Chuyện mùa hái cà phê

4

baokontum.com.vn

Thời điểm này đã vào vụ thu hoạch cà phê ở huyện Đăk Hà, những người lao động từ khắp các địa phương lại đổ về đây để kiếm thêm thu nhập. Ai nấy đều nhanh chân mong sớm có việc làm, bởi vụ mùa thu hoạch chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng.

Vào mùa thu hoạch cà phê, những con đường chạy dọc các xã đến thôn, trong xóm và trong các rẫy cà phê lúc nào cũng đông người, các con đường như nhỏ hẹp lại so với ngày thường bởi lượng người và xe cộ qua lại đông đúc, nhộn nhịp hơn hẳn. Vào mùa, trong những vườn cà phê lúc nào cũng râm ran tiếng cười nói, rào rào âm thanh của những quả cà phê rơi xuống bạt, những bàn tay thoăn thoắt trên những chùm quả chín mọng đỏ giữa mùa gió khô se sắt.

Người hái cà phê thuê nhiều năm trở lại đây đã gia tăng số lượng đáng kể, tính chất công việc không yêu cầu quá cao nên những người đi hái lần đầu chỉ cần nhìn những người đã từng đi hái cà phê chỉ dẫn một, hai lần là có thể làm được.

Anh Nguyễn Văn Lý (tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà) cho biết: “Người hái cà phê thuê phải hái đạt sản lượng từ 2 tạ trở lên một ngày. Không chỉ hái nhanh và sạch quả trên cành, tránh rơi vãi mà còn hạn chế tối đa việc tuốt nhiều lá xanh hoặc làm gãy cành để cây cà phê không bị kiệt sức ở mùa sau dẫn tới thất thu”.

1622192

Người hái cà phê luôn chăm chỉ miệt mài để có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Q.T

 

Thông thường những chủ vườn và người hái cà phê thuê chỉ thoả thuận miệng với nhau, khi hai bên đã tin tưởng nhau thực hiện đúng những điều đã thỏa thuận và có một tình cảm nhất định thì cứ vào vụ thu hoạch cà phê, khi chủ vườn điện thoại là người lao động thu xếp công việc gia đình để đi làm.

Bên cạnh đó, nhiều người lên hái cà phê mà chưa có địa chỉ cụ thể cũng khá khó khăn trong tìm việc. Đặt chiếc ba lô bên vệ đường, vợ chồng anh Đinh Văn Hà (ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) lo lắng ngồi nhìn dòng người ngược xuôi mà không biết bao giờ mới có người đến đón. Hai vợ chồng lên Đăk Hà từ sáng và đang chờ người bạn ra đón về nơi làm.

Anh tâm sự: “Trong xã em ở bây giờ hầu hết đều đã lên các tỉnh Tây Nguyên để tìm việc. Năm ngoái, ở thôn em chỉ có hai vợ chồng lên đây, thấy làm được nên năm nay mọi người rủ nhau lên hái cà phê trong lúc nông nhàn”.

Mấy năm trở lại đây, vì cần một lượng nhân công nhất định cho vụ mùa nên nhiều chủ vườn đã tìm đến người môi giới để thỏa thuận về số lượng lao động cần thuê và giá cả, chính vì thế đã hình thành những chợ lao động tự phát.

1622521.%20Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng%20%E1%BB%9F%20nhi%E1%BB%81u%20n%C6%A1i%20%C4%91%E1%BB%95%20v%E1%BB%81%20t%C3%ACm%20vi%E1%BB%87c%20trong%20m%C3%B9a%20thu%20h%C3%A1i%20c%C3%A0%20ph%C3%AA%20%E1%BB%9F%20%C4%90%C4%83k%20H%C3%A0

Người lao động ở nhiều nơi đổ về tìm việc trong mùa thu hái cà phê ở Đăk Hà. Ảnh: QT

 

Mỗi vụ mùa, chủ vườn có thể thuê tới 10-20 nhân công tùy vào diện tích cần thu hái. Họ chăm lo đến chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của người làm để nhân công của mình dồn sức thu hoạch cho nhanh. Có khi cả chủ và người làm cùng chung một bạt hái, cùng quan tâm nhau về gia đình, về quê hương bản quán và cuộc sống khó khăn hiện tại.

Ông Đinh Văn Thới (thôn 8, xã Ngọc Wang) cho biết: “Tôi cũng là người ở tỉnh khác vào đây làm kinh tế nhiều năm trước nên cũng hiểu cuộc sống khó khăn của những người phải đi làm thuê xa, việc giúp đỡ nhau trong công việc, hay quan tâm tới đời sống của nhân công cũng là điều bình thường. Mình có đối xử tốt với người làm thuê thì họ mới hết lòng với mình”.

Thu nhập trung bình của người hái cà phê thuê dao động từ 200-300 ngàn đồng/ngày, tùy vào khu vực, số tiền ấy sẽ để lo cho con cái, gia đình và cái tết sắp tới. Những giờ nghỉ ngơi, người lao động lại quây quần bên nhau, hỏi han nhau về gia đình, chia sẻ những câu chuyện vui để quên đi một ngày làm việc vất vả, cùng mơ ước tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Quốc Tuấn


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/chuyen-mua-hai-ca-phe-43992.html