Giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội

7

baokontum.com.vn

Thấm thoát đã 33 năm thành lập lại tỉnh. Trong 33 năm ấy, kinh tế- xã hội tỉnh ta đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Đóng góp vào đổi thay ấy có sự góp sức tích cực của ngành giao thông. Giao thông đã đi trước, mở đường tạo đà cho thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Ngược dòng thời gian, khi mới chia tách tỉnh, hệ thống giao thông của tỉnh ta gần như con số không. Giao thông ở thế ngõ cụt, chỉ duy nhất một tuyến Quốc lộ 14 nối từ tỉnh Gia Lai lên Kon Tum. Hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã thì chủ yếu là đường đất với chỉ vài trăm kilomet.

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một yếu tố rất quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, nên cùng với sự tranh thủ từ nguồn đầu tư của trung ương, tỉnh ta đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông. Tinh ta đã đặc biệt chú trọng đến việc mở những con đường mới kết nối vùng miền, giảm sự ngăn cách giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

162626qu%E1%BB%91c%20l%E1%BB%99%2024%20%C4%91%C6%B0i%C3%B2ng%20m%E1%BB%9F%20r%E1%BB%99ng%20thu%E1%BA%ADn%20l%E1%BB%A3i%20%C4%91i%20l%E1%BA%A1i

Quốc lộ 24 được mở rộng. Ảnh: H.N 

 

Sau 33 năm nay bền bỉ đầu tư, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh ta đã có nhiều thay đổi tích cực. Nhiều con đường được đầu tư nâng cấp nhựa hóa và bê tông xi măng như  đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40, Quốc lộ 40B, các Tỉnh lộ 671, 675, đường tái định cư thủy điện Plei Krông và nhiều tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn như đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông (kết nối 3 huyện Đăk Glei- Tu Mơ Rông- Kon Plông), đường Đăk Kôi -Đăk Pxi (kết nối giữa huyện Đăk Hà và Kon Rẫy) đã được đầu tư xây dựng, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 6.200 km đường giao thông; trong đó, tuyến Quốc lộ dài 522 km; mạng lưới Tỉnh lộ với chiều dài 525 km; còn lại là đường huyện, đường xã và liên thôn. So với khi tách tỉnh, mạng lưới giao thông đã tăng gấp hàng trăm lần. Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường được cải thiện, mặt đường bê tông xi măng và nhựa tăng từ 30%-70%; mặt đường đất, cấp phối giảm từ 65% -30%; 100% đường trục xã, liên xã được cứng hoá đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đảm bảo giao thông thuận lợi cả 2 mùa cơ bản đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của dân.

Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng sâu vùng xa, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân, đảm bảo kết nối đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.

Điều đáng mừng là hệ thống quốc lộ như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40, Quốc lộ 40B được đầu tư xây dựng không chỉ phá thế ngõ cụt cho giao thông tỉnh ta mà còn mở rộng giao thương với các tỉnh thành trong cả nước. Đơn cử như tuyến dường Hồ Chí Minh đi qua thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei đã tạo sự liên kết giữa các tỉnh thành, hàng hóa lưu thông thuận lợi và từ đó, tạo sức bật mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của những địa phương có tuyến đường đi qua.  Đây chính là điểm tựa để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận, mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn.

162711%C4%91%C6%B0i%C3%B2ng%20HCM%20qua%20huy%E1%BB%87n%20Ng%E1%BB%8Dc%20H%E1%BB%93i

Đường Hồ Chí Minh qua huyện Ngọc Hồi. Ảnh: HN 

 

Không những tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện được đầu tư, mở rộng góp phần gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực thì điều đáng mừng là hệ thống tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) cũng có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây. Các huyện, thành phố đã huy động được sức dân tham gia làm đường GTNT theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với hình thức Nhà nước hỗ trợ vật tư xi măng, nhân dân đóng góp ngày công lao động, hàng nghìn kilômét đường GTNT đã được mở rộng nền, mặt đường, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân. Đến nay, tất cả các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa cơ bản đã đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT và hiện toàn tỉnh đã có 68/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

Thời gian tới, Ngành GTVT tiếp tục chủ động tham mưu triển khai hiệu quả Phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được duyệt tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chinh phủ) một cách đồng bộ, hiện đại; chủ động phối hợp với sở ngành, chính quyền huyện, thành phố rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, xã theo quy hoạch, ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các trục có lưu lượng giao thông lớn, các tuyến đường thuộc khu kinh tế trọng điểm của tỉnh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống của người dân.

Hà Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/giao-thong-gop-phan-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-42336.html