Cây ươi “bay”

31

baokontum.com.vn

08/04/2024 06:17

Đến hẹn lại lên, 4 năm một lần cây ươi ra trái thì người dân ở nhiều nơi đổ xô vào rừng hái ươi. Để hái được nhiều ươi, nhiều người không ngần ngại chặt hạ cây không thương tiếc.

Hơn một tháng nay, đã có hàng ngàn lượt người dân ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ồ ạt kéo nhau vào rừng ở huyện Sa Thầy và huyện Ia H’Drai để hái trái ươi bán cho các thương lái. Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 3 – 4 ngày, hái được từ 20 – 60 kg ươi. Với giá thu mua ngay tại bìa rừng dao động từ 120 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/kg (tùy theo từng loại ươi) thì những người đi hái ươi mỗi ngày kiếm cũng được cả triệu đồng. Chính vì trái ươi có giá trị kinh tế cao, nên mỗi ngày có rất nhiều người ở các xã trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và một số địa phương khác đã cơm đùm, cơm nắm kéo nhau vào rừng hái rầm rộ. Vì trái ươi có giá trị kinh tế cao nên nhiều người không chỉ nhặt ươi bay mà còn tận thu bằng cách chặt hạ luôn cả cây ươi để hái cả trái còn xanh, đem về phơi khô bán hoặc bán quả còn xanh cho các thương lái.

Anh Nguyễn Văn T. ở xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) – một người có thâm niên chuyên đi hái ươi nhiều chục năm cho biết: Cứ theo chu kỳ 4 năm cây ươi sẽ cho ra quả một lần, so với các chu kỳ trước thì năm nay giá ươi cao nhất và cũng được cho là trúng mùa nhất. Mùa ươi năm nay, mặc dù mới vào mùa chưa lâu nhưng những thời điểm giá ươi lên trên 500 ngàn đồng/kg nên mỗi ngày những người đi hái ươi cũng kiếm được vài triệu đồng. Do giá ươi năm nay quá cao nên người đi hái ươi trong xã và các địa phương lân cận đổ xô vào rừng khá nhiều nên sợ thu nhập cũng sẽ ảnh hưởng nhiều người sẵn sàng chặt hạ cây ươi để hái trái. 

170702%C6%AF%C6%A0i%20(2)

 

170715%C6%AF%C6%A0i%20(1)

Chưa vào chính vụ nhưng cây ươi đã “bay” không ít. Ảnh: B.C

 

Cũng như anh T., gia đình ông A Bănh ở xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) quanh năm chỉ sống dựa vào hơn 1ha đất trồng mì và chuyên sống bằng nghề làm thuê, năm nay nhờ đi hái ươi nên thu nhập gia đình cũng khấm khá hơn. A Bănh cho biết: Vợ chồng anh có 4 người con, từ lúc ươi vào mùa, 3 đứa con nhỏ cho ở nhà, đứa lớn 16 tuổi phải theo vợ chồng anh vào rừng để hái ươi. Mỗi lần đi vào rừng hái ươi thường kéo dài từ 3 – 4 ngày, từ đầu mùa ươi đến giờ gia đình chỉ mới đi hái được 2 đợt. Do gặp những cây ươi trái còn non nhiều, các thương lái mua giá không cao nhưng 2 chuyến đi bán, gia đình cũng được hơn 9 triệu đồng. Tuy đi hái ươi kiếm được nhiều tiền hơn đi làm thuê nhưng rất vất vả và nguy hiểm. Vì số lượng người đi hái ươi nhiều nên phải lội bộ vào tận trong rừng sâu ở xã Mo Ray để tìm ươi, khi phát hiện cây ươi sau khi nhặt ươi bay xong rồi chặt hạ luôn cả cây để dễ hái, mỗi cây thường hái được từ 10 – 30 kg. Sau khi hái xong, chỉ cần mang ra bìa rừng là có thương lái hỏi mua, nhưng giá mua trong rừng sẽ không cao bằng khi mình chở về nhà. Mặc dù không “trúng đậm” như nhiều nhóm khác, nhưng gia đình A Bănh cũng rất phấn khởi vì cũng có thu nhập cao hơn đi làm thuê nhờ vào rừng hái ươi.

Khi chúng tôi hỏi mua ươi bay một thương lái chuyên thu mua ươi với số lượng lớn hàng chục năm nay ở thôn 5, thị trấn Sa Thầy cho biết: Nay ươi bay hiếm lắm chú ơi! Mới vào đầu mùa ươi bay chưa được bao nhiêu mà cây ươi đã “bay” gần hết rồi nên mấy ngày nay tôi mua toàn ươi xanh, ươi xẻ. Như mọi năm trước thời điểm này đã là sắp hết mùa ươi, nhưng năm nay do mưa muộn quá nên ươi vẫn chưa già lắm mà người dân đã đổ xô vào chặt hạ để hái rồi nên ươi bay khan hiếm lắm. Mỗi ký ươi bay hiện tại cũng đã gần 600 ngàn đồng rồi mà không có để cân bán cho bạn hàng.

 Do giá trị kinh tế cao, lại dễ tiêu thụ, nên hiện nay không chỉ có người dân ở các huyện có rừng mà ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh cũng đem theo cưa lốc đổ xô vào rừng để tìm ươi.

Ươi là một loại cây rừng thân gỗ có đường kính gốc có khi lên đến trên 1m, chiều cao từ 20m – 40m và trên 15 tuổi mới có trái. Mặc dù ươi có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều người dân cải thiện cuộc sống, nhưng mỗi ngày có rất nhiều người đổ xô vào rừng khai thác ươi theo kiểu tận diệt đã đến mức báo động. Mặc dù ngành kiểm lâm các địa phương đã phối hợp với bộ đội biên phòng và các chủ rừng vào cuộc tuyên truyền, ngăn chặn nhưng do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên không ngăn nổi dòng người vào rừng tìm ươi.

Bảo Châu


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/cay-uoi-bay-40175.html