Niềm tin vào hợp tác xã

66

baokontum.com.vn

16/04/2024 06:11

Dù có lúc thăng lúc trầm, nhưng kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), vẫn được bà con nông dân trao gửi niềm tin vì đã phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Anh Xuân đứng ra thành lập HTX trồng và thu mua, chế biến dược liệu được hơn 1 năm. Chị vợ xót ruột vì thấy chồng vất vả chạy ngược chạy xuôi, nên nhiều lần khuyên đừng làm nữa.

Nhưng anh Xuân nhất quyết không chịu. Lý do anh đứng ra thành lập HTX là vì thấy bà con DTTS nơi anh dạy học có nguồn cung dược liệu khá phong phú, nhưng đầu ra thì hạn chế, phụ thuộc vào thương lái hoặc đem ra huyện bán lẻ với giá thấp, lại không ổn định.

Hơn nữa, vào mùa, bà con thu hái xong bán không kịp, đem về nhà chất đống, không biết cách bảo quản nên dược liệu hư hỏng, hao hụt nhiều. 

170655HTX%20gi%C3%BAp%20%C4%91%E1%BA%A9y%20nhanh%20qu%C3%A1%20tr%C3%ACnh%20chuy%E1%BB%83n%20d%E1%BB%8Bch%20c%C6%A1%20c%E1%BA%A5u%20kinh%20t%E1%BA%BF%20khu%20v%E1%BB%B1c%20n%C3%B4ng%20th%C3%B4n. min

HTX giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Ảnh: T.H

 

Tôi thấy tiếc lắm, nên quyết định thành lập HTX, vận động bà con tham gia, vừa tận dụng được diện tích trồng dược liệu, vừa tập trung nguồn dược liệu lại một đầu mối để bảo quản, chế biến, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, từ đó giảm nghèo bền vững- anh Xuân chia sẻ.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay hoạt động của HTX cũng đã “vào guồng”. Tất nhiên là vẫn còn chật vật về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất làm trụ sở, đầu ra cho sản phẩm.

Đặc biệt, chưa bao giờ anh Xuân mất niềm tin vào tương lai của HTX. Nhất là khi Đảng, Nhà nước và tỉnh đã và đang tiếp tục có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy HTX phát triển bền vững.

Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX. Nhất là trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, hỗ trợ tiếp cận vốn; tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác với các thành phần kinh tế khác.

Với sự quan tâm đặc biệt ấy, HTX đã có những chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng.

Đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 300 HTX; tổng nguồn vốn của HTX trên tất cả các lĩnh vực là 290 tỷ đồng. Doanh thu bình quân khoảng 1.305 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 290 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/người/năm.

Các HTX đã cơ bản chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tính liên kết giữa các thành viên trong HTX được tăng cường theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển.

Sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Đáng chú ý, trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã có 36 HTX nông nghiệp là chủ thể, trong đó có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 69 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Theo UBND tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Một số HTX ở thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Kon Plông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Đặc biệt nhất là các HTX đã thể hiện được vai trò trong tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, thu hút  bà con nông dân ngoài HTX tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết giá trị.

170725C%C3%A1c%20HTX%20%C4%91%C3%A3%20thu%20h%C3%BAt%20b%C3%A0%20con%20n%C3%B4ng%20d%C3%A2n%20ngo%C3%A0i%20HTX%20tham%20gia%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20v%C3%A0o%20c%C3%A1c%20chu%E1%BB%97i%20li%C3%AAn%20k%E1%BA%BFt%20gi%C3%A1%20tr%E1%BB%8B min

Các HTX đã thu hút bà con nông dân ngoài HTX tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết giá trị. Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh, thiếu vốn và nguồn lực để khởi đầu và duy trì hoạt động đang là hai trong những khó khăn chính trong hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Rào cản lớn nữa là trình độ cán bộ quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh của nhiều HTX còn hạn chế. Một số HTX được thành lập mang tính hình thức, trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước.

Trong khi đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung. Các chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng ít được thực hiện; HTX còn khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Giải quyết những khó khăn, bất cập trên là yêu cầu đặt ra cho cả hệ thống chính trị và chính các HTX. Tất nhiên, đây không phải là một bài toán dễ tìm lời giải, hoặc có thể giải trong ngày một ngày hai.   

Trong đó, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ theo hướng đơn giản, thông thoáng, hiệu quả, dễ tiếp cận; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các HTX và tạo cơ hội, động lực cho các HTX tự lực vươn lên.

Về phần mình, HTX phải tự chủ động vượt qua những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên. Chủ động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ hiện đại.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động.

Và quan trọng nhất, HTX phải là mô hình kinh tế của nông dân, phục vụ nông dân; là điểm tựa để tạo nên sức mạnh cộng hưởng từ nhiều hộ nông dân, từ đó thu hút được đông đảo nông dân.

Khi ấy, họ sẽ luôn gửi niềm tin vào HTX.

Thành Hưng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/niem-tin-vao-hop-tac-xa-40291.html