập trung tổ chức công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong hôn nhân và gia đình, tạo cơ hội cho giới trẻ đủ tuổi quy định kết hôn đúng pháp luật.


Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/doi-song/no-luc-xoa-nan-tao-hon-o-mien-nui-quang-nam-i720909/