vnexpress.net
Sau chỉ đạo của Thủ tướng và loạt biện pháp từ cơ quan thuế, số cây xăng xuất hóa đơn điện tử từng lần đã tăng gần 6 lần, lên hơn 14.700 cửa hàng.
Tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 3, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử từng lần và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng này, kéo dài 3 tháng so với chỉ đạo cuối năm ngoái.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, các doanh nghiệp không thực hiện đúng hạn lần này sẽ bị xử lý, chế tài nặng nhất là tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Nhân viên cây xăng Petrolimex trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM bơm xăng cho khách. Ảnh: Thành Lộc
Đến ngày 24/3, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy 14.700 cây xăng, chiếm khoảng 92% và tăng khoảng 5,6 lần so với thời điểm ban đầu triển khai. Như vậy, chỉ còn hơn 1.250 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 7,8%.
Trong đó, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Trị, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk, An Giang, Bến Tre, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Trà Vinh là các địa phương đã hoàn thành 100%. Chỉ có 5 địa phương gồm Bắc Kạn, Kon Tum, Kiên Giang, Lâm Đồng, Cao Bằng có tiến độ dưới 70%.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp để các cửa hàng xăng dầu thực hiện việc này trong tháng 12/2023. Nhưng tới lúc đó, chỉ 2.700 cửa hàng triển khai, chủ yếu của Petrolimex và Saigon Petro.
Theo Tổng cục Thuế, việc các doanh nghiệp xăng dầu xuất hoá đơn điện tử từng lần sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát việc phát hành hoá đơn bán lẻ, ngăn chặn gian lận, hạn chế buôn lậu xăng dầu. Việc này cũng đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch với các ngành nghề khác, tăng thu ngân sách Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp phản ánh gặp vướng liên quan tới các vấn đề kỹ thuật như lựa chọn công nghệ, kiểm định cột bơm. Ngoài ra, chi phí 40-60 đồng một hóa đơn khi xuất ra cũng là áp lực tài chính cho doanh nghiệp khi triển khai. Chưa kể, doanh nghiệp lo phải chịu các chi phí đường truyền kết nối, chi phí thanh toán nếu người tiêu dùng sử dụng thẻ, chi phí phần mềm bán hàng, quản lý xăng dầu…
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đầu mối cho rằng triển khai hoá đơn điện tử từng lần giúp họ đẩy nhanh đổi mới quản trị, kiểm soát, kiểm tra dữ liệu minh bạch, nhanh chóng. Với khách hàng không kinh doanh, không có nhu cầu lấy hoá đơn điện tử, hệ thống của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành, lưu trữ hoá đơn dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu từng mặt hàng bán trong ngày.
Cùng với xăng dầu, hầu hết cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay tiệm thuốc tân dược… đều đã xuất hoá đơn điện tử từng lần. Việc này giúp khách hàng có thể kiểm soát được hàng hoá đã mua.
Phương Dung
Nguồn bài viết:
https://vnexpress.net/da-co-hon-14-700-cay-xang-xuat-hoa-don-dien-tu-tung-lan-4726514.html