Đăk Tô: Phát triển kinh tế vùng DTTS

8

baokontum.com.vn

21/07/2024 06:17

5 năm qua (2019-2024), UBND huyện Đăk Tô triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình MTQG hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng ở huyện.

Ông Sa Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Toàn huyện có trên 50,2% đồng bào DTTS. 5 năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác trong cả giai đoạn và hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, các chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, chú trọng tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đúng quy trình, công khai dân chủ, kịp thời, đúng và không bỏ sót đối tượng, đem lại hiệu quả cao.

1634141,%20Anh%20A%20G%E1%BB%9Bt%20%E1%BB%9F%20th%C3%B4n%20%C4%90%C4%83k%20Ri%20Peng%20II%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20tr%E1%BB%93ng%20c%C3%A2y%20c%C3%A0%20ph%C3%AA

Anh A Gớt ở thôn Đăk Ri Peng II phát triển cây cà phê. Ảnh: TVP

 

Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, bằng nguồn vốn của các chương trình MTQG hỗ trợ trên 360 tỷ đồng, UBND huyện xây dựng trên 250 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS. Đến nay, 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa; các tuyến đường trục thôn, đường đi khu sản xuất, liên thôn được kiên cố hóa, cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 5 điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển KT-XH, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 1 thôn đạt chuẩn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

Bằng nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND huyện xây dựng 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nghề cho 20 hộ DTTS, đầu tư bố trí ổn định tại chỗ cho 797 hộ đồng bào DTTS, xây dựng trên 110 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào DTTS.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện thường xuyên quan tâm, kịp thời hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần người có uy tín khi ốm đau, các dịp lễ tết. Thường xuyên cung cấp các ấn phẩm báo, tạp chí để kịp thời thông tin cần thiết về tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Đến nay, toàn huyện có 62 người có uy tín được UBND tỉnh công nhận và được chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi 575,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 149 lượt người tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức và chọn 17 người đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh trong nước.

Vợ chồng anh A Đam ở thôn Kon Tu Peng, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô được hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản. Ảnh: T.V.P

 

Nhờ đó, 5 năm qua, kinh tế- xã hội huyện phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 920 tỉ đồng, tăng 8,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 970 tỉ đồng, tăng 7,8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 608 tỉ đồng, tăng 129,3%. Ước tính đến tháng 5/2024, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn huyện đạt 42,25 triệu đồng/người/năm, tăng 5,31 triệu đồng so với cuối năm 2022. Tính đến đầu năm nay, toàn huyện chỉ còn 1.085 hộ DTTS nghèo, chiếm 15,60% và 717 hộ DTTS cận nghèo, chiếm 10,94% so với tổng số hộ DTTS toàn huyện.

Để tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào DTTS, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực sản xuất, chăn nuôi, sử dụng giống mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và tiềm năng huyện; đa dạng hóa các ngành nghề, phát triển công nghiệp chế biến để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, đặc biệt nghiêm cấm việc huy động quá sức dân.

Ông Sa Phương nhấn mạnh: Huyện tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản ở khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống; tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép, thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, người có uy tín vùng đồng bào DTTS để giúp dân phát triển kinh tế, giữ vững khối đại đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thực hiện nhất quán quan điểm “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” để xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.       

Trần Văn Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dak-to-phat-trien-kinh-te-vung-dtts-41818.html