baokontum.com.vn
Kinh tế vườn hộ là một bộ phận của kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp. Hiểu rõ tầm quan trọng đó, hơn 2 năm qua, huyện Đăk Hà chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2022, huyện Đăk Hà tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng khai thác, sử dụng đất vườn của người dân. Theo thống kê, toàn huyện có 324,76 ha đất vườn của 18.106 hộ gia đình. Tại thời điểm năm 2022, địa phương có trên 234,27ha đất vườn đã được sử dụng hiệu quả; còn 90,4 ha chưa được sử dụng có hiệu quả, tập trung chủ yếu ở các xã khó khăn và vùng đồng bào DTTS.
Ngày 26/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đăk Hà ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 90% số vườn được cải tạo và mang lại hiệu quả kinh tế. Quan điểm của huyện là cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ phải được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tinh thần “dễ làm trước, khó làm sau” và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Người dân huyện Đăk Hà tích cực chỉnh trang, cải tạo vườn hộ. Ảnh: T.H
Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà tập trung tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn người dân triển khai cải tạo, phát triển kinh tế vườn gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân, hộ gia đình trong thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Phòng phối hợp với các địa phương trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sắp xếp, bố trí cấu trúc lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với quy mô vườn của từng hộ, đặc trưng của từng vùng gắn với việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, đưa các cây, con giống tốt có năng suất cao vào sản xuất như rau, củ, quả, nấm, cây dược liệu và canh tác; phát triển chăn nuôi heo, dê, gia cầm, thủy sản ở những nơi có điều kiện. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân có điều kiện cải tạo vườn tạp.
Các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng đã vào cuộc, triển khai xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập, làm theo. Cụ thể như mô hình “Mỗi gia đình hội viên phụ nữ có một vườn rau xanh”, mô hình trồng cỏ nuôi bò gắn với chăn nuôi có chuồng trại, câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế…
Tại xã Đăk Long, theo rà soát, toàn xã có 630 hộ có đất vườn liền kề nhà ở với khoảng 69,7ha. Thực hiện Nghị quyết 07- NQ/HU, từ năm 2022 đến nay, Đảng ủy, UBND xã cùng với các tổ chức đoàn thể tích cực vận động, hướng dẫn người dân thực hiện cải tạo, chỉnh trang vườn hộ, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cải tạo vườn tạp góp phần tạo ra hàng hóa nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Ảnh: TH
Ông Hoàng Công Ái- Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết: Trước đây, vườn đất của nhiều gia đình thường bị bỏ hoang, bố trí cây trồng không hợp lý theo kiểu thích gì trồng nấy nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Hơn 2 năm qua, với sự tuyên truyền, giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong xã, người dân đã từng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động bố trí lại sản xuất, đưa các loại cây ăn quả như chôm chôm, mít, sầu riêng, mắc ca vào trồng; làm chuồng trại, đầu tư mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Đến nay, toàn xã Đăk Long đã có 350 hộ cải tạo được 43,98ha đất vườn của gia đình. Trong đó, có 222 hộ tự đầu tư cải tạo được 17,367ha đất vườn; 128 hộ điều kiện kinh tế khó khăn được hỗ trợ giống cây giống từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 để cải tạo 29,98ha đất vườn. Bên cạnh đó, 450 hộ dân thực hiện chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, làm chuồng trại chăn nuôi.
Theo ông Ngô Hồng Hưng, khoảng 90% diện tích vườn tạp của người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà trước đây chưa mang lại hiệu quả kinh tế, thì đến nay, sau khi thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho hộ gia đình.
Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ là hướng đi phù hợp trong khai thác, phát huy tiềm năng đất đai, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Thiên Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dak-ha-tich-cuc-cai-tao-vuon-tap-phat-trien-kinh-te-vuon-ho-43718.html