Phát triển du lịch văn hóa làng nghề ở Kon Tum cần sự đồng thuận từ nhiều phía

552

 

3.7.23

Một ngôi nhà tại làng Kon K’Tu được tài trợ từ một dự án nước ngoài để phát triển làng nghề truyền thống nhưng thường xuyên vắng bóng người.

 

Được biết thời gian trước ở Kon Tum cũng có một vài đề án thí điểm hỗ trợ, khuyến khích người dân địa phương khôi phục một số làng nghề truyền thống để phục vụ du khách, nâng cao đời sống cộng đồng như: Dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia, làng Kon Klor; đan lát đồ thủ công mỹ nghệ ở làng Kon K’Tu… Và lúc công việc bắt đầu được triển khai, có rất nhiều chị em trong làng đã vui vẻ, hồ hởi tham gia và hy vọng rất nhiều những sản phẩm của mình trong tương lai được du khách đón nhận.

 

Điều này đồng nghĩa với việc không những họ có thêm nguồn thu nhập ổn định hằng ngày, tạo được nhiều công ăn việc làm cho cộng đồng mà còn nhận thấy rất rõ là nghề truyền thống sẽ được giữ gìn và phát huy hơn nữa khi mà lớp trẻ tự nguyện học hỏi để có thể tự tạo ra thu nhập trang trải cho cuộc sống bản thân mình… Nhưng hy vọng đó chẳng được bao lâu thì phải dừng lại, có nơi chỉ còn hoạt động cầm chừng.

 

Cụ thể như cơ sở của chị Y Hanh, làng Kon Klor trước đây lúc nào cũng có từ 4-5 người làm việc cả ngày tại nhà chị chưa kể một số làm ở nhà riêng khi đến hẹn thì mang sản phẩm đến giao cho chị làm đầu mối bao tiêu sản phẩm nhưng hiện nay cơ sơ này gần như suốt ngày đóng cửa, sản phẩm trưng bày không nhiều, Chị Y Hanh cho biết: “Lúc đầu cũng có khách đến tham quan và mua sản phẩm vì họ thích hoa văn họa tiết trên thổ cẩm của dân tộc mình nhưng sau cứ thưa dần rồi nay thỉnh thoảng họ cũng ghé qua nhưng chỉ xem chứ không mua đồ nữa. Bây giờ mình chỉ còn làm cho một số trường dân tộc nội trú hay cho một số nơi có nhu cầu cho công tác văn nghệ thôi nhưng cũng không nhiều như trước…”.  

 

3.7.24 3.7.25 Gùi và Ví thổ cẩm được bày bán trong một quầy lưu niệm nhưng rất ít khách mua.

 

Sự ảm đạm, thờ ơ của du khách đối với các cơ sở dệt thổ cẩm của chị Y Hanh cũng như các cơ sở khác trong tỉnh trong thời gian qua thật sự đã làm người trong cuộc nuối tiếc. Để tìm lời giải đáp cho câu chuyện này, tôi đã tìm gặp những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong ngành du lịch thì được biết: “Khi xây dựng những làng nghề này, cơ quan chức năng và các cơ sở sản xuất địa phương không có sự liên hệ hay liên kết với những người trực tiếp làm du lịch để có cuộc hội thảo hay tham khảo ý kiến của họ. Bởi hơn ai hết, họ tiếp xúc nhiều với các đầu mối lữ hành và du khách nên sẽ hiểu rất rõ thị hiếu, nhu cầu của mỗi du khách có quốc tịch khác nhau khi đến tham quan tại địa phương mình…”.

 

Anh Võ Thanh Hương, hướng dẫn viên tiếng Pháp cho biết thêm: “Thị hiếu của du khách cũng nằm trong khả năng của người dân thôi nhưng do họ còn   rụt rè thiếu năng động học hỏi, thiếu kiến thức về cách làm du lịch. Người dân không có khái niệm về tiếp thị… không được sự hướng dẫn tỉ mỉ, sự quan tâm sâu xát nhiệt tình của các cơ quan có liên quan nên dẫn đến họ khá lúng túng khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm…”.

 

Và như được thổ lộ niềm trăn trở bấy lâu của mình anh tiếp: “Thỉnh thoảng mình cũng cố gắng đưa khách vào tham quan, trước là để khách biết thêm về văn hóa đặc trưng của người dân xứ mình và cũng vừa muốn giúp người dân bán được sản phẩm nhưng thỉnh thoảng mới có khách mua một vài cái ví thổ cẩm để làm quà hay để kỉ niệm. Còn những sản phẩm khác họ cũng muốn mua vì sản phẩm khá sắc sảo và nhất là khi biết được sự kì công, tính chăm chỉ của người nghệ nhân để dệt nên những tấm thổ cẩm độc đáo này trong khi đó giá cả cũng rất mềm, hợp túi tiền v.v…nhưng rồi họ lại do dự, rồi từ chối vì đa phần họ không biết mua về để sử dụng vào việc gì cho phù hợp. Bởi sản phẩm của bà con mình chỉ dùng để may váy áo, khố, tấm điệu con, tấm chồ để đắp hay để choàng đi ngoài trời lạnh…Trong khi đó văn hóa của người Tây lại hoàn toàn khác mình, nhu cầu của họ là muốn có một cái khăn trải bàn lớn hay một tấm drap trải giường lạ mắt và hợp với tông màu sắc của dân tộc họ như màu đỏ bordeau, trắng hay xanh da trời…Nhất là những họa tiết độc đáo trên thổ cẩm ấy phải được sắp sếp lại cho hợp lý như phải nằm dọc ở giữa hay chạy viền chân bốn bên…Còn sản phẩm đan lát mây tre thì cứ làm đúng như những mẫu của văn hóa dân tộc mình như gùi, teo… có chăng là làm tinh xảo hơn, đặc trưng hơn nữa để làm nổi bậc lên những tinh hoa của vùng miền và sản phẩm phải nhỏ gọn để có thể dễ di chuyển…Tránh tình trạng có thời gian như làng Kon K’Tu có đề án là đan lát mây tre nhưng lại bắt chước theo sản phẩm thủ công mỹ nghệ xứ người và rồi chỉ trong một thời gian ngắn sau đó mô hình này cũng tự giải thể vì cũng không có đầu ra cho sản phẩm…”.

 

Nhận thấy anh Hương là người khá am hiểu nhu cầu của du khách cũng như trăn trở về phát triển làng nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây và cũng là để tạo đà phát triển du lịch bền vững cho tỉnh Kon Tum nhưng “lực bất tòng tâm” vì anh cũng chỉ là một nhân viên hướng dẫn thông thường. Anh tâm sự: “Có những lúc cũng muốn đứng ra hướng dẫn cho người dân làm một số mẫu như khách góp ý nhưng rồi lại do dự vì nếu lỡ có sản phẩm nào đó bán không chạy thì bà con sẽ giận mình lắm nên ngại vì những món hàng như vậy đối với họ là một gia tài mà. Nhiều lúc đưa khách vào tham quan hoài mà không mua hàng giúp bà con, đôi khi thấy họ cũng buồn nên mình thấy rất ngại vì vậy mấy năm gần đây mình không đưa khách vào những cơ sở này nữa…”.

 

Nghe qua những tâm sự của người trực tiếp làm du lịch, tôi mới thấy những người có tâm với nghề hướng dẫn, ngoài sự tự hào, mong muốn được giới thiệu những sản phẩm đặc trưng độc đáo của quê hương mình ra thế giới mà còn hy vọng người dân có thu nhập ổn định hơn và thông qua đó lưu giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình.

 

Và trong buổi trò chuyện cởi mở ấy, tôi cũng thử đưa ra một vài gợi ý để có thể giải quyết một phần khó khăn cho người dân có tâm giữ nghề truyền thống đó là tổ chức cho du khách tham quan và “học nghề” tại những cơ sở làng nghề. Ý kiến cũng không gì mới mẻ vì quy trình này đã có vài nơi trong nước thực hiện như và họ cũng thành công đáng kể để tạo thu nhập cho người dân như đưa chương trình du lịch trải nghiệm vào chương trình tour và tính toán giá cả ngày công lao động trực tiếp vào chi phí tour, sau đó thuyết phục một vài gia đình có nghề truyền thống để họ trực tiếp hướng dẫn cho khách thực hành những thao tác như đan lát, dệt thổ cẩm, làm bún, làm bánh tráng, làm rượu và trả công thu nhập theo ngày công lao động cho những “người thầy” này…Chắc chắn sau những trải nghiệm thú vị như vậy, khách và chủ sẽ cảm thấy hài lòng vì “người thầy” có thêm nguồn thu nhập, còn “học trò” sẽ cảm thấy thú vị vì được trực tiếp thực hành và hiểu được những công việc của nghề truyền thống nơi mà họ đã đi qua, điều này sẽ để lại ấn tượng không thể nào quên trong cuộc hành trình của họ. Và người tổ chức tour cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều vì khách sẽ lưu trú lại Kon Tum nhiều ngày hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn và tạo công ăn việc làm cho hướng dẫn và nhân viên của doanh nghiệp….

 

Nhưng đáp lại góp ý này của tôi, Anh Lê Văn Mạnh, Điều hành tour của một đơn vị lữ hành trong tỉnh bày tỏ: “Biết là vậy nhưng không dám đưa Du lịch trải nghiệm làng nghề này vào chương trình tour tham quan vì số lượng khách đến với Kon Tum không nhiều, du khách thường chọn những chương trình ngắn như tham quan văn hóa hay sinh thái một, hai ngày rồi đi ngay…”.

 

Sau một buổi trò chuyện cùng họ, tôi cảm thấy hơi buồn và tiếc nuối vì sự thiếu quan tâm nghiên cứu sâu sắc về những đề án làng nghề trước khi bắt tay vào hướng dẫn người dân thực hiện của những người quản lý ngành du lịch và các cơ quan có liên quan; sự không mạn dạn, đắn đo của người hướng dẫn – người am hiểu sở thích, thị hiếu của du khách; sự băn khoăn, lo lắng vì số lượng khách đến Kon Tum không nhiều nên khó tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm làng nghề của người thiết kế tour và là người điều hành du lịch và rất nhiều người khác đang muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã không mạnh dạn bắt tay nhau tìm ra hướng đi riêng cho ngành du lịch tỉnh nhà. Vì thế, cho đến nay, qua nhiều năm thực hiện xây dựng đề án, việc phát triển du lịch làng nghề tại Kon Tum vẫn dậm chân tại chỗ.

 

Tại sao chúng ta không thử nghĩ ngược lại, nếu có những quy hoạch du lịch văn hóa làng nghề cụ thể hơn. Các cơ quan quản lý ngành du lịch sâu sát hơn như cử người có tâm, có tầm nhìn về du lịch thường xuyên bám sát môi trường hoạt động của các cơ sở làng nghề và những doanh nghiệp du lịch trong tỉnh để trao đổi ý kiến kịp thời và báo cáo đề xuất cho các cơ quan có liên quan nhanh chóng hỗ trợ công tác định hướng cho các cơ sở… Sự mạnh dạn của các doanh nghiệp lữ hành vừa hướng khách vào những chương trình đã thiết kế vừa triển khai tiếp thị, quảng cáo… Các nhà đầu tư kết nối với người dân làng nghề để có những giao ước cụ thể, ràng buộc, hướng dẫn tỉ mỉ hơn về phương thức hoạt động kinh doanh dịch vụ và sớm chuyển đến cho cơ sở những nhận xét và nhu cầu thị hiếu của du khách, tìm ra hướng đi đúng cho sản phẩm…

 

Khi mọi công tác đã được chuẩn bị tốt, có sự đồng thuận từ nhiều phía. Tôi tin rằng trong tương lai không xa du khách sẽ đến Kon Tum ngày càng nhiều hơn và lưu lại thời gian lâu hơn. Và chắc chắn rằng với lợi thế du lịch văn hóa, sinh thái và kết hợp với du lịch làng nghề đặc trưng, hấp dẫn của tỉnh,  Kon Tum sẽ là điểm dừng chân không thể thiếu trong cuộc hành trình du lịch của du khách khi đến tham quan tại Việt Nam. Còn nếu cứ chờ có nhiều du khách rồi mới bắt tay vào thực hiện… thử hỏi chờ đến bao giờ ?!.

 

Bài, ảnh: Tường Lam

Đi đến nguồn bài viết