Chàng trai K’ho nâng tầm thổ cẩm Tây Nguyên

30

cand.com.vn

Cái tên KJona đậm chất dân tộc K’ho ở Lâm Đồng được in trang trọng trong thư mời của “Dalat Street Fashion Show” – một chương trình biểu diễn thời trang đường phố, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển khiến nhiều người phải chú ý. Càng gây tò mò hơn khi trọng tâm của chương trình nghệ thuật này là giới thiệu tới công chúng Đà Lạt và du khách gần xa bộ sưu tập thời trang mang tên Bơkau Lang Labiang (Hoa Lang Biang) của nhà thiết kế KJona.

Thực tế, các chàng trai, cô gái người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thành công và nổi tiếng trên các lĩnh vực không ít. Thế nhưng, để làm nên tên tuổi như KJona trong lĩnh vực thiết kế thời trang lại là chuyện vô cùng hiếm. Bởi thế, buổi ra mắt bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang của chàng trai người K’ho vào giữa tháng 1/2024 đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Hàng trăm người dự khán “Dalat Street Fashion Show” đã thực sự sửng sốt trước 48 bộ trang phục nằm trong bộ Bơkau Lang Labiang do chính KJona thiết kế. Bộ sưu tập đem đến một cái nhìn mới về trang phục của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được đường nét mộc mạc đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt. Sự kết hợp giữa thổ cẩm truyền thống của người K’ho, Châu Mạ, Churu, Êđê, Bana… với tơ lụa đã tạo ra những bộ trang phục mềm mại, hiện đại, nổi bật, màu sắc trẻ trung, ấn tượng và gần gũi.

Chàng trai K’ho nâng tầm thổ cẩm Tây Nguyên -0
Các thiết kế thời trang của KJona dựa trên chất liệu thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Với KJona, việc ra mắt bộ sưu tập Bơkau Lang Labiang, anh mong muốn truyền tải thông điệp đẹp mộc mạc của người con gái trên cao nguyên Langbiang từ xưa đến nay qua thời trang nhí, thời trang công sở, dạo phố, dạ hội…

Năm 2011, tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, KJona sang Malaysia làm trợ lý cho nhà thiết kế Ridzuan Bohari tại Kuala Lumpur với mức lương khá cao. Đây cũng chính là quãng thời gian để chàng trai người K’ho học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm thiết kế thời trang ở một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp. Sinh sống và làm việc ở nước bạn, KJona đặc biệt quan tâm tới chất liệu vải song kiệt (loại vải truyền thống của người Malaysia) bởi nó rất giống với chất liệu thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên quê hương anh.

Với người Malaysia, trong các sự kiện quan trọng, phụ nữ thường mặc loại trang phục được làm từ chất liệu vải song kiệt có dệt chỉ vàng trên áo, trông rất sang trọng, tôn thêm nét đẹp quý phái của người phụ nữ. Điều này khiến cho người con của Tây Nguyên sống ở đất khách chợt đặt ra câu hỏi: Tại sao không kết hợp thổ cẩm của dân tộc mình với các loại tơ lụa hiện đại? Câu hỏi đó đã trở thành mục tiêu, lý tưởng thôi thúc KJona hướng tới.

Sau gần 10 năm làm việc tại Malaysia, anh trở về quê nhà và lựa chọn Đà Lạt làm nơi lập nghiệp với nghề thiết kế thời trang. Để có chi phí xây dựng ước mơ, KJona mở shop chuyên kinh doanh và cho thuê áo cưới. Các bộ trang phục nam nữ ở cửa hàng do KJona làm chủ đều do chính tay anh thiết kế, đó là những bộ váy cưới, áo vest, đầm, áo dài… Tất cả là sự kết hợp hài hòa giữa thổ cẩm với chất liệu tơ lụa mềm mại, điểm nhấn nổi bật là các đường nét tinh tế được làm từ chất liệu thổ cẩm truyền thống. KJona cho biết, trang phục truyền thống của người Tây Nguyên thường khá đơn giản, chỉ có chân váy và áo cổ tròn, hai màu chủ đạo là trắng và đen. Nếu mặc nguyên bộ thổ cẩm trông rất nặng nề, khô cứng và không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay, vốn xã hội đã có nhiều thay đổi gắn liền với sự giao thoa của các nền văn hóa, trong đó có trang phục hằng ngày.

Để tạo điểm nhấn cho những bộ váy cưới, đầm, áo dài… KJona phối hợp những họa tiết thổ cẩm với các loại chất liệu khác như vải cotton, vải lưới, vải voan, nhung… Cách phối hợp này tạo ra sự hài hòa, mềm mại và hiện đại. Những thiết kế của KJona toát lên vẻ đẹp trẻ trung, tôn thêm hình dáng thẩm mĩ cho người mặc. Người xem cũng dễ dàng nhận ra dấu ấn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trên từng sản phẩm thời trang do anh thiết kế.

Để nâng tầm các thiết kế thời trang, những năm qua, KJona đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tiếp thu các loại thổ cẩm mang nét đặc trưng của từng dân tộc thiểu số. Không chỉ ở Lâm Đồng, anh qua Gia Lai, lên Kon Tum, vòng về Đăk Lắk, sang Đăk Nông… gặp gỡ, tìm hiểu, ghi ghép, chụp hình, đặt mua các loại thổ cẩm… để phục vụ cho việc thiết kế thời trang. Đến nay, những chiếc váy cưới, áo dài do KJona thiết kế đã được sử dụng, trình diễn trong những dịp lễ hội lớn của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Điều đặc biệt, không chỉ con em người dân tộc thiểu số tìm tới các thiết kế thời trang của KJona, những đôi bạn trẻ người Kinh hay du khách nước ngoài, trong những sự kiện quan trọng, nhất là lễ cưới, hỏi, hội nghị… cũng đã lựa chọn trang phục do chàng trai người K’ho thiết kế để tôn thêm vẻ đẹp cơ thể trẻ trung, hiện đại của mình.


Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/chang-trai-kho-nang-tam-tho-cam-tay-nguyen-i720760/