Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt

5

baokontum.com.vn

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng 312 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (CTCNSHTT). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện có 77 công trình hoạt động bền vững (24,68%), 103 công trình tương đối bền vững (33,01%), 104 công trình kém hiệu quả (33,33%), 28 công trình dừng hoạt động (8,97%).

Đáng chú ý, một số CTCNSHTT do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý đều có hệ thống xử lý nước sạch hoàn chỉnh, công nghệ tương đối hiện đại, công tác kiểm nghiệm chất lượng nước được thực hiện theo quy định.

Tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ triển khai xây dựng các CTCNSHTT là 216,167 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư 195,010 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 21,157 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 70//86 xã được đầu tư xây dựng các CTCNSHTT, đạt tỷ lệ 81,4%. Tổng số hộ được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 85.870 hộ; hộ gia đình sử dụng CTCNSHTT là 28.000 hộ; hộ gia đình sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ là 57.870 hộ, đạt tỷ lệ 91,1%,  trong đó tổng số hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh là 11.136 hộ, đạt tỷ lệ 82,4%.

Điều đáng nói, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 16/86 xã chưa có CTCNSHTT với tổng số hộ chưa được cấp nước hợp vệ sinh là 8.413 hộ, chiếm tỷ lệ 8,9%.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ người dân làng Kon Tun, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: T.N

 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Đó là, một số CTCNSHTT từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) hiện tại đã hư hỏng, xuống cấp, không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả nhưng chưa được xử lý theo quy định của pháp lý về quản lý tài sản công (như công trình tại thôn 4, xã Đăk Pne; thôn 9, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy; các công trình tại thôn Đăk Chờ, Đăk Nu, Đăk No, Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô…).

Kinh phí bảo trì hàng năm không được bố trí hoặc bố trí rất ít, không đủ để duy tu, sửa chữa. Công tác quản lý, bảo vệ CTCNSHTT chưa được quan tâm, môi trường xung quanh công trình, nguồn cấp nước bị ô nhiễm, không đảm bảo nguồn cấp nước cho công trình. Công tác kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước tại các CTCNSHTT do UBND xã quản lý chưa được thực hiện đúng theo quy định; việc kiểm tra chất lượng nước định kỳ chỉ thực hiện đối với các công trình CTCNSHTT do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý…

Người dân xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: TN

 

Để nâng cao hiệu quả sử dụng các CTCNSHTT, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các CTCNSHTT, nhất là các công trình được đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần thực hiện đúng quy định về công tác khảo sát, thiết kế, lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, người dân; đánh giá hiệu quả kinh tế- xã hội, thống nhất lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt đảm bảo quy định.

Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng các CTCNSHTT cần gắn với các công trình thủy lợi, hồ chứa, đảm bảo ổn định nguồn nước cả về số lượng và chất lượng, gắn với khai thác vận hành, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, lập phương án quản lý nhằm nâng cao năng lực của Tổ quản lý- vận hành các CTCNSHTT (đặc biệt là cấp xã) đảm bảo hiệu quả; xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật trong hoạt động quản lý, khai thác và vận hành các CTCNSHTT.

Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xung quanh các CTCNSHTT, bảo vệ tài sản, bảo vệ nguồn nước mặt; tăng cường nạo vét đập đầu mối, đường dẫn nước. Hằng năm bố trí, hỗ trợ kinh phí bảo trì các CTCNSHTT; lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng đấu nối, trang bị bồn chứa nước, đầu tư thêm đường ống dẫn nước từ sau đồng hồ nước đến bồn chứa của mỗi hộ gia đình, tạo điều kiện để người dân sử dụng nước có hiệu quả.          

Thảo Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-su-dung-cac-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-42334.html