“Dắt trâu sắt là đường” kiếm trăm tỷ mỗi năm

71

www.baogiaothong.vn

Anh Luân đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng An (An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội).

Là phẳng đường xuống cấp

Gọi là cỗ máy, nhưng thực ra đó là một dây chuyền tái chế, bao gồm nhiều loại xe, mỗi xe có một chức năng khác nhau như: Xe rải xi măng, rải chất phụ gia kết dính, xe bồn chở nước, trống cào bóc và trộn nghiền bê tông nhựa, xe trải thảm nhựa mặt đường… Tất cả nối đuôi nhau như một đoàn tàu nhỏ, mỗi khi đoàn tàu này đi qua, những đoạn đường lồi lõm, xuống cấp được là phẳng phiu.

“Dắt trâu sắt là đường” kiếm trăm tỷ mỗi năm- Ảnh 1.

Cỗ máy công nghệ Wirtgen được nhập về Việt Nam từ năm 2017, đã duy tu, bảo trì nhiều công trình giao thông.

Trong đó, cỗ máy cào bóc, trải thảm mang thương hiệu Wirtgen của Đức, với công nghệ cào bóc, tái sinh nguội lớp bê tông nhựa tại chỗ bằng bitum bọt (chất kết dính đa năng, còn được gọi là nhựa đường bọt) và xi măng (công nghệ Wirtgen).

Wirtgen có ưu điểm tận dụng tối đa vật liệu cũ, khống chế được cao độ mặt đường, tiết kiệm 20-30% nếu so với duy tu, bảo trì thủ công.

Trước đây, khi chưa có công nghệ, công nhân duy tu, sửa chữa thủ công, cào bóc bỏ đi rất lãng phí. Lớp nhựa bóc lên vứt ra bãi rác, lấp xuống đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Đường bóc chỗ này, xẻ chỗ kia như chiếu vá.

Mỗi lần sửa chữa đường đôn (dầy) lên thêm 5-7cm, nên xảy ra chuyện, có nhà đang cao hơn mặt đường khoảng 30cm, sau mấy lần tu sửa, mặt đường nâng lên, nền nhà lại thấp tụt xuống. Cũng có trường hợp, sau sửa chữa, mặt đường cao hơn vỉa hè, tốn thêm chi phí sửa vỉa hè.

“Wirtgen có thể khắc phục được những hạn chế đó, khống chế được cao độ. Mặt đường hư hỏng dày khoảng 15,5cm, chúng tôi sẽ xử lý, tái chế lại 15cm đó, trải lại khoảng 10cm, thảm thêm 5cm, mặt đường phẳng như cũ, không đội cao. Cách làm này rút ngắn thời gian, công sức duy tu, bảo trì.

Wirtgen chạy mỗi ngày từ 3.000-7.000m2 tùy từng chiều dày đường. Nhưng cũng diện tích đó, nếu làm thủ công phải mất thời gian 2 tháng. Song nó cũng có hạn chế, chỉ áp dụng được những tuyến đường có cốt nền ổn định, không áp dụng được những tuyến đường xuống cấp do cốt nền”, anh Luân cho biết.

Đánh liều bỏ 60 tỷ nhập khẩu máy

Năm 2020, Bộ KH&CN mới có tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 13150-2) về tái chế sâu sử dụng nhựa đường bọt và xi măng. Nhưng cỗ máy công nghệ này đã được anh Luân nhập về từ năm 2017.

“Dắt trâu sắt là đường” kiếm trăm tỷ mỗi năm- Ảnh 2.

Anh Hoàng Quốc Luân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng An.

Ý tưởng nhập công nghệ mới này được anh quyết định sau một chuyến đi Thái Lan. Trên những con đường cao tốc nước bạn, anh thấy cỗ máy đào xới, ngậm vào bụng đầy sỏi đá, nhả ra phía sau những thảm mặt đường mượt mà, thẳng tắp. Đoạn đường vừa sửa chữa, trải thảm hồi sáng, chiều ô tô đã có thể chạy qua rầm rập. Sau khi tìm hiểu, anh đánh liều bỏ ra 60 tỷ để nhập về, bất chấp rủi ro.

Nước đi táo bạo đã giúp doanh nghiệp của anh nhận được vô số những công trình lớn nhỏ trên toàn quốc như một số dự án sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hòa Bình, Kon Tum, tuyến quốc lộ 1 qua Tiền Giang, mang về doanh thu khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, để được giao xử lý những công trình lớn nhỏ đó, anh Luân cũng phải bỏ ra không ít thời gian, chi phí thử nghiệm. Năm 2017, sau khi nhập máy về, anh phải bỏ hơn 30 tỷ đồng để thí điểm trong nước. Hai đoạn đường đầu tiên thí điểm công nghệ mới là hơn 1km đê Yên Phụ (Hà Nội) và đường Lương Sơn (Hòa Bình).

Trong thời gian thí điểm, đến các mốc thời gian 1, 3, 6, 12 tháng, trực tiếp anh ra hiện trường, nơi đang thí điểm để khoan mẫu mang về phòng thí nghiệm bóc tách, ghi chép lại các thông số kỹ thuật. Rồi lại mang số liệu kỹ thuật đó xin ý kiến đánh giá, góp ý của 7-8 giáo sư, chuyên gia đầu ngành về công nghệ giao thông.

Tất cả các dữ liệu đó được tổng hợp để trình Bộ GTVT thẩm định, đưa vào sử dụng. Quá trình thí điểm này đóng vai trò quan trọng để Bộ GTVT ban hành quyết định (Quyết định 2599) tạm thời về thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp tái sinh bê tông nhựa tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng trong kết cấu áo đường ô tô tháng 9/2017.

Đây là cơ sở quan trọng để anh đưa Wirtgen vào hoạt động. Điều này cũng có nghĩa, những doanh nghiệp có công nghệ, máy móc tương đương được đưa vào duy tu, bảo trì đường bộ. Nhưng đến giờ, trên cả nước chỉ có 2 đơn vị là doanh nghiệp của anh Luân và Tập đoàn Trường Thịnh sở hữu giàn máy công nghệ Wirtgen giống nhau.

Công nghệ nhiều ưu điểm

Xong khâu pháp lý, song, quá trình ứng dụng công nghệ Wirtgen vào thực tiễn trong nước cũng gặp vô vàn khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ việc ở Việt Nam thiết kế và kích thước đường không đồng nhất.

“Dắt trâu sắt là đường” kiếm trăm tỷ mỗi năm- Ảnh 3.

Công nghệ cào bóc, tái sinh nguội lớp bê tông nhựa Wirtgen có nhiều ưu điểm, hoàn toàn có thể nâng lên thành tiêu chuẩn Việt Nam.

Đáng nhớ nhất với anh là chuyện triển khai trải thảm 10km đường Nguyễn Hoàng, tuyến tránh của Tam Kỳ, Quảng Nam: “Đoạn đường ngắn, nhưng có đến 3 thiết kế khác nhau. Điều này đòi hỏi phải có 1 thiết kế đồng bộ được cả 3 thiết kế cũ. Khó khăn nữa là kích thước máy Wirtgen cố định 3,2m. Trong khi mặt đường hiện hữu ngang 14m, hai chiều, mỗi bên 7m, máy chạy sửa mỗi bên 2 lượt thì thiếu vì chỉ được 6,4m, 3 lượt lại đòi hỏi phải mở rộng thêm mỗi bên 2m”.

Để giải bài toán trên, anh và công nhân bỏ hơn tháng trời chạy đi chạy lại lấy mẫu nghiên cứu, đếm xe, khoan mẫu, mang về bóc tách, thử nghiệm để xây dựng một thiết kế mới đảm bảo phù hợp, đồng bộ với cả 3 thiết kế cũ.

Riêng phần kích thước đường hẹp, doanh nghiệp chấp nhận bỏ 3 tỷ đồng để mở rộng thêm mỗi bên 2m để làm đường cho máy chạy.

Theo ông Lưu Ngọc Lâm, Phó phòng Thí nghiệm 1, Viện Khoa học công nghệ GTVT, ưu điểm của công nghệ nguội là ít phát sinh khí thải hơn so với các công nghệ nóng. Do tái chế vật liệu cũ mặt đường nên không phải khai thác thêm tài nguyên thiên nhiên nhiều.

Nói riêng về công nghệ cào bóc, tái sinh nguội lớp bê tông nhựa Wirtgen, ông Lâm cho biết công nghệ này có ưu điểm có thể cào bóc, tái sinh bề mặt (tái sinh nông) thay vì phải tái sinh sâu (cả mặt và móng) như công nghệ cũ.

“Các dự án theo dõi làm đúng theo tiêu chuẩn đã được Bộ GTVT ban hành đều cho chất lượng mặt đường tốt, tạo ra một lớp vật liệu tương đối đều, đồng nhất”, ông Lâm nói và ghi nhận vai trò đóng góp của Hoàng An, công nghệ Wirtgen khi xây dựng Quy định tạm thời 2599, lớn hơn là quyết định chính thức (1086) ứng dụng công nghệ này. Tới đây, hoàn toàn có thể nâng lên thành tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo tìm hiểu, hiện nay có nhiều công nghệ được ứng dụng vào duy tu, bảo trì đường bộ, ví dụ như công nghệ tái sinh nguội sử dụng nhũ tương cải tiến của Hall Brothers (Mỹ), công nghệ cào bóc, tái sinh nguội của hãng SaKai (Nhật Bản), tái sinh nguội, sử dụng chất kết dính là bitum bọt + xi măng theo công nghệ của hãng Wirtgen (Đức). Nếu như công nghệ Mỹ cào bóc tái sinh ở độ sâu 20cm, Nhật 25cm, thì Wirtgen có thể cào bóc mặt khoảng 12-13cm, đây cũng là lợi thế của cỗ máy này.


Nguồn bài viết:
https://www.baogiaothong.vn/dat-trau-sat-la-duong-kiem-tram-ty-moi-nam-192240411221106081.htm