Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững

17

baokontum.com.vn

Phát triển nông nghiệp trên cơ sở áp dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững hiện đang được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện.

Theo ông Bùi Thanh Bình- Giám đốc Sở KH&CN, thời gian qua, hoạt động KHCN & ĐMST trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch đã được hình thành; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ.

Đến nay, đã tuyển chọn một số giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp để đưa vào phục vụ sản xuất, như: giống lúa chất lượng cao RVT, HT9; giống mía K95-156, Suphanburi, K88-92, LK92-11; giống cà phê chè TN1, TN2, F5TN1; cà phê RT4 trong tái canh vườn cà phê vối; các giống mì KM98-7, SM2075-18, HN1, HN5; một số cây ăn quả như cam không hạt, mắc ca; cây lâm nghiệp như bạch đàn, thông, giổi ăn hạt.

1627252.%20%E1%BB%A8ng%20d%E1%BB%A5ng%20KHCN%20%C4%91%C3%A3%20g%C3%B3p%20ph%E1%BA%A7n%20t%C4%83ng%20n%C4%83ng%20su%E1%BA%A5t%20c%C3%A2y%20tr%E1%BB%93ng

Ứng dụng KHCN góp phần tăng năng suất cây trồng. Ảnh: Q.T

 

Một số quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, sa nhân, sả Java, cà phê, cao su, mía, lúa, mì… đã được nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Triển khai nghiên cứu, nuôi thử nghiệm thành công một số giống thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế; nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công giống cá niên trên địa bàn huyện Kon Plông; ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm giống cá trắm đen; nuôi thử nghiệm thành công giống cá hô trong lồng trên lòng hồ Sê San, huyện Ia H’Drai.

Trong phát triển dược liệu, đã nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, sản xuất, chế biến, bảo quản sâm củ tươi Ngọc Linh; chiết xuất sâm dây, đông trùng hạ thảo; sản xuất cao sâm dây, cao sâm Ngọc Linh, đương quy để ứng dụng vào sản xuất các loại trà hòa tan, trà túi lọc, nước giải khát lên men, trà ô long sâm Ngọc Linh đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai ứng dụng trong sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng đạt những kết quả nhất định. Đã thực hiện ứng dụng các công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ mô hom trong chọn tạo, sản xuất một số giống cây trồng, cây dược liệu như: sâm Ngọc Linh; đảng sâm, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử, một số hoa; sản xuất meo nấm giống các loại như nấm sò, nấm mối đen, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo; ứng dụng công nghệ sinh học trong sinh sản nhân tạo một số giống thủy sản; triển khai ứng dụng có hiệu quả các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại sâm Ngọc Linh, đảng sâm và các loại cây trồng khác.

162817a

Sản phẩm KHCN & ĐMST từng bước được chuyển giao ứng dụng trong đời sống. Ảnh: QT

 

Ông Bùi Thanh Bình cho hay: “Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu trong thời gian qua đã tác động tích cực vào nhận thức, tập quán canh tác, trình độ sản xuất của người dân, doanh nghiệp; góp phần từng bước phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh, khả năng đầu tư của doanh nghiệp, người dân nên việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách KHCN&ĐMST để phát triển nông nghiệp bền vững còn nhiều khó khăn; số lượng tổ chức KH&CN trong lĩnh vực công nghệ sinh học còn thiếu cả về số lượng tổ chức, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch chưa phát triển, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định nên đã tác động đến người sản xuất trong việc đầu tư ứng dụng KHCN&ĐMST vào sản xuất.

Ông Nguyễn Tấn Liêm- Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài việc ứng dụng KHCN & ĐMST cần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế của từng địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Quốc Tuấn


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/gop-phan-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-42493.html