Dự trữ hàng hóa trong mùa mưa bão

6

baokontum.com.vn

05/07/2024 06:02

Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2024, Sở Công thương phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, vận động các doanh nghiệp, đơn vị chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa.

Trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường với nhiều hình thái thiên tai cực đoan (như mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất) xảy ra thường xuyên và có cường độ lớn. Với tỉnh ta, do địa hình dốc và bị chia cắt nên mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài thì các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xảy ra lũ, ngập úng, sạt lở đất cục bộ gây chia cắt, cô lập một số địa bàn dân cư. Vì vậy, việc chủ động dự trữ hàng hóa là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo cung ứng về số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gian lận thương mại, lợi dụng thiên tai để thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó,  Sở Công thương đã làm việc, vận động được 14 doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng phân phối đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa, vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có sự cố thiên tai xảy ra. Hàng hóa dự trữ bao gồm vật liệu xây dựng (tôn lợp,tấm lợp, đinh vít); lương thực, thực phẩm (gạo, mắm, mì ăn liền, nước uống, thực phẩm công nghệ chế biến…), nhiên liệu (xăng, dầu…).

162709C%C3%A1c%20doanh%20nghi%E1%BB%87p,%20nh%C3%A0%20ph%C3%A2n%20ph%E1%BB%91i%20cam%20k%E1%BA%BFt%20%C4%91%E1%BA%A3m%20b%E1%BA%A3o%20%C4%91%E1%BB%A7%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20h%C3%A0ng%20ph%E1%BB%A5c%20v%E1%BB%A5%20nhu%20c%E1%BA%A7u%20c%E1%BB%A7a%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20trong%20c%C3%A1c%20t%C3%ACnh%20hu%E1%BB%91ng%20thi%C3%AAn%20tai

Các doanh nghiệp, nhà phân phối cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu của người dân trong các tình huống thiên tai. Ảnh: T.H 

 

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đầu mối đã chuẩn bị được khoảng 38.556 thùng mì ăn liền, 133 tấn gạo, 9.350 thùng nước uống đóng chai, 185 tấn lương thực thực phẩm khác khoảng; 995.000 lít xăng, 1.260.000 lít dầu diesel, 15.000 lít dầu hỏa, 31.500 m2 tôn lợp, 26.800 m2 tấm lợp.

Trong đó, có một số đơn vị đăng ký dữ trữ lượng hàng hóa tương đối lớn như Siêu thị Co.op Mart  đăng ký dự trữ khoảng 3.200 thùng mì ăn liền, 11 tấn lương thực, 1.800 thùng nước uống đóng chai,  25,2 tấn các loại thực phẩm; Siêu thị Vinmart Kon Tum dự trữ khoảng 1.450 thùng mì ăn liền, 1.050 tấn thùng nước uống đóng chai, 15,45 tấn thực phẩm; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Anh Thi dự trữ 54,44 tấn thực phẩm đóng hộp; Công ty TNHH Hồng Nhung dự trữ khoảng 17.000m2 tôn lợp, 12.500m2, 1,5 tấn đinh vít.

 Hiện nay, các mặt hàng thiết yếu đã được dự trữ tại các kho của các nhà phân phối, cửa hàng và sẵn sàng cung ứng cho người dân trong trường hợp có thiên tai xảy ra. Các đơn vị cũng cam kết giữ ổn định, bình ổn giá, như khuyến mãi, giảm giá cho từng nhóm hàng hóa ở từng thời điểm cụ thể để chủ động hỗ trợ người dân trong thiên tai.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, Sở Công thương hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập úng cho hệ thống kho chứa, chuẩn bị các phương tiện vận chuyển hàng hóa, đáp ứng yêu cầu bảo quản, lưu trữ, cung ứng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với các địa phương khảo sát, xác định những địa bàn trọng điểm, đó là khu vực gần sông, suối, lòng hồ, khu vực xung yếu, tính toán nhu cầu sử dụng các mặt hàng thiết yếu của địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng tình huống giả định để đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn cung ứng hàng hóa phục vụ yêu cầu phòng, chống thiên tai và nhu cầu cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.

Siêu thị Co.op Mart Kon Tum là một trong những đơn vị tham gia dự trữ lượng hàng hóa lớn. Ảnh: T.H

 

Sở Công thương cũng triển khai kế hoạch phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lưu thông, niêm yết giá đến chất lượng hàng hóa. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền, thực phẩm. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường.

Trong phòng, chống thiên tai “4 tại chỗ” là phương châm hàng đầu, vì vậy, để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống, cùng với Sở Công thương, các huyện, thành phố cũng đã hướng dẫn các xã xây dựng kế dự trữ hàng hóa tại chỗ; vận động mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, làng chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng cho thời gian tối thiểu từ 1- 2 tuần lễ, nhất là ở vùng có nguy cơ bị cô lập, chia cắt.

Với sự chủ động của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đến nay, nguồn hàng, kế hoạch vận chuyển đã sẵn sàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu ứng cứu trong thiên tai và khôi phục sản xuất sau bão, lũ. Từ đó, góp phần ổn định thị trường, không gây ra xáo trộn đời sống của người dân.  

Thùy Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/du-tru-hang-hoa-trong-mua-mua-bao-41703.html