Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

67

baokontum.com.vn

26/04/2024 06:02

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn chất thải rắn sinh hoạt (số liệu đến cuối năm 2023), trong đó có 122 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 158 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý địa bàn tỉnh khoảng 86,8%. Tuy nhiên hình thức xử lý tại một số bãi chôn lấp chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường; tỷ lệ chất thải xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường khoảng 60%.

Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố có khu xử lý chất thải rắn tập trung. Trong đó, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên đa số ở trong tình trạng quá tải; không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Riêng huyện Ia H’Drai chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, chưa có khu xử lý chất thải rắn tập trung. Hiện nay, huyện đang đề xuất chủ trương xin đầu tư, xây dựng bãi rác.

Chất thải rắn sinh hoạt tập kết tại Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đăk Hà. Ảnh: H.L

 

Có hai nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Cụ thể, Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đăk Hà tại xã Hà Mòn của Công ty TNHH TM&CN môi trường DH, công suất xử lý 75 tấn rác/ngày, đêm, đi vào hoạt động từ tháng 9/2020.

Liên tiếp trong mấy năm gần đây, người dân nhiều lần phản ánh hoạt động của nhà máy này để tồn rác quá nhiều, gây ô nhiễm không khí; xả nước thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe người dân.

Tại thành phố Kon Tum có nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum, công suất xử lý 200 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm. Tuy nhiên, nhà máy đang tạm dừng hoạt động do liên quan đến công tác đấu thầu. Mới đây, UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT xem xét thủ tục đầu tư và quá trình đầu tư tại nhà máy này. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý là phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, mà thu gom lẫn lộn; được xử lý theo hình thức chôn lấp là chủ yếu; nhiều bãi chôn lấp bị quá tải, không hợp vệ sinh, phát tán mùi hôi.

Một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa chưa có đội thu gom hoặc thu gom chưa thường xuyên, hầu hết lượng chất thải này được người dân tự thu gom xử lý nên dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.

Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên gấp 1,25 lần so với năm 2019. Rõ ràng là, nếu không giải quyết tốt bài toán thu gom, xử lý thì sẽ gây áp lực lớn đến công tác bảo vệ môi trường và mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

174105Ph%E1%BA%A7n%20l%E1%BB%9Bn%20ch%E1%BA%A5t%20th%E1%BA%A3i%20r%E1%BA%AFn%20sinh%20ho%E1%BA%A1t%20v%E1%BA%ABn%20ch%C6%B0a%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20ph%C3%A2n%20lo%E1%BA%A1i%20t%E1%BA%A1i%20ngu%E1%BB%93n min

Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa được phân loại tại nguồn. Ảnh: HL

 

Một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này là từ tháng 4/2023, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được “luật hóa” tại Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh.

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được chia làm ba loại. Loại thứ nhất là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải (hộp, túi, lọ cốc bằng giấy, sách, truyện, thùng bìa carton, giấy bọc…); nhựa thải; kim loại, thủy tinh thải; vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử.

Loại thứ hai là chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn.

Loại thứ ba là nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm chất thải cồng kềnh và chất thải trơ (không cháy được).

Quy định trên nêu rõ: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình phải được phân loại, thu gom và chuyển đến các điểm tập kết đúng thời gian, đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại các khu đô thị, không lưu giữ rác tại các thùng đựng rác công cộng trên các đường phố quá 48 giờ và tại các điểm trung chuyển quá 24 giờ.

UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển.

Các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp về cự ly vận chuyển đến các khu xử lý theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; được thiết kế theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; đảm bảo mỹ quan, không gây ô nhiễm môi trường đất, không khí và nguồn nước trong quá trình vận hành.

Mới đây, ngày 22/4, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 1366/UBND-NNTN về đẩy mạnh quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố từng bước triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt; ưu tiên triển khai trước đối với những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để các yêu cầu trên đi vào thực tế cần quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Kêu gọi đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung quy mô cấp huyện, cụm huyện; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến để hạn chế và tiến tới loại bỏ xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đi kèm đó là chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt.        

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/xu-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-40472.html