Khuyến nông cộng đồng

2

baokontum.com.vn

Nhiệm vụ chính của tổ khuyến nông cộng đồng là gì? Tôi từng hỏi cắc cớ như vậy với chú em là thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà). Và câu trả lời nhận được cũng cắc cớ không kém: Là “ôm laptop, ăn ruộng, ngủ vườn”. Vui, nhưng mà thật!

Bởi xét cho cùng, lực lượng khuyến nông cộng đồng có nhiệm vụ khá nặng nề trong bối cảnh tỉnh ta đang thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Không còn đơn thuần là nhắc bà con lịch thời vụ gieo trồng, hướng dẫn sử dụng giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, mà khuyến nông cộng đồng phải chủ động, tích cực tham gia vào việc hỗ trợ, tư vấn cho nông dân, hợp tác xã (HTX) tổ chức lại sản xuất; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

Bởi vậy, là thành viên tổ khuyến nông cộng đồng, phải có trình độ, kiến thức, hiểu biết nhất định về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp và các chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp.

Đồng thời phải nhiệt tình, có kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt; có thể hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, phải là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

151916Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20tr%E1%BB%93ng%20c%C3%A0%20ph%C3%AA%20%E1%BB%A9ng%20d%E1%BB%A5ng%20c%C3%B4ng%20ngh%E1%BB%87%20v%C3%A0o%20ch%C4%83m%20s%C3%B3c%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20c%C3%A2y%20v%E1%BB%9Bi%20s%E1%BB%B1%20t%C6%B0%20v%E1%BA%A5n%20c%E1%BB%A7a%20t%E1%BB%95%20khuy%E1%BA%BFn%20n%C3%B4ng%20c%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BB%93ng

Người trồng cà phê ứng dụng công nghệ vào chăm sóc vườn cây với sự tư vấn của tổ khuyến nông cộng đồng. Ảnh: H.L

 

Với từng ấy nhiệm vụ, mà muốn làm tốt, thì đúng là các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng không thể không “ôm laptop, ăn ruộng, ngủ vườn”.

Thực tế ở Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) đã chứng minh điều đó. Thành lập vào tháng 8/2022, tuy thành viên ít ỏi, nhưng với tổ trưởng là cán bộ khuyến nông tỉnh, các thành viên đều có kiến thức về nông nghiệp, am hiểu địa bàn, Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar đã đem lại những thay đổi tích cực trong sản xuất cà phê tại địa phương.

Trong đó, việc tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân sản xuất cà phê 4C là một trong những thành quả nổi bật. Cà phê 4C là tên gọi tắt của Chương trình cà phê sản xuất phù hợp với bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê, với các nguyên tắc xã hội, môi trường và kinh tế mà nông dân tham gia phải thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tổ khuyến nông cộng đồng đã hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp mở rộng vùng nguyên liệu cà phê 4C trên địa bàn; tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất cà phê 4C, hỗ trợ các hộ nông dân hoàn thiện hồ sơ 4C theo quy định, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê 4C.

Quá trình sản xuất cà phê 4C đã giúp bà con nông dân tăng 30% lợi nhuận kinh tế. Cùng với đó, sản phẩm cà phê có chứng nhận 4C còn được doanh nghiệp ký kết bao tiêu với giá cao và ổn định để xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.

Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar là 1 trong 2 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập trong khuôn khổ Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022-2025 của Bộ NN&PTNT mà Kon Tum được chọn là 1 trong 13 tỉnh trên cả nước tham gia. Tổ còn lại được thành lập tại xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà).

Tại Tọa đàm “Khuyến nông cộng đồng trong tổ chức sản xuất chuỗi cà phê bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức ngày 23/8/2024, ông Đặng Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá hai tổ đã và đang hoạt động rất tích cực.

Trong đó nổi bật nhất là đã hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn 4C với tổng diện tích 568,1ha; canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ khuyến nông cộng đồng đem lại thay đổi tích cực trong sản xuất cà phê tại địa phương. Ảnh: HL

 

Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho rằng, các tổ khuyến nông cộng đồng đáp ứng yêu cầu của thực tế, kết nối doanh nghiệp với các HTX và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là  hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo hướng bền vững, hiệu quả.

Từ cơ sở triển khai các tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm theo Đề án, đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng, thành lập thêm 72 tổ khuyến nông cộng đồng với 609 thành viên tại các xã, đáp ứng chỉ tiêu “có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” trong Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn tốt dẹp, hoạt động khuyến nông cộng đồng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân số còn hạn chế. Trang thiết bị (máy tính, thiết bị đào tạo), phương tiện đi lại và kinh phí làm việc để tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn thiếu.

Một số thành viên chưa được đào tạo về kiến thức, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và phù hợp với thực tế sản xuất hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Dẫn đến khâu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trong địa bàn được phân công còn chậm. Bằng chứng là diện tích cây trồng đạt hiệu quả từ hoạt động của các tổ khuyến nông vẫn còn khá khiêm tốn.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới, với rất nhiều nhiệm vụ mới, cần xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng sát với tình hình thực tế địa phương.

Kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng, nhất là bố trí kinh phí, cấp trang thiết bị. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho các thành viên về quản lý chất lượng sản phẩm; chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất; liên kết nông dân với các doanh nghiệp, HTX.

Và quan trọng nhất, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng phải thực sự tâm huyết; hướng dẫn từ thực tiễn chứ không phải lý thuyết, dẫn dắt nông dân một cách dài hơi chứ không chỉ là thời vụ, hay ở những hội thảo đầu bờ.

Nghĩa là “ôm laptop, ăn ruộng, ngủ vườn” cũng không nản!

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/khuyen-nong-cong-dong-43646.html