tienphong.vn
TP – Hội nghị kết nối cung cầu 2024 tại TPHCM diễn ra trong 4 ngày, khai mạc sáng 26/9 với sự tham gia của 2.000 doanh nghiệp (DN) đến từ 45 tỉnh, thành phố. Đây là cơ hội để các DN kết nối với thị trường TPHCM và nhờ đó, nhiều đặc sản ngon, lạ từ các địa phương có cơ hội tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng, mở thêm cánh cửa đưa hàng hóa bay xa thông qua các siêu thị, “gian hàng trên mây”…
Hơn 2.000 DN mang đặc sản từ các tỉnh thành đến chào hàng tại TPHCM. Ảnh: U.P
Đưa đặc sản mọi miền lên phố, ra nước ngoài
Bán không ngơi tay các đặc sản Tây Bắc như khô trâu gác bếp, chẩm chéo, măng – miến khô, mắc khén…, bà Lò Thị Sương, chủ hộ kinh doanh Phong Sương (tỉnh Điện Biên), phấn khởi cho biết, lần đầu đưa đặc sản quê đến TPHCM giới thiệu người tiêu dùng và được ủng hộ hơn cả mong đợi. “Trước đây, các sản phẩm này chủ yếu bán trong tỉnh. Thông qua hội nghị kết nối cung cầu tại TPHCM, chúng tôi đưa đặc sản đến chào hàng với các siêu thị, kênh thương mại điện tử với mong muốn sẽ đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại này” – bà Sương nói.
Mời khách dùng thử mứt sâm dây sấy dẻo, bà Trần Thị Hồng Phấn, đại diện Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum), cho biết, đã nhiều lần đưa hàng hóa đến kết nối cung cầu. Qua mỗi lần như thế, DN có thêm nhiều khách hàng; bán được nhiều sản phẩm của đồng bào Xơ Đăng, giúp họ có thêm nguồn sinh kế ổn định. “Chúng tôi kết nối với 400 đồng bào người Xơ Đăng để trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh. Từ sâm được chế biến thành trà, bánh, mứt, sâm khô và sâm tươi…” – bà Phấn nói.
Tự tay nuôi tôm, chế biến tôm khô, bánh phồng tôm, ông Võ Hùng Mạnh, chủ cơ sở Thiên Hương (Bạc Liêu), phấn khởi khi được một số nhà mua hàng đến tìm hiểu sản phẩm, mong muốn hợp tác.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), chia sẻ, chôm chôm Java của HTX Bình Hòa Phước đã được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm canh tác theo mô hình GlobalGap, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. “Từ chương trình kết nối với các địa phương, sản phẩm của HTX không chỉ được phân phối rộng rãi trong nước, mà còn được bạn bè quốc tế tin tưởng, đơn hàng xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, châu Âu… ngày càng tăng” – ông Nhân nói.
Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, tham gia kết nối năm nay, địa phương có 21 doanh nghiệp tham gia, tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Thông qua việc kết nối cầu hàng hóa năm nay, với sự hỗ trợ của TPHCM trong việc livestream (phát trực tiếp) bán hàng, hy vọng sẽ giúp các DN Bình Thuận giới thiệu, quảng bá nông đặc sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng thành phố và cả nước” – ông Tài nói.
Hội nghị kết nối cung cầu năm 2024 diễn ra từ ngày 26 – 29/9 với nhiều hoạt động như: Hội thảo Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM; chương trình kết nối B2B trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Cùng với đó, hàng chục phiên livestream trên các sàn thương mại điện tử với chủ đề “Mega Live hàng Việt – Sản phẩm OCOP tiêu biểu” do người nổi tiếng, Tiktoker quảng bá hơn 200 sản phẩm như yến đảo Cần Giờ, dừa sáp Trà Vinh, mật ong Gia Lai, ba khía đầm dơi Cà Mau, pate cột đèn Hải Phòng…
Đẩy mạnh hậu kết nối
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, sự phát triển của TPHCM luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác; trong đó xây dựng chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất… đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố thông qua hoạt động kết nối cung cầu.
Theo ông Hoan, để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững cũng như để nâng chất các hoạt động kết nối cung cầu, không chỉ dừng lại là kết nối người mua và người bán, mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm không chỉ của nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà còn là trách nhiệm của nhà bán lẻ trong việc định hướng, hỗ trợ sản xuất; trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc giám sát và trách nhiệm của ngành công thương, ngành nông nghiệp trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững.
Ông Hoan đề nghị Sở Công thương TPHCM tiếp tục tập trung giải pháp sau kết nối. Theo đó, những DN có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn phải được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho…, nhất là trong giai đoạn đầu còn nhiều bỡ ngỡ. “Để việc kết nối mang lại hiệu quả lâu dài, cần có nỗ lực rất lớn của các DN, nhà phân phối trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Cần phải hy sinh cái tôi, cái riêng của DN, phải điều chỉnh phương pháp, cách thức để thích nghi. Cần có sự thỏa thuận, cam kết trách nhiệm, kết nối trách nhiệm” – ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị các Sở Công thương và đơn vị chức năng chú trọng phối hợp kiểm tra chất lượng hàng hóa để đảm bảo tiêu chí mà chương trình đặt ra; kết hợp chặt chẽ triển khai kết nối cung cầu với chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường trong nước trước, trong và sau Tết nguyên đán sắp đến. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đẩy mạnh kỹ thuật chế tạo, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu
19/09/2024
Dệt may trong nước khai thác cơ hội vào chuỗi cung ứng toàn cầu
23/09/2024
Uyên Phương
Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/ket-noi-tao-gian-hang-tren-may-post1676872.tpo