Nâng cao hiệu quả giao đất, giao rừng

0

baokontum.com.vn

Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân sống gần rừng, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ, góp phần làm tốt công tác bảo vệ rừng.

Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 780.530,86ha, diện tích có rừng 616.123,37ha (552.287,28ha rừng tự nhiên, 63.836,09ha rừng trồng), độ che phủ rừng là 63,69%. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, thời gian qua, công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện và đã giao 74.868,163ha cho 4.051 hộ gia đình và 166 cộng đồng quản lý, bảo vệ. 

Năm 2024, các đơn vị chủ rừng đã thực hiện khoán bảo vệ rừng tổng cộng 138.869,97 ha cho 8 tổ chức, 312 cộng đồng, 123 nhóm hộ và 22 hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Nhìn chung, việc thực hiện công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, hướng đến mục tiêu chung là rừng phải có chủ thật sự và chủ rừng phải sống được bằng nghề rừng.

152824ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20c%C3%B9ng%20ph%E1%BB%91i%20h%E1%BB%A3p%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20tu%E1%BA%A7n%20tra%20b%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87%20r%E1%BB%ABng

Người dân cùng phối hợp tích cực tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: H.N

 

Cộng đồng thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) nhận khoán quản lý bảo vệ 20 ha rừng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng mà cộng đồng giao khoán, cộng đồng thôn đã phân công lịch tuần tra, trực chốt bảo vệ rừng cụ thể đối với từng hộ gia đình. Được giao trách nhiệm cụ thể, các thành viên trong cộng đồng thôn đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm liền diện tích rừng được giao khoán bảo vệ không để xảy ra tình trạng phát rẫy, vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Ông A Bút (thôn Tu Mơ Rông) cho biết: Là hộ dân trong cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, gia đình ông luôn bố trí thời gian để tuần tra, trực chốt. Nhờ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, gia đình ông không chỉ có thêm nguồn thu nhập từ chế độ nhận khoán mà còn nguồn phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng như sâm Ngọc Linh, sâm dây để phát triển kinh tế gia đình.  

Với những lợi ích mang lại, các cộng đồng dân cư, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã đồng lòng, chủ động trong việc quản lý rừng đối với diện tích rừng được giao, khoán quản lý thông qua các quy ước, hương ước bảo vệ rừng của cộng đồng, các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và với sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.  Nhờ đó giúp giảm áp lực về công tác bảo vệ rừng cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng do các lực lượng này còn quá mỏng so với địa bàn được giao quản lý, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, diện tích và khối lượng), góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

152849giao%20%C4%91%E1%BA%A5t,%20giao%20r%E1%BB%ABng%20cho%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20v%C3%A0%20c%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BB%93ng%20d%C3%A2n%20c%C6%B0%20g%C3%B3p%20ph%E1%BA%A7n%20n%C3%A2ng%20cao%20hi%E1%BB%83u%20qu%E1%BA%A3%20b%E1%BA%A3o%20v%E1%BB%87%20r%E1%BB%ABng

Giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng dân cư góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Ảnh: HN

 

Dù mang lại những hiệu quả hết sức tích cực, tuy nhiên, công tác giao đất, giao rừng vẫn còn những khó khăn. Diện tích rừng tự nhiên còn lại chủ yếu manh mún, da báo, phân bố không liền lô, liền vùng; địa hình hiểm trở, chia cắt, khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ, do vậy quá trình điều tra khảo sát vận động các cộng đồng dân cư nhận đất, nhận rừng để quản lý bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Tiến- Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng (quy hoạch 3 loại rừng vẫn thuộc đất lâm nghiệp). Tuy nhiên, qua rà soát đo đạc thực tế thì loại đất chủ yếu là diện tích đất sản xuất có cây trồng nông nghiệp của nhân dân và đất nghĩa địa nhân dân của các thôn, làng người địa phương nên không đủ cơ sở để giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất. Bên cạnh đó, một số diện tích rừng được giao, khoán bảo vệ vẫn còn để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp. Theo thống kê từ năm 2023 đến nay, trên lâm phần diện tích được giao khoán quản lý bảo vệ cho cộng đồng, hộ gia đình đã xảy ra 16 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với khối lượng 31,634 m3 gỗ, diện tích thiệt hại 7,497ha.

Ông Tiến cho biết, để phát huy hiệu quả công tác giao đất, giao rừng, tạo điều kiện cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư được giao rừng, khoán bảo vệ rừng gắn bó mật thiết với rừng, có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần quản lý bảo vệ rừng tốt hơn; cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, ngành thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn, kiểm tra các cộng đồng thôn và hộ gia đình về công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao; hướng dẫn cộng đồng xây dựng và thực hiện Quy ước bảo vệ rừng của thôn, làng đảm bảo phù hợp giữa luật tục của thôn, làng với các quy định pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế bền vững cho người dân sống gần rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hàng năm, tiến hành kiểm tra, nghiệm thu, chi trả kịp thời, đúng quy định đối với những diện tích rừng giao người dân, cộng đồng dân cư quản lý đủ điều kiện chi trả nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư để giảm bớt các tác động tiêu cực đến rừng.    

Hà Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/nang-cao-hieu-qua-giao-dat-giao-rung-42946.html