Những chủ thể OCOP tiêu biểu

2

baokontum.com.vn

Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đầu tư, phát triển các sản phẩm đạt chất lượng cao, xây dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định.

Qua hơn 5 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm, tích cực tham gia của các chủ thể là hộ kinh doanh, tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp.

Nhiều chủ thể đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng nhà xưởng chế biến có lắp đặt các trang thiết bị máy móc hiện đại; hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh cụ thể, phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, nhiều chủ thể thực hiện hỗ trợ và liên kết mở rộng vùng nguyên liệu với người dân, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Ngoài ra, các chủ thể cũng chịu khó tìm kiếm, liên kết với các đối tác trong và ngoài tỉnh để xây dựng thị trường tiêu thụ và tạo thương hiệu cho sản phẩm.

152331Lao%20%C4%91%E1%BB%99ng%20l%C3%A0m%20vi%E1%BB%87c%20t%E1%BA%A1i%20C%C3%B4ng%20ty%20TNHH%20Th%E1%BA%A3o%20D%C6%B0%E1%BB%A3c%20T%C3%A2y%20Nguy%C3%AAn.%20

Lao động làm việc tại Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên. Ảnh: Đ.T 

 

Tại huyện Đăk Tô, Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên là một trong những chủ thể sản phẩm OCOP hoạt động hiệu quả. Công ty tham gia Chương trình OCOP từ năm 2019. Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên đã mạnh dạn tiếp cận các gói tín dụng dành cho doanh nghiệp để có nguồn vốn đầu tư xây dựng khu nhà xưởng chế biến nông sản, dược liệu với tổng diện tích sàn 1.200m2; tổ chức hỗ trợ cây giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật cho người dân để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cây dược liệu và cây gia vị có tổng diện tích 150ha; tạo việc làm ổn định cho 12 lao động và việc làm theo thời vụ cho hơn 50 lao động ở địa phương; liên kết với các đối tác để xuất khẩu nông sản và tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở thị trường nước ngoài. Sau gần 5 năm tham gia Chương trình, Công ty có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của Công ty đều mang thương hiệu DATO, thuộc các nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Bà Lương Thị Mỹ Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên cho biết, trong năm 2024, Công ty tiếp tục triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng các sản phẩm OCOP, đăng ký tham gia đánh giá lại các sản phẩm OCOP hết thời hạn và phát triển thêm 4 sản phẩm dịch chiết từ cây dược liệu và cây gia vị để đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Tại thành phố Kon Tum, Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum là doanh nghiệp đi đầu về nuôi chim yến và phát triển các dòng sản phẩm từ tổ yến, như yến chưng, yến tinh chế, nước yến sâm, thực phẩm bổ sung yến dành cho trẻ em. Công ty có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Năm 2021, Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Năm 2022, Công ty có 1 sản phẩm là nước yến sâm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 1 sản phẩm là yến tinh chế đạt danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

152421C%C3%A1c%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20OCOP%20c%E1%BB%A7a%20C%C3%B4ng%20ty%20TNHH%20Y%E1%BA%BFn%20S%C3%A0o%20Kon%20Tum%20hi%E1%BB%87n%20nay%20%C4%91%C3%A3%20c%C3%B3%20m%E1%BA%B7t%20%E1%BB%9F%20th%E1%BB%8B%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20H%E1%BB%93ng%20K%C3%B4ng%20(Trung%20Qu%E1%BB%91c).

Các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum hiện đã có mặt ở thị trường Hồng Kông (Trung Quốc). Ảnh: ĐT 

 

Ông Đặng Xuân Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum cho hay, các sản phẩm OCOP của Công ty đều đang được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Thời gian qua, Công ty xác định mục tiêu đưa các sản phẩm OCOP có mặt tại thị trường nước ngoài nên đã làm việc với các cơ quan liên quan và các đối tác. Đến nay, các sản phẩm OCOP của Công ty đã được bán tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc).

Chương trình OCOP của tỉnh trong thời gian qua còn ghi nhận các chủ thể tiêu biểu khác như: Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng (huyện Đăk Hà) có 1 sản phẩm OCOP 5 sao; Công ty Cổ phần PYLOHERB (huyện Kon Plông) có 25 sản phẩm OCOP 3 sao và 3 sản phẩm OCOP 4 sao; Hợp tác xã Thương mại tổng hợp Trồng và Chế biến dược liệu An Thành (huyện Tu Mơ Rông) có 9 sản phẩm OCOP 3 sao và 3 sản phẩm OCOP 4 sao; Công ty Cổ phần Vingin (thành phố Kon Tum) đang có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, trong đó, có 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 244 sản phẩm OCOP của 104 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 8 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đang đề nghị cấp Trung ương đánh giá và 20 sản phẩm OCOP 4 sao.

Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển được 250 sản phẩm OCOP, trong đó, có ít nhất 10 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao. Để đạt được mục tiêu đề ra, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực, phấn đấu trở thành những điển hình trong sản xuất-kinh doanh, tạo động lực để các chủ thể khác tham gia Chương trình OCOP phát triển được các sản phẩm đạt chất lượng cao, mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.    

Đức Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/nhung-chu-the-ocop-tieu-bieu-42626.html