baokontum.com.vn
28/03/2024 06:25
Thời gian qua, nhờ các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực người dân trên địa bàn tỉnh trong trồng trọt và chăn nuôi nên các dịch bệnh phát sinh trên các loại cây trồng, đàn vật nuôi đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Qua đó, góp phần đảm bảo ổn định sản xuất, giảm thiểu những thiệt hại cho người dân.
Vụ Đông-Xuân 2023-2024, xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) gieo trồng 101,96ha lúa, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, như ST25, Hương Châu 6, RVT, Đài Thơm 8. Trong quá trình canh tác lúa vụ Đông-Xuân, thông qua khuyến cáo và hướng dẫn của chính quyền địa phương và kinh nghiệm đúc kết được từ những năm trước, người dân trên địa bàn xã đã chú trọng hơn trong khâu chăm sóc cho cây lúa, thực hiện bón phân đầy đủ, tưới tiêu nước hợp lý, trừ cỏ dại an toàn và chủ động phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại thường xuất hiện trên cây lúa. Từ đó đảm bảo các điều kiện về dinh dưỡng và môi trường để cây lúa sinh trưởng, phát triển ổn định.
Vụ Đông-Xuân 2023-2024, gia đình ông Nguyễn Văn Minh, trú tại thôn Nhơn An (xã Sa Nhơn) gieo trồng hơn 6.000m2 lúa sử dụng các giống Hương Châu 6, ST25 và Đài Thơm 8. Ông Minh cho biết: Từ khi bắt đầu trồng lúa vụ Đông- Xuân đến nay, gia đình tôi đã thực hiện phun thuốc 3 lần cho ruộng lúa của mình để phòng trừ sâu, bệnh hại. Hiện tại, ruộng lúa của gia đình tôi đang bước vào giai đoạn chuẩn bị làm đòng. Trong giai đoạn này, cây lúa thường xuất hiện bệnh đạo ôn, do vậy, tôi đang chuẩn bị phun thuốc cho ruộng lúa để phòng trừ loại bệnh này.
Người dân thôn Nhơn An phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa. Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Tấn Phát- Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho biết, hiện nay, các diện tích trồng lúa vụ Đông-Xuân trên địa bàn xã Sa Nhơn đều đang bước vào giai đoạn chuẩn bị làm đòng và đây là giai đoạn sinh trưởng rất quan trọng của cây lúa, quyết định đến năng suất của cả vụ lúa. Chính vì vậy, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với hội nông dân xã và cán bộ ở các thôn vận động người dân thường xuyên thăm ruộng lúa, tập trung chăm sóc để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây lúa và tiến hành phun thuốc sớm để phòng trừ các loại sâu, bệnh hại.
Tại xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum), vào ngày 23/2/2024, qua tin báo từ người dân ở thôn Kon Jơ Dri, cán bộ thú y của xã đã đến thôn, tiến hành kiểm tra và phát hiện 14/26 con bò của 4 hộ dân trong thôn có biểu hiện bỏ ăn, lở loét ở vành và kẽ móng chân, miệng lở loét chảy nước bọt, nghi mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM).
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum đã nhanh chóng phối hợp với UBND xã tiếp cận ổ dịch, tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc các chuồng nuôi bò và khu vực lân cận hàng ngày, rà soát toàn bộ gia súc trên địa bàn xã Đăk Rơ Wa để triển khai tiêm phòng chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân có bò mắc bệnh LMLM triển khai dọn dẹp vệ sinh chuồng nuôi và cách ly, nuôi dưỡng, điều trị cho những con bò mắc bệnh LMLM.
Bà Trần Thị Thúy- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết, với tinh thần khẩn trương trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, đến nay, trên địa bàn xã Đăk Rơ Wa không phát sinh gia súc mắc các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lực lượng thú y đã tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch LMLM ở thôn Kon Jơ Dri được 1.500 liều vắc xin và khử trùng tiêu độc ổ dịch với 10 lít hóa chất. Đối với 14 con bò mắc bệnh LMLM, toàn bộ số bò này đã được điều trị khỏi bệnh.
Người dân thôn Kon Jơ Dri cách ly những con bò mắc bệnh lở mồm long móng để tập trung chăm sóc, điều trị. Ảnh: ĐT
“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum đang tiếp tục phối hợp với UBND xã Đăk Rơ Wa vận động người dân trên địa bàn xã tăng cường chăm sóc cho đàn gia súc và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; trong đó, trọng tâm là tham gia phối hợp với cán bộ thú y để tổ chức tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc”- bà Trần Thị Thúy cho hay.
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn chuyển mùa với đặc điểm hanh khô đã gây ra những tác động tiêu cực đến sức đề kháng của các diện tích cây trồng, đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh vật gây hại, mầm bệnh tấn công và gây bệnh.
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đến thời điểm này, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024”. Song song với đó, các địa phương tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình phát triển chăn nuôi và giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện các loài sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng và chuột gây hại ở các diện tích trồng cây dược liệu. Do vậy, để bảo vệ và đảm bảo năng suất, chất lượng cho các diện tích cây trồng, người dân nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thường xuyên theo dõi, kiểm tra cây trồng để kịp thời phát hiện sâu, bệnh hại và triển khai các phương án phòng, trừ hiệu quả.
Đức Thành
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi-40016.html